10 sự kiện kinh tế - chính trị nổi bật năm 2016

P.V| 29/12/2016 00:25

Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, nhiệm kỳ 2016 - 2020. Đồng thời, việc thu hút vốn FDI, cải cách thể chế kinh tế, đẩy mạnh cải cách DNNN,... được đặc biệt chú trọng.

10 sự kiện kinh tế - chính trị nổi bật năm 2016

Năm 2016 khép lại với nhiều sự kiện kinh tế - chính trị quan trọng.

Đọc E-paper

Đây cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, nhiệm kỳ 2016 - 2020. Năm 2016, những vấn đề như thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cải cách thể chế kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được đặc biệt chú trọng.

1. Hoàn thiện bộ máy lãnh đạo cấp cao

Đại hội lần thứ XII của Đảng (từ ngày 20 - 28/1/2016) là sự kiện chính trị quan trọng nhất của đất nước. Tháng 7/2016, kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIV đã phê chuẩn 27 thành viên Chính phủ do ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng.

Tháng 5/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với mục tiêu đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp (DN) Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có các DN quy mô lớn, nguồn lực mạnh.

Khu vực tư nhân đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30 - 35% GDP. Năng suất lao động toàn xã hội tăng khoảng 5%/năm.

Hằng năm, khoảng 30 - 35% DN Việt Nam có đổi mới sáng tạo. Mục tiêu của bộ máy lãnh đạo ở nhiệm kỳ mới là duy trì đường lối đổi mới, sáng tạo, nền kinh tế tăng trưởng bền vững và có đủ nội lực để hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

2. Số lượng doanh nghiệp tăng kỷ lục

Đến gần cuối tháng 12, cả nước đã có thêm 110.100 DN thành lập, tăng 16,2% so với năm 2015 với số vốn cam kết 891.094 tỷ đồng (bình quân 8,09 tỷ đồng/DN, tăng 48,1% so cùng kỳ năm 2015). Số DN quay lại hoạt động là 26.689, tăng 43,1%.

Như vậy, tổng số DN thành lập, quay lại hoạt động cả năm là 136.800, tổng số vốn bổ sung và tăng thêm cho nền kinh tế là khoảng 2,5 triệu tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 1,3 triệu lao động. Lĩnh vực kinh doanh có tỷ lệ DN mới thành lập tăng cao so với cùng kỳ 2015 là bất động sản (83,9%), y tế, trợ giúp xã hội (52%), giáo dục - đào tạo (43,1%).

>>Năm 2020, TP.HCM phấn đấu đạt 500.000 doanh nghiệp

3. Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm chính thức Việt Nam

Tháng 5/2016, Tổng thống thứ 44 của Mỹ, Barack Obama đã thăm chính thức Việt Nam. Ông là vị tổng thống thứ ba của Mỹ đến thăm Việt Nam sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama đã nhận được sự chú ý đặc biệt từ giới truyền thông lẫn người dân. Trong chuyến thăm, ông Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam - quyết định được đánh giá mang tính bước ngoặt trong mối quan hệ Việt - Mỹ, đưa quan hệ đối tác toàn diện đi vào thực chất.

Về mặt kinh tế, những năm gần đây, Mỹ luôn là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Cách đây hơn 20 năm, kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Mỹ chỉ đạt 450 triệu USD nhưng năm 2014 là 35 tỷ USD và 2015 đạt 41,26 tỷ USD.

4. TPP bị đình trệ

Sau lễ ký Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Auckland, New Zealand sáng 4/2, Bộ trưởng Thương mại và Kinh tế 12 nước thành viên TPP (Mỹ, Nhật Bản, Canada, Chile, Úc, Malaysia, Mexico, Peru, New Zealand, Singapore, Việt Nam, Brunei) đã ra tuyên bố chung khẳng định việc ký kết là một dấu mốc quan trọng đồng thời khởi đầu giai đoạn mới cho TPP.

Tuy nhiên, tháng 11/2016, Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ không theo đuổi TPP. Trong bảng đánh giá kinh tế châu Á với chủ đề "Liệu có buồn về TPP? Hướng về Hiệp định RCEP...", Ngân hàng HSBC Việt Nam phân tích, bên cạnh TPP, nhiều hiệp định tự do thương mại khác vẫn đang được bàn thảo, quan trọng nhất là FTAAP - một sáng kiến do APEC khởi xướng cách đây 20 năm nhằm kết nối 21 nền kinh tế, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc.

Một hiệp định thương mại khác với quy mô nhỏ hơn tập trung vào châu Á là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) kết nối ba nền kinh tế tiêu dùng lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Ấn Độ, khối ASEAN), tạo ra khu vực tự do thương mại giữa 16 nền kinh tế châu Á với 22.400 tỷ USD GDP và 10.000 tỷ USD giá trị thương mại.

5. Vốn FDI có khả năng không tăng trưởng như dự báo

Nhiều dự báo trong năm 2016 cho rằng số vốn FDI năm nay sẽ vượt con số 22,757 tỷ USD của năm ngoái. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 9 và đặc biệt là sau tuyên bố của Tổng thống đắc cử Donald Trump về việc ngưng theo đuổi TPP, vốn FDI vào Việt Nam đã giảm mạnh.

Tính đến ngày 20/11, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 18,103 tỷ USD, chỉ bằng 89,5% so với cùng kỳ 2015. Song, điểm sáng của dòng vốn FDI trong hai năm trở lại đây là tốc độ giải ngân được duy trì.

Cụ thể, năm 2015, cả nước đã giải ngân được 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với 2014. Riêng 11 tháng của năm 2016, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 14,3 tỷ USD. Dự báo, mức giải ngân năm nay sẽ vượt năm 2015 vì nhiều DN FDI vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất.

>>Thu hút vốn FDI: Phải gỡ khó cho nhà đầu tư

6. Doanh nghiệp Thái Lan tiến vào thị trường Việt Nam

Hai doanh nghiệp Thái gồm: F&N Dairy Investments Pte.,Ltd và F&N Bev Manufacturing Pte.,Ldt (hai công ty con thuộc Công ty Fraser & Neave Limited, Thái Lan) đã tăng sở hữu tại Vinamilk lên gần 16,5% vốn điều lệ trong năm 2016.

Các doanh nghiệp Thái Lan đang sở hữu nhiều hệ thống phân phối tại Việt Nam

Không riêng ngành thực phẩm, năm nay, các DN Thái Lan đã tiến sâu vào nhiều lĩnh vực bán lẻ, sản xuất công nghiệp, hạ tầng khu công nghiệp. Sau khi Tập đoàn Berli Jucker (BJC) hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng hệ thống Metro Cash&Carry tại Việt Nam, tháng 5/2016, Central Group đã sở hữu hệ thống Big C. Trước đó, tập đoàn Thái Lan này cũng đã nắm 49% cổ phần tại Nguyễn Kim - điều hành hệ thống bán lẻ điện máy lớn nhất của Việt Nam.

Với hàng loạt thương vụ M&A, gần như 50% hệ thống bán lẻ hiện đại tại Việt Nam đã nằm trong tay DN Thái Lan.

7. Thảm họa môi trường biển

Đầu tháng 4, cá biển chết hàng loạt lan ra 200km bờ biển Hà Tĩnh,Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế làm cho 39.000 ngư dân mất việc, tàu thuyền nằm bờ suốt 8 tháng, ngành khai thác thủy sản giảm 20% sản lượng, du lịch biển thuộc các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng.

Sau hơn hai tháng truy tìm nguyên nhân, thủ phạm được chỉ ra là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh thải chất thải độc hại ra biển. Cuối tháng 6/2016, lãnh đạo công ty này đã cúi đầu xin lỗi nhân dân Việt Nam và cam kết bồi thường thiệt hại 500 triệu USD. Tuy nhiên, việc khắc phục ô nhiễm và đưa hệ sinh thái biển của bốn tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp trở lại bình thường vẫn là vấn đề nhức nhối.

Trung tuần tháng 12 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi lãnh đạo bốn tỉnh này yêu cầu tiếp tục quan trắc nước biển ven bờ tại 19 bãi tắm với tần suất hai tuần/lần và công khai kết quả với người dân.

Việc Formosa gây ra thảm họa môi trường là hồi chuông cảnh báo không thể thu hút đầu tư nước ngoài "bằng mọi giá" và việc phát triển bền vững phải được quan tâm đặc biệt.

8. Nước mắm truyền thống bị cạnh tranh không lành mạnh

Ngày 17/10, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố kết quả khảo sát chất lượng đối với 150 nhãn hiệu nước mắm.

Theo đó, 125/150 mẫu nước mắm đóng chai có ít nhất một trong 5 chỉ tiêu của nhóm hoá học không đạt so với tiêu chuẩn hoặc công bố trên nhãn hàng, nhất là hàm lượng Asen, gây hoang mang dư luận và làm thiệt hại đáng kể đối với nhiều DN và cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống.

>>Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm của Vinastas

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an cùng các bộ, ngành liên quan điều tra động cơ từ cuộc khảo sát của Vinastas. Ngày 28/11, Vinastas có văn bản chính thức xin lỗi người tiêu dùng, DN sản xuất và các nhà kinh doanh nước mắm về thông tin sai lệch liên quan tới chất lượng nước mắm vì kết quả khảo sát đã đồng nhất khái niệm asen với thạch tín.

Được biết, khảo sát của Vinastas được thực hiện dưới sự tài trợ của Công ty TNHH Liên doanh T&A Ogilvy, không đảm bảo tính độc lập theo quy định.

9. Tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Tái cơ cấu DNNN và là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế. Giai đoạn 2011 - 2015, đã có 499 DNNN được cổ phần hóa (CPH), sáp nhập, hợp nhất 48 DN, giải thể 17 DN. Riêng trong 10 tháng đầu năm 2016, cả nước đã CPH được 48 DNNN và ba đơn vị sự nghiệp.

Như vậy, tính đến nay đã có hơn 4.500 DNNN được CPH, trong đó có 411 DN CPH niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán và 207 DN đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, như Vietnam Airlines, Habeco (BHN), Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV)...

Thêm nữa, năm 2016, vấn đề thoái vốn nhà nước tại các DN lớn cũng được chú trọng, điển hình như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) bắt đầu triển khai đề án thoái vốn tại 10 DN, trước mắt là Vinamilk.

10. Nợ Chính phủ vượt trần

Nợ chính phủ lần đầu được công bố vượt trần 50% GDP năm 2015 (ở mức 50,3% GDP). Cuối năm 2016, tỷ lệ này tiếp tục tăng lên mức 53,2%, khiến Chính phủ phải đề nghị Quốc hội nới trần nợ công giai đoạn 2016 - 2020 và được chấp thuận ở mức 54% GDP.

Việc Chính phủ tăng vay nợ chủ yếu nhằm bù đắp bội chi, trả nợ công, chi đầu tư phát triển cũng như bảo lãnh các tổ chức, DNNN vay. Trong bối cảnh gánh nặng trả nợ gia tăng cùng với việc tái cơ cấu thời hạn vay, vấn đề kỷ luật chi tiêu, đầu tư được đặt ra mạnh mẽ nhằm đảm bảo nguồn lực tài chính trung và dài hạn.

Việc kiểm soát bội chi cũng được Chính phủ, các địa phương chú trọng, từ việc siết chặt mua sắm xe công, giảm biên chế, kiểm soát chi đầu tư phát triển.

>>Báo chí Pháp: 6 cách giúp giải quyết nợ công

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
10 sự kiện kinh tế - chính trị nổi bật năm 2016
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO