Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) của Ngân hàng Nhà nước đã chính thức công bố top 1.000 doanh nghiệp Việt Nam có kết quả xếp hạng tín dụng tốt nhất. Đây được xem là cơ sở để các tổ chức tín dụng phát hiện sớm các khách hàng có dấu hiệu rủi ro.
CIC đã công bố top 1.000 doanh nghiệp Việt Nam có kết quả xếp hạng tín dụng tốt nhất thông qua ấn phẩm “TOP 1.000 doanh nghiệp Việt Nam năm 2012”.
Đây là hoạt động thường niên của CIC trong 4 năm qua nhằm công bố danh sách 1.000 doanh nghiệp ở 35 ngành nghề kinh tế và ở các quy mô trung bình và lớn, hoạt động kinh doanh hiệu quả với kết quả xếp hạng tín dụng từ khá trở lên, có quan hệ tốt với các tổ chức tín dụng.
Theo đó, đã có 277 doanh nghiệp đạt hạng ưu (từ AA đến AAA) và 723 doanh nghiệp đạt hạng khá tốt (từ BB đến A).
Theo CIC, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế trong và ngoài nước, kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ở một số ngành như thủy sản, xây dựng, xi măng
bị ảnh hưởng lớn hơn các ngành còn lại.
Năm nay, một số ngành có tỷ trọng các doanh nghiệp được xếp hạng ưu (từ AA đến AAA) cao như: ngành sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá (15,52%); ngành thương mại (trừ thương mại công nghiệp nặng) (13,72%); ngành dệt, may mặc, da và các sản phẩm liên quan (6,86%); ngành sản xuất cao su và plastic (6,14%).
Số lượng doanh nghiệp mà CIC xếp hạng để trả lời các nhu cầu hỏi khoảng trên 20.000 doanh nghiệp hằng năm, gồm những doanh nghiệp lớn, mức độ tập trung đầu tư cao. Hiện tại, CIC là tổ chức công duy nhất tại Việt Nam công bố kết quả xếp hạng tín dụng doanh nghiệp.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hoạt động tín dụng chiếm 50-70% tổng thu nhập của ngân hàng, song cũng đối mặt với rất nhiều rủi ro. Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất là đối tượng được cấp tín dụng cố tình lừa đảo, chây ỳ, không trả nợ đúng hạn, hoặc sử dụng vốn sai mục đích, do yếu kém trong kinh doanh và quản lý.
Rủi ro này hoàn toàn có thể giảm thiểu nếu các ngân hàng thực hiện tốt khâu “phòng bệnh”, tức là sàng lọc khách hàng từ trước khi cấp tín dụng.
Thông qua xếp hạng tín dụng của khách hàng, ngân hàng có thể đánh giá cơ bản về mức độ rủi ro của khách hàng, sàng lọc được khách hàng tốt để phục vụ việc ra quyết định cấp tín dụng. Đây cũng là cơ sở để ngân hàng có thể tập trung vào các đặc điểm riêng của khách hàng để có biện pháp quản lý tín dụng hiệu quả.