5 nữ nghệ sĩ ảnh hưởng nhất thế kỷ XX

Hồng Như| 11/10/2019 06:05

Mặc dù tác phẩm của các nữ nghệ sĩ thường bị lãng quên và giá của chúng trên thị trường thường rất thấp nhưng ảnh hưởng của họ đến giới nghệ thuật thì không thể bàn cãi.

5 nữ nghệ sĩ ảnh hưởng nhất thế kỷ XX

Dưới đây là 5 nữ nghệ sĩ nổi bật và có nhiều ảnh hưởng nhất thế kỷ XX.

Amrita Sher - Gil (1913-1941)

Amrita là họa sĩ người Hungary gốc Ấn Độ. Bà là một trong những nữ nghệ sĩ tiên phong vĩ đại nhất đầu thế kỷ XX và trong nghệ thuật hiện đại Ấn Độ. Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, các tác phẩm của Amrita mang đậm dấu ấn nghệ thuật phương Tây, chủ yếu là những bức tranh tự họa, mô tả về cuộc sống của chính Amrita và những người bạn tại Paris. Năm 1932, Amrita đột phá với bức tranh sơn dầu Young Girls, giúp Amrita trở thành nghệ sĩ Châu Á duy nhất tham gia vào The Paris Salon - triển lãm nghệ thuật thường niên của Paris.

Chan-dung-Amrita-Sher-Gil-2879-157072905

Amrita Sher-Gil

Năm 1934, Amrita Sher - Gil trở về Ấn Độ bắt đầu hành trình khám phá nghệ thuật truyền thống của quê hương. Tác phẩm của bà bắt đầu có sự thay đổi rõ nét về kỹ thuật cũng như phong cách. Tranh của Amrita thời kỳ này có sự kết hợp nhuẫn nhuyễn giữa các loại hình nghệ thuật truyền thống của Ấn như phong cách Mughal, đường nét từ các bức tranh trong chùa hang Ajanta. Có thể thấy điều này qua một số bức tranh: Brahmacharis, Bride's Toilet và South Indian Villagers Going to Market.

Amrita-Sher-Gil-Bu-c-tranh-Vil-2915-8960

Bức Village Scene, 1938

Trong một bức thư gửi cho bạn, Amrita viết rằng: “Châu Âu thuộc về Picasso, Matisse và Braque cùng nhiều họa sĩ khác. Còn Ấn Độ thuộc về tôi”. Mặc dù các tác phẩm của bà được các nhà phê bình tôn vinh và đánh giá cao, trớ trêu thay lúc bà còn sống lại rất ít người mua.

Amrita-Sher-Gil-Young-girls-19-5526-4465

Bức Young Girls, 1932

Rất lâu sau khi Amrita qua đời, tác phẩm của bà mới được thị trường nhìn nhận và định giá đúng. Năm 2006, bức Village Scene được bán với giá 6,9 rupee crore tại New Delhi. Vào thời điểm đó ở Ấn đây là bức tranh có mức giá cao nhất được bán ra. Hiện tại, các tác phẩm của Amrita Sher - Gil được Chính phủ Ấn tuyên bố là Bảo vật nghệ thuật quốc gia và được trưng bày tại phòng Nghệ thuật Hiện đại Quốc gia ở New Delhi. Bà là một trong 6 họa sĩ triệu USD của Ấn và là người phụ nữ duy nhất có mặt trong danh sách này.

Frida Kahlo (1907-1954)

Frida Kahlo là họa sĩ người Mexico nổi tiếng với những bức chân dung tự họa phản ánh thế giới nội tâm sâu sắc và chứa đựng biểu tượng về đời sống cá nhân. Trong suốt sự nghiệp, Frida Kahlo đã vẽ gần 200 bức tranh, trong có 55 bức tranh tự họa. Ở những bức tranh đầu tiên thực hiện vào giữa những năm 1920, Frida Kahlo chịu ảnh nhiều từ các bậc thầy thời Phục hưng, các nghệ sĩ tiên phong của Châu Âu như Amedeo Modigliani.

frida-01-6546-1570729055.jpg

Frida Kahlo đang vẽ tranh

Đến cuối những năm 1920, Kahlo tìm thêm cảm hứng từ văn hóa đại chúng của Mexico và sử dụng phong cách nghệ thuật dân gian để giải mã các câu hỏi về bản sắc, chủ nghĩa hậu thuộc địa, giới tính, giai cấp và chủng tộc trong xã hội. Những bức tranh của Frida Kahlo thường có yếu tố tự truyện mạnh mẽ, hiện thực pha trộn với trí tưởng tượng phong phú. Miêu tả nỗi đau và cái chết cũng là một đặc trưng trong tác phẩm của Kahlo.

frida-02-2833-1570729056.jpg

Bức Tree of Hope, Remain Strong, 1946

Năm 1939, bức The Frame của Frida Kahlo được treo tại viện bảo tàng Louvre, đưa bà trở thành nữ nghệ sĩ Mexico đầu tiên của TK XX có tác phẩm góp mặt trong bộ sưu tập tranh quốc tế. Năm 1977, Tree Of Hope Stands Firm - bức tranh đầu tiên của Kahlo được mang ra đấu giá với số tiền 19.000 USD. Ngày nay, hầu hết các tác phẩm của bà được xem là một phần của di sản văn hóa Mexico. Vì vậy, những tác phẩm này rất ít xuất hiện trên các sàn đấu giá quốc tế.

frida-03-8154-1570729056.jpg

Bức Roots, 1943

Georgia O’keeffe (1887-1986)

O’Keeffe là họa sĩ người Mỹ, được biết đến với những bức tranh hoa cỡ lớn đặt tại những tòa nhà chọc trời New York hoặc cảnh quan ở khu New Mexico. O'Keeffe được giới mỹ thuật phong tặng là “Người Mẹ của chủ nghĩa nghệ thuật hiện đại Hoa Kỳ” bởi những bức tranh của bà luôn thách thức ranh giới sáng tạo của nghệ thuật, luôn kết hợp tài tình giữa sự trừu tượng và hiện thực.

o-01-3275-1570729056.jpg

Georgia O'Keeffe

Ngày nay, rất dễ nhận ra tác phẩm của O’Keeffe. Đó là những bông hoa cỡ lớn hoặc cây xương rồng đầy màu sắc "nảy nở" tại sa mạc như những ốc đảo trong mơ. Bà từng nói: “Nếu tôi vẽ bông hoa chính xác như tôi thấy thì nó sẽ rất nhỏ và không một ai có thể nhìn thấy chúng. Vì vậy, tôi tự nhủ sẽ vẽ những gì tôi thấy thật lớn. Tôi sẽ khiến những người New York bận rộn mất thời gian nhiều hơn để xem những gì tôi thấy về hoa”.

o-03-3773-1570729056.jpg

Bức Jimson Weed, 1932

Bức chân dung quá khổ vẽ hoa cà độc dược - Jimson Weed 1932 - đã được đấu giá thành công với mức 44,4 triệu USD tại buổi đấu giá nghệ thuật của Mỹ vào 2014. Bức tranh này đưa O’Keeffe trở thành nữ nghệ sĩ quá cố đầu tiên của nước Mỹ giữ kỷ lục bức tranh đắt nhất được bán ra.  Năm 1977, bà được trao Huân chương tự do của Tổng thống - danh hiệu dân sự cao quý nhất ở Hoa Kỳ.

o-02-8770-1570729056.jpg

Bức Lake Georgia Reflaction, 1921-1922

Louise Bourgeois (1911-2010)

Louise Bourgeois là họa sĩ người Mỹ gốc Pháp. Thế giới của Bourgeois bị ảnh hưởng nặng nề bởi các sự kiện tâm lý đau thương thời thơ ấu vì chuyện tình cảm phức tạp của người cha. Vì vậy, tác phẩm của bà thường có nội dung liên quan đến chủ đề cá nhân, sự vô thức và ham muốn tình dục.

l-01-4798-1570729057.jpg

Louise Bourgeois

Bourgeois luôn khước từ sự gán ghép tác phẩm của bà liên quan đến nữ quyền mặc dù phần lớn chủ đề trong tác phẩm của bà đều liên quan đến tính nữ. Các tác phẩm như: series Femme Maison (1946-1947), Torso tự họa (1963-1964), Arch of Hysteria (1993)… đều mô tả cơ thể phụ nữ.

Bourgeois được thế giới biết đến không chỉ là một nữ họa sĩ mà còn là nhà điêu khắc và sắp đặt quy mô lớn. Vào cuối những năm 1990, Bourgeois bắt đầu sử dụng con nhện làm hình ảnh trung tâm trong sáng tạo nghệ thuật. Nổi bật nhất là tác phẩm Maman (Mẹ tôi), cao hơn 9m, được đặt phía trước viện bảo tàng Mỹ thuật Quốc Gia Canada, Ottawa.

l-03-6072-1570729057.jpg

Series tranh Femme Maison (1946-1947)

Maman được làm bằng đồng, thép không gỉ và đá cẩm thạch trắng, được Bourgeois làm để vinh danh mẹ của bà. Ngày còn sống, mẹ của Bourgeois thường sửa chữa những tấm thảm lớn (tapestries) trong xưởng bảo dưỡng đồ dệt của chồng tại Paris. Ngày mẹ qua đời, Bourgeois nhảy xuống sông Bièvre tự tử nhưng được bố cứu thoát. Bà cảm thấy con nhện có những đức tính và năng khiếu của mẹ như dệt tơ, khéo léo, khôn ngoan, và bảo vệ người thân.

l-02-1448-1570729057.jpg

Điêu khắc con nhện Maman

Maman được viện bảo tàng Canada mua với giá 3,2 triệu USD, bị cho là quá đắt vào năm 2005, chiếm hết một phần ba ngân sách hằng năm nhưng họ vẫn cảm thấy xứng đáng. Đây là mức giá kỷ lục dành cho tác phẩm của một nữ nghệ sĩ. 

Yayoi Kusama (1929)

Kusama Yayoi là hoạ sĩ Nhật Bản với các tác phẩm chấm bi. Mức độ ảnh hưởng của bà được thể hiện qua số lượng kỷ lục những người đến tham quan các buổi triển lãm, điển hình là Yayoi Kusama: Infinite Obsessions (Ám ảnh bất tận) được tổ chức vào năm 2013 đã thu hút hơn 2 triệu lượt người tham quan khi tổ chức tại nhiều địa điểm ở Nam Mỹ.

y-01-2740-1570729057.jpg

Yayoi Kusama trong thế giới chấm bi của bà

Tuổi thơ Yayoi bị ám ảnh bởi người mẹ bạo lực. Chính sự căm ghét mẹ khiến bà bắt đầu có những ảo giác và gặp vấn đề thần kinh. Năm 1950, Yayoi bắt đầu yêu chấm bi và vẽ ra hàng ngàn bức ảnh dựa trên những ảo giác đó. Yayoi nói rằng: “Chấm bi không thể đứng riêng rẽ. Khi chúng ta xóa bỏ tự nhiên và cơ thể chúng ta bằng những đốm màu, chúng ta trở thành một thể thống nhất với những gì xung quanh”.

y-02-7554-1570729057.jpg

Không gian sắp đặt có tên Infinity Mirrors

Từ vẽ, điêu khắc, trình diễn đến sắp đặt, điện ảnh và thậm chí là thiết kế thời trang, tất cả các lĩnh vực đều có dấu ấn và những chấm bi của Kusama Yayoi. Sự nghiệp của bà luôn được các nhà phê bình và nhà sưu tập ca ngợi hết lời. Tháng 11/2014, một tác phẩm của Yayoi được trả với mức giá cao nhất cho một tác phẩm của nữ nghệ sĩ là 7,1 triệu USD. Tranh của Yayoi chiếm 25% trong tổng giá trị tác phẩm của nữ nghệ sĩ trên thị trường đấu giá hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
5 nữ nghệ sĩ ảnh hưởng nhất thế kỷ XX
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO