Doanh nhân là lực lượng nòng cốt tạo ra đầu tàu
TP định vị là đầu tàu, là trung tâm kinh tế của nước. Đội ngũ doanh nhân TP là lực lượng nòng cốt tạo ra vị thế đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vì thế, việc xây dựng đội ngũ doanh nhân TP xứng tầm với một thành phố đầu tàu về kinh tế trong cả nước là điều cấp thiết hơn bao giờ hết.
Trong giai đoạn hội nhập sâu rộng hiện nay, chính quyền các cấp phải khuyến khích tinh thần khởi nghiệp kinh doanh để tạo ra nhiều việc làm, nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của xã hội; song song đó phải xây dựng một số DN đủ mạnh, có vai trò dẫn dắt, định hướng trong từng ngành, đủ sức lan tỏa kéo theo các DN nhỏ và rất nhỏ, tạo mọi điều kiện để đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là điều kiện tiên quyết để đưa nền kinh tế phát triển vững mạnh.
Hiện Việt Nam phải cạnh tranh với thế giới từ công nghệ, chất lượng, giá cả, thời gian, văn hóa, pháp luật… Việc quan tâm nâng cao năng lực cạnh tranh và kỹ năng lãnh đạo, quản trị cho đội ngũ doanh nhân không thôi chưa đủ mà còn phải có sự đồng bộ hỗ trợ của cả hệ thống, bao gồm Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ.
Hơn 30 năm đổi mới, doanh nhân TP đã không ngừng lớn mạnh, chất lượng ngày càng nâng lên, đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của TP, song theo Phó chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng, chất lượng đội ngũ doanh nhân chưa đồng đều, khả năng hội nhập, cạnh tranh quốc tế còn yếu, nhất là về kiến thức, am hiểu pháp luật; tính chuyên nghiệp chưa cao; thiếu sự liên kết chặt chẽ, đã vậy nguồn lực tài chính, kinh nghiệm kinh doanh và năng lực quản lý còn hạn chế. Thậm chí, một bộ phận doanh nhân vẫn lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, thiếu văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội.
TS. Trần Đình Thiên cho rằng TP vẫn là đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng chưa phát huy hết vai trò |
Cần nhiều chương trình đào tạo thiết thực
Chia sẻ tại hội thảo "Phát huy vai trò và nâng cao năng lực đội ngũ doanh nhân TP" sáng 12/1/2022, các doanh nhân cho rằng, để tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ doanh nhân cần có những chương trình đào tạo nguồn nhân lực kế thừa. Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các DN, đặc biệt là lực lượng quản lý tại các DN nhỏ và vừa, việc thành lập trường đào tạo doanh nhân cho giới quản lý DN ở TP và các tỉnh là nhu cầu cần thiết và cấp bách.
"Cần nhanh chóng thành lập trường đào tạo doanh nhân tại TP, vì khi họ được tiếp cận đầy đủ các kiến thức về quản lý, tài chính, pháp luật và hiểu rõ về chính sách, định hướng của TP về hoạt động kinh tế, doanh nhân sẽ tự tin để phát huy vai trò và thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với người lao động, với DN, với xã hội", ông Huỳnh Kim Thịnh - Tổng giám đốc Công ty TNHH Học Viện VSE đề nghị.
Ông Lê Hữu Nghĩa - Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP cho rằng, cần học hỏi kinh nghiệm từ những DN lớn. DN rất cần được bổ sung kiến thức và hiểu rõ hơn pháp luật, kinh tế thị trường ở những nước DN xuất khẩu sản phẩm.
"Để thuận lợi trong việc kinh doanh, cần nhanh chóng học hỏi các kinh nghiệm của những DN lớn và các anh chị doanh nhân đi trước có nhiều kinh nghiệm. Nên các DN tham gia các hiệp hội và hội là việc nên làm. Các hội, hiệp hội là ngôi nhà chung của các DN, là đại diện tiếng nói cho các DN", ông Lê Hữu nghĩa chia sẻ.
Đã đến lúc chú trọng đến thực lực hơn là số lượng
Theo TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TP vẫn chưa phát huy hết vai trò của đầu tàu kinh tế, mặc dù số lượng DN của TP năm 2020 chiếm đến gần một nửa số DN của cả nước. Điều này cho thấy TP có số lượng DN hùng hậu nhưng thực lực chưa mạnh.
"Thời điểm này, không nên quá quan tâm về số lượng mà phải chú trọng đến thực lực DN. Điều này được đo bằng sức cạnh tranh, năng suất, công nghệ, khả năng đổi mới sáng tạo… của DN. Chú trọng vào chất lượng DN để đưa ra đường lối phát triển của TP".
Cũng theo TS. Trần Đình Thiên, cần đẩy mạnh việc hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho DN, doanh nhân hoạt động. Muốn giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước, cần có sự nỗ lực của cả chính quyền và cả lực lượng doanh nhân. Việt Nam và TP đang ở vào thời điểm đặc biệt có nhiều thách thức, cạnh tranh, đòi hỏi năng lực lãnh đạo của các doanh nhân và cả chính quyền phải vượt qua chính bản thân mình.
Phó chủ tịch UBND TP cho rằng, cần nhìn nhận thấu đáo những vấn đề làm hạn chế quá trình phát triển doanh nhân, DN để khắc phục |
"Để TP giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước, cần có sự nỗ lực của cả chính quyền và cả lực lượng doanh nhân. Phải làm sao để vai trò đầu tàu đạt được sự kỳ vọng và chạy với tốc độ phi thường. Và đã đến lúc DN không xin chính sách để làm ăn thuận lợi, bởi vì DN đã đóng thuế, Chính phủ phải cung cấp những chính sách tốt, thuận lợi cho DN và không để tình trạng phân biệt đối xử", TS. Trần Đình Thiên khẳng định.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Hiền - Tổng giám đốc Công ty Silicon Sài Gòn cho rằng, Nhà nước và chính quyền TP phải có chính sách phát huy được nguồn lực của đội ngũ doanh nhân, tạo điều kiện cho mọi doanh nhân, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng khi tiếp cận các nguồn nhân lực, tài lực, vật lực… của đất nước. Nếu có sự tiếp cận bình đẳng thì sẽ có môi trường kinh doanh bình đẳng và không còn những khuất tất.
"Cần đánh giá và nhìn nhận thẳng thắn những mặt còn hạn chế, những nguyên nhân khách quan và chủ quan để có những giải pháp, dự án thực hiện hiệu quả. Cần nhìn nhận thấu đáo những vấn đề làm hạn chế quá trình phát triển doanh nhân, DN để khắc phục", bà Thắng nói.