Tin vui đến với ngành da giày Việt Nam khi hàng loạt doanh nghiệp hiện đã có đủ đơn hàng đến hết năm và kim ngạch xuất khẩu có khả năng sẽ cán mức kỷ lục 5,4 tỉ USD.
Sản xuất giày nữ thời trang xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty giày Liên Phát (Bình Dương) Ảnh: T.V.N. |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Thuấn, chủ tịch Hiệp hội Da giày VN (Lefaso), nói:
- Sau thời gian có dấu hiệu chững lại do tác động của suy thoái kinh tế, xuất khẩu da giày Việt Nam phục hồi nhanh trở lại. Hiện các doanh nghiệp (DN) trong ngành đã có đơn hàng đến hết năm 2010 và đang đàm phán cho mùa vụ năm sau.
Theo ước tính, đơn hàng xuất khẩu trong năm nay tăng khoảng 16% so với năm ngoái do các thị trường nhập khẩu chủ lực của Việt Nam dần ổn định, nhiều khách đặt hàng đã chuyển từ mua da giày của Trung Quốc sang mua sản phẩm da giày của Việt Nam. Khả năng đạt mục tiêu xuất khẩu 5,4 tỉ USD của năm nay có thể thực hiện được dù phải đối mặt với tình trạng khó thu hút nhân công ở một số DN do đơn giá gia công thấp. Ngành da giày tiếp tục duy trì vị trí thứ ba sau dầu khí và dệt may về đóng góp kim ngạch xuất khẩu quốc gia.
Tại châu Á, Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc về kim ngạch xuất khẩu, nơi chiếm 70% dung lượng xuất khẩu của thế giới.
Sơ đồ kim ngạch xuất khẩu - Đồ họa: MẠNH TÁNH |
* Xuất khẩu hàng tỉ USD mỗi năm nhưng ngành da giày Việt Nam vẫn nặng về gia công, giá trị thặng dư mang lại chiếm tỉ trọng ở mức khiêm tốn?
- Ngành da giày Việt Nam cũng giống như ngành da giày của các quốc gia, vùng lãnh thổ đi trước như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc đều có lợi thế ở hai phân khúc giữa là tổ chức nguồn lực tốt (gồm khâu phát triển sản phẩm, nguyên phụ liệu, xây dựng cơ sở sản xuất) và tổ chức sản xuất xuất khẩu. Tuy nhiên, các lợi thế cạnh tranh này lại chưa phát huy được khả năng ở các thị trường tiêu thụ quan trọng của ngành tại châu Âu, Bắc Mỹ...
"Thực tế là ngành chưa thật sự làm chủ được ngành công nghiệp phụ trợ, đặc biệt công nghệ máy móc. Lực lượng thiết kế, marketing chưa đạt trình độ quốc tế để phát triển thương hiệu giày dép Việt Nam nhằm cạnh tranh tại thị trường thế giới" Ông Nguyễn Đức Thuấn |
Mặt khác, vì nhiều lý do khác nhau, một số DN chọn phương án gia công đơn thuần. Đây cũng là phương án kinh doanh an toàn mà tỉ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư rất tốt.
* Ông có nói rằng từ năm 2010 trở đi “cơ hội vàng” sẽ đến với ngành da giày Việt Nam nhờ lợi thế cạnh tranh hơn một số nước trong khu vực. Cụ thể là gì, thưa ông?
- Tại Trung Quốc, một trong những nước xuất khẩu giày dép lớn trên thế giới, hiện thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 3.000 USD/người/năm nên giá nhân công ở nước này bắt đầu tăng lên. Còn thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mới đạt khoảng 1.200 USD/người/năm. Đây là cơ hội để chúng ta đón nhận những đơn đặt hàng mang xu thế chuyển dịch như một lẽ tất yếu.
Vấn đề là DN phải biết kết hợp ưu thế cạnh tranh này với nội lực của chính mình để tạo ra lợi thế cạnh tranh thật sự. DN cần phải tính toán làm sao đưa đơn hàng về những nơi có lợi thế về lao động để tranh thủ nguồn lao động dồi dào ở các địa phương, thay vì chỉ bám trụ ở các thành phố lớn với chi phí thuê nhân công quá đắt đỏ.
Vì vậy, để giảm chi phí sản xuất, DN có thể thực hiện các khâu may mũi tại các vùng sâu, vùng xa, còn các khâu hoàn thiện công nghệ, chất lượng sản phẩm có thể thực hiện tại các thành phố, các khu công nghiệp tập trung.