IBM đang huấn luyện cỗ máy tính biết nhận thức Watson đọc hình ảnh y khoa |
AI được dự báo mang lại giá trị khổng lồ với quy mô gần 1.200 tỷ USD ngay trong năm nay và 5 năm tới đạt đến 3.900 tỷ USD.
Cho dù các nhà phát triển công nghệ khẳng định AI là xu thế tất yếu trong nền kinh tế mà các tổ chức, doanh nghiệp (DN) đang phải tìm kiếm phương thức vận hành hiệu quả cao hơn với chi phí thấp hơn, nhưng những dự báo đưa ra đều khác nhau do những yếu tố thực tiễn quyết định.
IDC dự đoán năm 2019, 40% ý tưởng chuyển đổi số sẽ được AI hỗ trợ nhằm tìm kiếm các phân tích kịp thời cho những mô hình vận hành và tiền tệ hóa trong khu vực. Nhưng ngược lại, Forrester cảnh báo năm 2018, 75% các dự án AI sẽ gây thất vọng do không đáp ứng được những điều kiện thực tế.
Ngành công nghiệp AI được dự báo sẽ đạt cột mốc 1.175 tỷ USD ngay trong năm nay, tăng 70% so với năm 2017, nhờ được thúc đẩy bởi các giải pháp cải thiện trải nghiệm khách hàng, giúp giảm chi phí và gia tăng các nguồn doanh thu mới, theo khảo sát vừa công bố của Công ty Nghiên cứu Gartner. Giá trị kinh doanh có nguồn gốc từ AI theo đó được dự báo đạt tới quy mô 3.923 tỷ USD vào năm 2022.
"AI sẽ trở thành công nghệ đột phá nhất trong 10 năm tới nhờ những tiến bộ về hiệu suất tính toán, tốc độ thực thi và nhiều loại dữ liệu lưu trữ khác", Gartner nhận định.
Nhiều DN đang tập trung thử nghiệm AI vào các nền tảng công nghệ như mạng lưới thần kinh nhân tạo (DNNs), phần mềm học máy (Machine Learning Machine), hay Deep Learning (học sâu). Chỉ trong vài năm, Deep Learning đã giúp giải quyết các vấn đề cụ thể trong nhiều lĩnh vực nhờ nhận thức sự vật, dịch thuật tự động, ngôn ngữ tự nhiên, đại lý ảo...
Nền tảng nghiên cứu và phát triển của các đại công ty như Google, Apple, Microsoft, IBM và Nvidia đã giúp hoàn thiện AI và nhiều công ty khởi nghiệp tham gia phát triển chuyên sâu sản phẩm từ AI như các giải pháp quản lý quan hệ khách hàng, ô tô, bán hàng, tiếp thị và thương mại.
Theo ông John-David Lovelock - Phó chủ tịch Bộ phận Nghiên cứu Gartner, các dịch vụ dựa trên AI chiếm khoảng 46% giá trị kinh doanh sử dụng AI năm nay. Tuy nhiên, dự kiến sẽ giảm xuống 26% vào năm 2022 khi các DN đầu tư vào những giải pháp tinh vi hơn do AI cung cấp.
Tương tự, quyết định hỗ trợ và tăng cường công nghệ AI sẽ chiếm 36% giá trị thị trường AI toàn cầu năm nay và đến 2022 có thể chiếm tới 44%. Đồng thời, nền tảng AI kết nối với điện toán đám mây chiếm 18% vào năm nay nhưng dự kiến giảm xuống còn 15% vào năm 2022 khi các hệ thống khác hoàn thiện hơn.
Niềm tin sẽ định giá AI
Theo ông Ralph Haupter - Chủ tịch Microsoft châu Á, AI đang dần được ứng dụng vào nhiều mảng mà trước nay con người cho rằng máy móc không thể làm được: từ y tế đến giáo dục, kiểm soát khí hậu và nông sản. Bằng việc kết hợp AI với sự khéo léo của con người, tiềm năng của các cá nhân được tối đa hóa và đạt được những thành tựu đáng kể.
Ví dụ Microsoft đang tìm phương thức trấn áp căn bệnh đáng sợ - ung thư - không phải bằng những thiết bị y khoa mà bằng công nghệ AI và máy học. Bằng cách ứng dụng máy học và phân tích ngôn ngữ tự nhiên, Microsoft hỗ trợ các bác sĩ chuyên khoa ung thư cá nhân hóa phác đồ điều trị cho bệnh nhân thông qua phân loại các dữ liệu nghiên cứu trực quan. Hoặc phát triển phương pháp kết hợp máy học với thị giác máy tính (computer vision) giúp các nhà xạ trị hiểu hơn quá trình phát triển của khối u để đưa ra phương án điều trị.
Nhưng Ralph Haupter cho rằng câu hỏi về niềm tin và đạo đức quanh AI đang được đặt ra, mức độ tin tưởng của con người vào công nghệ đang là thách thức với AI. Dù AI giúp xã hội thay đổi theo chiều hướng tích cực, nhưng để phát huy hết sức mạnh, AI phải thu thập, tổng hợp và chia sẻ các khối lượng dữ liệu khổng lồ. Những quan ngại đạo đức vì thế xoay quanh việc truy cập toàn cầu, an ninh, quyền riêng tư, sự minh bạch và những vấn đề tương tự.
Ở góc độ xã hội, AI làm sao đảm bảo được sự công bằng khi những hệ thống sử dụng AI đang ngày càng trở nên tinh vi và thông minh hơn. Con người sẽ không dùng những giải pháp AI nếu không hoàn toàn tin tưởng vào mức độ an ninh, bảo mật và an toàn.
Theo Ralph Haupter, các cá nhân, DN và chính phủ sẽ phải phân tích để tìm câu trả lời trước tốc độ phát triển vượt bậc của AI. Để tận dụng hết khả năng của AI, công nghệ này cần tạo được nền tảng của sự tin tưởng và cần chú trọng các yếu tố như:
- Quyền riêng tư và sự an ninh: Hệ thống AI cần tuân theo các quy định về quyền riêng tư, thu thập thông tin, sử dụng, lưu trữ và đảm bảo thông tin cá nhân được sử dụng theo quy chuẩn, cũng như đảm bảo những thông tin đó sẽ không bị đánh cắp hoặc sử dụng sai mục đích.
- Minh bạch: Đối với mỗi hệ thống AI đưa vào sử dụng, cơ chế hoạt động cần được cung cấp cụ thể để giúp người dùng hiểu rõ cách các kết quả được hệ thống đưa ra, từ đó dễ dàng xác định những kết quả sai lệch.
- Công bằng: Về lý thuyết, hệ thống AI sẽ đưa ra cùng kết quả cho những điều kiện đầu vào giống nhau. Chẳng hạn những bệnh nhân có cùng triệu chứng và dấu hiệu sẽ nhận cùng phác đồ điều trị. Để đảm bảo sự công bằng, con người cần hiểu rõ những ảnh hưởng của sự thiên vị đối với các hệ thống trên nền tảng AI.
- Sự tin cậy: Hệ thống AI phải được thiết kế với các thông số rõ ràng và trải qua những thử nghiệm nghiêm ngặt để đảm bảo có những phản hồi tích cực trong các trường hợp bất ngờ, không đi lệch hướng so với dự toán của con người.
- Bao quát: AI phải giải được bài toán nhu cầu và trải nghiệm đa dạng của con người, tiên liệu được những rào cản về sản phẩm hoặc môi trường có nguy cơ loại trừ con người không chủ đích.
- Trách nhiệm: Những nhà thiết kế và triển khai AI phải chịu trách nhiệm. Định mức trách nhiệm cho AI cần dựa trên kinh nghiệm và thực hành từ các lĩnh vực khác như quyền riêng tư trong y tế, phải được nghĩ đến trong quá trình thiết kế hệ thống và trong các chuỗi quy trình hoạt động sau đó.
Ralph Haupter nói: "AI có tiềm năng giúp con người tìm đáp án cho nhiều bài toán khó hơn nữa. Tuy nhiên, điều cần thiết là chính phủ, DN, các nhà giáo dục và các cơ quan chức năng phải đồng lòng xây dựng một hệ thống AI đáng tin cậy".