Trong những năm gần đây, Moscow đã ban hành khá nhiều lệnh cấm trên các lĩnh vực như văn hóa, xã hội, công nghệ thông tin...
Do tác động của các lệnh cấm này, sau đây là 10 điều bạn sẽ không thấy được xuất hiện công khai ở xứ bạch dương.
1.Tuyên truyền đồng tính
“Tuyên truyền quan hệ giới tính phi truyền thống cho thanh thiếu niên” là điều bất hợp pháp ở Nga. Trên thực tế, điều này có nghĩa là bất cứ ai tham gia các hoạt động đòi quyền lợi cho giới LGBT (viết tắt của cộng đồng những người đồng tính) hoặc cho rằng quan hệ tình cảm truyền thống và quan hệ đồng tính là như nhau đều có thể bị truy tố.
Tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch) cho rằng đạo luật này "mang tính phân biệt đối xử và rất nguy hiểm vì ‘tô đậm’ sự kỳ thị đồng tính ở nước Nga”.
2.Blog ẩn danh
Theo một đạo luật được thông qua hồi năm ngoái, những trang blog điện tử có hơn 3.000 lượt “khách” mỗi ngày (bao gồm cả những tài khoản mạng xã hội) buộc phải được đăng ký như một phương tiện truyền thông và phải tuân thủ những quy định của luật pháp Nga trong lĩnh vực này.
Những người phản đối cho rằng đạo luật đã hạn chế quyền tự do ngôn luận và khiến người dùng (blogger) có quan điểm đối lập với chính phủ dễ dàng trở thành mục tiêu truy tố.
3.Thực phẩm phương Tây
Moscow cấm hầu hết các loại thực phẩm nhập khẩu từ Mỹ, Liên minh châu Âu, Canada, Úc và nhiều nước khác – một biện pháp trả đũa lệnh trừng phạt của phương Tây do cáo buộc Nga tham gia vào chính sự ở Ukraine.
Lệnh cấm được cho rằng đang gây tác động tiêu cực lên lĩnh vực lương thực thực phẩm ở Nga vì chúng vẫn được nhập lậu vào nước này bất chấp lệnh cấm.
4.John McCain
Cũng là một biện pháp trả đũa phương Tây, Nga đã thực hiện lệnh cấm thị thực đối với Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và một số quan chức khác của Mỹ và châu Âu.
John McCain có vẻ không khó chịu lắm với lệnh cấm này của Moscow. “Điều này có nghĩa là thay vì đón lễ Phục sinh ở Siberia thì tôi đến Sedona, tôi không thể tự hào hơn về việc bị cấm thị thực bởi Vladimir Putin”, ông cho biết.
5.Trào lưu “chế” ảnh từ người thực (meme)
Đã từng có trào lưu sử dụng bức ảnh ông Putin đang đi câu cá và “đính kèm” theo câu hỏi “Where is Putin?” (“Ông Putin đang ở đâu?”), trào lưu này là bất hợp pháp ở nước Nga.
Luật pháp Nga nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh “giả mạo”, “không liên quan đến tính cách thật sự” của những người có tầm ảnh hưởng với công chúng, bởi vì việc này góp phần “bôi nhọ danh dự, phẩm giá và uy tín của họ”.
6.Phim Child 44
Nga cấm chiếu Child 44 - bộ phim kinh dị của Hollywood về vụ án giết người hàng loạt xảy ra ở Xô Viết vào những năm 1950 – sau khi cho rằng bối cảnh phim được xây dựng giống như "vùng đất đầy nguy hiểm Mordor trong loạt phim Chúa tể của những chiếc nhẫn".
7.Chửi thề
Năm ngoái, Nga tuyên bố cấm các từ ngữ chửi thề xuất hiện trên phim ảnh, chương trình truyền hình, các loại hình nghệ thuật và các phương tiện truyền thông đại chúng khác tại nước này.
Cá nhân vi phạm sẽ phải đối mặt với mức phạt lên đến 2.500 rúp (tương đương 40 USD), còn các tổ chức hoặc công ty vi phạm có thể bị phạt đến 50.000 rúp.
8.Website có liên quan đến chất gây nghiện
Không cần phải có lệnh của toà án, Cơ quan quản lý công nghệ và truyền thông ở Nga vẫn có quyền chặn bất kỳ website nào bị cho là bất hợp pháp.
Đạo luật này được đưa ra nhằm “bảo vệ trẻ em khỏi những nội dung tiêu cực trên internet” nhưng nó bị chỉ trích bởi tổ chức Phóng viên không biên giới (Reporters Without Borders) vì “thiếu minh bạch”.
Nhiều nội dung trên Wikipedia phiên bản tiếng Nga đã bị gỡ xuống vì có liên quan đến chất gây nghiện và việc tự tử. Trang mạng xã hội tin tức Reddit vừa mới bị Moscow “sờ gáy” cũng vì một chủ đề được cho là có liên quan đến chất gây nghiện.
9.Đồ lót ren
Vào năm 2013, Nga cùng với Belarus và Kazakhstan đã ban hành một đạo luật bắt buộc các loại quần áo phải được làm từ chất liệu có ít nhất 6% cotton, nhằm mục đích “an toàn cho người sử dụng”.
Hầu hết các loại đồ lót đắt tiền kiểu họa tiết ren đều có ít hơn 4% cotton và vì thế chúng bị cho là sản phẩm bất hợp pháp ở đây.
10.Xà phòng phương Tây
Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Nga cấm một số loại xà phòng và chất tẩy rửa của các thương hiệu Procter & Gamble, Colgate-Palmolive và Germany's Henkel.
Mặc dù các công ty sản xuất nói rằng các loại sản phẩm này đều an toàn cho người sử dụng nhưng Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Nga cho là chúng “độc hại” vì không đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn theo quy định của nước Nga.
>5 sự thật ít biết về xã hội Singapore