Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thị trường nhập khẩu ngày càng thu hẹp.
Nguy cơ này xảy ra do những rào cản từ quy định về chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo qui định (IUU), thủ tục phức tạp khi nhập khẩu nguyên liệu…
Gần đây, nhiều doanh nghiệp phản ánh mức thuế suất sang thị trường Nhật Bản cao và khác biệt hẳn với các nước cùng khu vực.
Ngày 1/10/2009, Hiệp định đối tác kinh tế Việt-Nhật (VJEPA) chính thức có hiệu lực. Theo cam kết, trong vòng 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Nhật Bản sẽ miễn thuế đối với 94% hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này, đặc biệt là miễn thuế đối với 86% sản phẩm nông nghiệp (trong đó có thủy sản) xuất khẩu của Việt Nam. Khi đó, các doanh nghiệp có thể so sánh, lựa chọn biểu thuế giữa AJCEP (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản, thuế suất MFN (Tối huệ quốc) và VJEPA để xin mức thuế suất thấp nhất.
Tuy nhiên, kể từ khi hiệp định VJEPA có hiệu lực cho đến nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam lo ngại do mức thuế suất vào thị trường này cao hơn rất nhiều so với các nước cùng khu vực nên rất khó cạnh tranh được với các nước láng giềng.
Hiện tại, doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam vẫn phải chịu mức thuế cao hơn 40% so với các nước cùng khu vực, tương đương 7,2% sang thị trường Nhật và không được cắt giảm hàng năm đến 0% như những nước này nên cá ngừ Việt Nam không thể cạnh tranh được với các nước cùng khu vực.
Ngoài ra, hiện nay nguồn nguyên liệu cá ngừ trong nước đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chưa đáp ứng đủ nhu cầu chế biến, nên các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ buộc phải nhập khẩu để giảm áp lực về nguồn nguyên liệu trong nước. Nhưng, những thủ tục nhập khẩu nguyên liệu thủy sản chế biến của Việt Nam phức tạp, nhiều loại giấy tờ càng khiến sức cạnh tranh khi xuất khẩu bị giảm sút, các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ sang EU thêm “nản lòng”.