Các tài sản sở hữu trí tuệ (SHTT) đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), nhưng các nhà lãnh đạo DN thường không quan tâm bảo hộ các tài sản này. Và chính vì không được bảo hộ nên các tài sản SHTT của DN sẽ bị sao chép, đánh cắp, làm giả, hay bị lợi dụng danh tiếng khi sản phẩm, dịch vụ được lưu thông trên thị trường.
Đọc E-paper
DN Việt Nam, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ hoặc mới khởi nghiệp, thường không có đủ nguồn lực để theo đuổi các vụ tranh chấp liên quan đến SHTT nếu như không nắm chắc các bằng chứng chứng minh quyền sở hữu của mình.
Bảo vệ các tài sản SHTT không chỉ giúp DN chống lại những hành vi gian lận của các chủ thể khác, mà còn giúp DN tạo lập giá trị lớn khi hầu hết nguồn lợi nhuận DN có được là nhờ giá trị của danh tiếng, chất lượng, uy tín của sản phẩm, dịch vụ cung cấp nhiều hơn so với giá trị nguồn vốn hữu hình.
1. Tài sản, quyền và đối tượng SHTT
Tài sản SHTT là những tài sản được tạo lập dựa trên sự sáng tạo bằng trí tuệ của con người. Tổ chức, cá nhân sáng tạo ra loại tài sản SHTT khi xác lập quyền sở hữu có quyền nhân thân (quyền đặt tên tác phẩm, công bố ra công chúng, đứng tên tác phẩm...) và quyền tài sản (quyền góp vốn, chuyển nhượng...) đối với tài sản đó.
SHTT gồm ba nhóm chính: quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý...), quyền đối với giống cây trồng. Theo đó, loại SHTT hình thành phổ biến là quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp.
2. Bảo hộ quyền SHTT như thế nào khi khởi nghiệp?
Điều đầu tiên và quan trọng nhất là xác lập quyền đối với tài sản SHTT. Tùy theo đặc tính của tài sản SHTT và mục đích DN hướng đến mà hình thức sở hữu và cơ sở xác lập quyền sẽ có sự khác biệt.
Với nhóm quyền tác giả, DN không cần đăng ký cũng tự động được bảo hộ kể từ thời điểm sáng tạo và thể hiện dưới dạng vật chất nhất định.
Tuy nhiên, việc đăng ký là cần thiết vì nếu có văn bằng sở hữu thì khi xảy ra tranh chấp sẽ không cần phải chứng minh quyền sở hữu. Với quyền sở hữu công nghiệp, DN phải đăng ký mới được bảo hộ.
Riêng nhãn hiệu nổi tiếng thì được bảo hộ trên cơ sở sử dụng mà không phụ thuộc vào việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đó hay chưa. Đối với tên thương mại, chỉ cần sử dụng hợp pháp thì sẽ được bảo hộ. Khi thành lập DN, tên DN đã được ghi nhận bảo hộ ở cơ quan đăng ký kinh doanh.
Đặc biệt, một đối tượng hoàn toàn có thể được bảo hộ dưới nhiều hình thức khác nhau.
Ví dụ, một logo có thể được bảo hộ vừa dưới dạng nhãn hiệu (đăng ký ở Cục SHTT), vừa dưới dạng bản quyền tác giả (đăng ký ở Cục Bản quyền) mà không trùng lắp vì phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu và bản quyền là khác nhau.
DN nên đăng ký tất cả các quyền SHTT có thể. Vụ tranh chấp giữa Công ty Quang Minh và Công ty Trường Sơn năm 2004 là một ví dụ, khi cùng một sản phẩm nhưng Quang Minh đăng ký bảo hộ dưới dạng kiểu dáng công nghiệp, còn Trường Sơn lại đăng ký bảo hộ dưới dạng quyền tác giả.
Vì vậy, để phòng tránh tốt nhất rủi ro, DN nên đăng ký bảo hộ tài sản SHTT của mình trong thời gian sớm nhất với tất cả những dạng có thể được bảo hộ.
Thứ hai là DN phải ý thức được phạm vi quyền của mình. DN cần biết rõ mình có những quyền gì đối với các tài sản SHTT.
Khi là chủ sở hữu các đối tượng của quyền SHTT, tổ chức và cá nhân có quyền sử dụng, cho phép người khác sử dụng đối tượng được bảo hộ; ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng được bảo hộ; định đoạt đối tượng được bảo hộ (thương mại hóa thông qua góp vốn, chuyển nhượng, mua bán, cấp quyền sử dụng...).
Thứ ba là chủ động bảo vệ quyền đã được xác lập. Khi có một bên nào đó có hành vi xâm phạm, DN cần biết cách bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Cụ thể, DN có quyền phản đối người khác sử dụng các đối tượng của mình ngay từ giai đoạn họ nộp đơn xin được cấp văn bằng bảo hộ, hay khi họ xúc tiến kinh doanh (giới thiệu, quảng cáo...).
DN cũng có thể yêu cầu các cơ quan nhà nước xử lý hoặc đơn vị chủ quản các trang mạng gỡ bỏ thông tin có khả năng ảnh hưởng đến chủ sở hữu và yêu cầu xử lý hành vi vi phạm thông qua các biện pháp hành chính, dân sự, hình sự.
Hiện nay, các tranh chấp về SHTT không ngừng gia tăng, không chỉ trong giới khởi nghiệp mà cả trong các DN lâu năm bởi tầm quan trọng và lợi nhuận thu được từ các đối tượng SHTT.
Do vậy, song hành với tầm nhìn dài hạn về mô hình kinh doanh, DN cần phải đảm bảo các tài sản SHTT được bảo vệ xuyên suốt quá trình phát triển của DN.
>Bảo vệ thương hiệu trong kinh doanh nhượng quyền
>Bảo vệ tên miền của doanh nghiệp như thế nào