Sử dụng các hình khối cơ bản
Xu hướng thiết kế logo năm 2023 được cho là vẫn tiếp tục theo chủ nghĩa tối giản. Ngày nay, chúng ta ít thấy những biểu tượng chứa nhiều đường nét hoặc chi tiết phức tạp. Lý do là bởi những logo như thế thường gây khó nhớ và hiển thị kém trên các nền tảng kỹ thuật số, môi trường mà logo thường xuyên xuất hiện ở một kích thước rất nhỏ.
Đây là một vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp đang tìm cách củng cố sự hiện diện của họ, xây dựng nhận thức về thương hiệu, đồng thời chuyển hướng tiếp cận sang nhóm khách hàng trẻ tuổi. Giữa thời đại thông tin đến rồi đi nhanh chóng, mọi người mặc nhiên sẽ ưu tiên sự đơn giản.
Logo hiện tại (bên phải) của hãng xe Citroen nổi tiếng của Pháp |
Trong những năm gần đây, nhiều thương hiệu có thiên hướng lựa chọn những xu hướng thiết kế logo tinh tế, rõ ràng. Ngay cả những cái tên lâu đời cũng đã thực hiện các chiến dịch nhằm thay đổi hình ảnh để phù hợp với thời đại mới. Điểm chung dễ nhận thấy nhất của các logo này là chúng đều sử dụng hình khối cơ bản, ít nét.
Nhưng đơn giản không đồng nghĩa với nhàm chán. Có nhiều cách để nhà thiết kế mang lại sự thú vị cho logo, ngay cả khi chúng chỉ bao gồm các hình tròn, chữ nhật. Cụ thể, các nhà sáng tạo sẽ sử dụng những bảng màu rực rỡ, có độ tương phản cao hoặc phương pháp không gian âm (white space) để tạo điểm nhấn cho logo
Trên thực tế, phương pháp sử dụng hình khối cơ bản không phải là xu hướng mới trong lĩnh vực thiết kế. Đã có nhiều thương hiệu ứng dụng cách làm này như YouTube, Instagram, gần đây nhất là KIA, Slack...
Hình khối cơ bản (geometric shapes) bao gồm hình tam giác, hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật, dấu chấm và đường kẻ khác nhau… Chúng có thể tạo thành một biểu tượng hoặc thay thế cho các chữ cái để thể hiện tên thương hiệu. Chúng mang lại cho thiết kế logo một hình ảnh tối giản, dễ ghi nhớ và hiển thị tốt.
Trào lưu “anti branding” đề cao sự tối giản
Bên cạnh hình khối, typography cũng được dự báo sẽ trở thành xu hướng thiết kế logo năm 2023. Tuy nhiên, ứng dụng của typography trong thiết kế logo rất đa dạng và thương hiệu hoàn toàn có thể thử nghiệm nhiều phương án khác nhau.
Trong vài năm gần đây, nhiều thương hiệu thời trang hoặc sản phẩm xa xỉ đã thay đổi logo của mình theo hướng… không thể nào tối giản hơn. Phông chữ Sans Serif đặt trên nền trắng và hầu như không có yếu tố đồ họa nào đặc biệt. Chúng tạo nên một trào lưu được gọi là “anti branding”.
Xu hướng “anti branding” đề cao sự tối giản |
Nhiều thương hiệu lựa chọn “anti branding” làm phong cách thiết kế vì tính đơn giản của nó. Họ lập luận rằng các thương hiệu ngày nay không muốn áp đặt giá trị và phong cách của họ nữa, thay vào đó, họ muốn chúng được định hình thông qua khách hàng và trải nghiệm với thương hiệu. Do đó, cách thể hiện triết lý này chính là một logo tinh gọn hết mức.
Mặc dù cực kỳ đơn giản, xu hướng thiết kế logo này vẫn có những lợi thế nhất định. Văn bản và nền màu trơn sẽ truyền đạt ngay lập tức thông tin mà người xem cần - mà không có bất kỳ sự can thiệp nào gây mất tập trung. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp với “anti branding”.
Khuyến khích sự sáng tạo với typography
Typography có thể được ứng dụng theo nhiều cách khác nhau, không có quy tắc nhất định nào trong một lĩnh vực sáng tạo như thiết kế đồ họa. Bên cạnh sự tối giản, nhiều thương hiệu sẵn sàng thử nghiệm với trí tưởng tượng của mình, đặc biệt là typography. Con chữ giờ đây không còn mang vác mỗi nhiệm vụ hiển thị tên thương hiệu, mà đôi khi chúng còn kiêm luôn cả nhiệm vụ thu hút người xem.
Trong khi nhiều hãng công nghệ như Google và Spotify và các hãng thời trang như Burberry và YSL đã đơn giản hóa logo của họ bằng phông chữ San Serif, thì các nhà thiết kế trên thế giới đã triển khai thứ mà họ gọi là kiểu chữ thử nghiệm (experimental typography). Đây là từ để chỉ cách tiếp cận mang tính nghệ thuật đối với việc thiết kế chữ. Những logo này thường sẽ được điều chỉnh nhằm mang lại sự độc đáo, vui nhộn, phá cách cho thương hiệu.
Logo thương hiệu sôcôla Nucao |
Tất cả bắt đầu từ ý tưởng, nơi những con người sáng tạo chơi với typography. Họ kết hợp hoa văn, màu sắc, điều chỉnh các nét để cho ra kết quả cuối cùng. Họ phá vỡ các quy tắc typography thông thường, từ đó thể hiện bản sắc thương hiệu theo những cách khác biệt. Do đó, nếu bạn đam mê typography, cụ thể là lettering thì xu hướng thiết kế logo năm 2023 này là một phong cách đáng để khám phá.
Tìm về phong cách cổ điển
Phong cách cổ điển đã có những giai đoạn thăng trầm khác nhau. Nhưng dựa trên những gì mà các studio sáng tạo đã và đang làm trong năm nay, ta có thể dự đoán “cổ điển” sẽ là xu hướng thiết kế logo năm 2023.
Trên những cộng đồng thiết kế nổi tiếng, có rất nhiều studio tích cực thử nghiệm phông chữ, màu sắc và các hình vẽ tay khác nhau với mục đích chính là tạo cho chúng một ấn tượng mang tính cổ điển, sau đó ứng dụng vào quá trình xây dựng thương hiệu.
Thương hiệu thực phẩm MUUUHLK thiết kế mascot theo phong cách thịnh hành từ những năm 50 của thế kỷ trước |
Cho dù đó là mascot, kiểu chữ 3D nhiều lớp hay những bảng màu cổ điển, chúng ta sẽ thấy đã có nhiều thương hiệu lựa chọn việc quay ngược thời gian và áp dụng những phong cách tương phản với xu hướng tối giản.
Có nhiều lý do giải thích cho sự nổi lên của xu hướng thiết kế logo năm 2023 nói trên. Những hình ảnh này gợi lên cảm giác hoài cổ. Mặc dù đúng là thế giới công nghệ đã phát triển tinh vi trong thời gian gần đây, nhưng tính nghệ thuật của thế kỷ trước vẫn mang một sức hút đặc biệt. Chúng khơi dậy những cảm xúc và ký ức của người xem về một thời đã qua.
Tận dụng các bảng màu gradient
Thực tế cho thấy rằng, làm việc với màu sắc, hay cụ thể là chọn màu cho logo là câu chuyện mang tính cá nhân và thường rất khó để xác định đâu là xu hướng màu cụ thể trong năm. Mọi người luôn có quan điểm khác nhau về màu sắc. Thương hiệu này thích logo đen trắng thì cũng sẽ có thương hiệu chọn bộ màu tươi sáng.
Tuy nhiên, nếu quan sát những chiến dịch thay đổi bộ nhận diện từ các thương hiệu lớn, ta sẽ nhận thấy một phương pháp có thể trở thành xu hướng thiết kế logo năm 2023 tiếp theo sẽ là gradient. Gradient là từ dùng để chỉ việc pha trộn của các màu khác nhau. Chúng có thể là sự tổng hợp của các màu tương tự trong cùng một sắc thái, hoặc là những màu khác nhau hoàn toàn.
Logo thương hiệu dược phẩm GSK với bộ màu rực rỡ |
Phương pháp dùng các dải màu đa sắc đã xuất hiện từ lâu nhưng hầu như mọi người đều cho rằng nó là xu hướng nhất thời và các thương hiệu không đời nào lựa chọn một logo nhiều màu như thế vì các vấn đề in ấn. Tuy nhiên, đến năm 2020, một loạt dự án thiết kế xoay quanh logo gradient dần nổi lên.
Dần dần, gradient trở thành một xu hướng phổ biến và hiện nay chúng ta dễ dàng bắt gặp khá nhiều logo áp dụng phương pháp này. Một điều khác biệt là nếu như trước đây, các nhà thiết kế cho rằng gradient chỉ phù hợp với những thương hiệu công nghệ hay sáng tạo, thì giờ đây những doanh nghiệp truyền thống cũng đã theo kịp xu hướng này.
Ứng dụng khả năng chuyển động của biểu tượng
Việc sáng tạo nội dung dựa trên video đang trở nên nổi bật hơn bao giờ hết. Sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội có thể lý giải cho quá trình chuyển đổi của các thương hiệu. Điều này đã ít nhiều tác động đến lĩnh vực thiết kế logo. Những nhà thiết kế dự đoán rằng năm 2023 sẽ có nhiều công ty lựa chọn các logo chuyển động (logo animation).
Logo animation là một cách độc đáo để thương hiệu truyền tải câu chuyện của mình và trở nên nổi bật giữa đám đông. Nó đồng thời cho phép thương hiệu tóm tắt thông điệp thành một câu chuyện ngắn gọn, hấp dẫn và thú vị. Sự chuyển động là điều giúp thương hiệu tạo được ấn tượng với người xem, thứ mà những logo tĩnh ít khi làm được.
Logo của Leeum được thiết kế mang tính động |
Một điều cần lưu ý là logo động không dành cho mọi thương hiệu. Những khán giả trẻ tuổi, quen với những trào lưu mới, hoạt động tích cực trên mạng sẽ dễ tiếp nhận những logo animation hơn, vì chúng thường gợi lên cảm giác vui vẻ, tràn đầy năng lượng và phấn khởi. Mặt khác, animation có lẽ không phù hợp trong những lĩnh vực đòi hỏi sự nghiêm túc và tin cậy cao.
Thương hiệu nhân bản
Thương hiệu có thể là bất cứ thứ gì, chỉ cần nó đủ sức tác động đến hiểu biết, tâm lý hay nhận thức của tiêu dùng thì đó chính là thương hiệu. Khả năng kết nối cảm xúc giữa thương hiệu và khách hàng là một trong những khía cạnh quan trọng khi xây dựng thương hiệu.
Chúng ta không mua sản phẩm vì công dụng của nó, mà phần nhiều chúng ta mua vì cảm xúc thương hiệu đó mang lại. Do đó, nếu thương hiệu tạo được những cảm xúc tích cực nơi người dùng thì đó sẽ là lợi thế vô cùng lớn. Bộ nhận diện thương hiệu, hay cụ thể là logo, có thể giải quyết một phần bài toán nói trên. Ngày càng nhiều doanh nghiệp sử dụng các thiết kế “thủ công”, ít yếu tố công nghệ để xây dựng lòng tin và thu hẹp khoảng cách với khách hàng.
Phông chữ viết tay nổi bật trên hộp mật ong hữu cơ của Miels d’Anicet là điểm thu hút người xem |
Các nhà thiết kế có thể đưa vào bộ nhận diện những yếu tố địa phương, văn hóa hoặc bản sắc thương hiệu. Cách này giúp truyền tải thông điệp rằng thương hiệu có sự liên kết với những yếu tố nhân bản. Họ sử dụng phông chữ dạng viết tay, hình minh họa công phu và phong cách tối giản. Từ đó, thương hiệu tạo ra một sợi dây kết nối chặt chẽ giữa họ và người tiêu dùng.