Tuy nhiên, việc phát triển bền vững, tăng trưởng xanh gặp rất nhiều trở ngại trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng hiện nay, ví dụ như tình trạng cơ sở hạ tầng xuống cấp, ùn tắc giao thông, mật độ dân số và nhà ở tăng cao, đi cùng với đó là các vấn đề về môi trường. Những vấn đề này ngày càng trở nên cấp bách trong việc phát triển đô thị trước mắt và chiến lược lâu dài của TP HCM. Một mô hình phát triển đô thị cân bằng giữa đảm bảo an toàn, sức khỏe cộng đồng và phát triển cơ sở hạ tầng nằm trong kế hoạch phát triển nhanh- bền vững là điều mà các cơ quan chức năng của TP HCM hướng tới.
Trong một hội thảo mới đây của EroCham “ Hướng đến những thành phố bền vững”, các diễn giả đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp đã trình bày các yếu tố góp phần phát triển thành phố bền vững như: vai trò của kiến trúc và bất động sản; công trình xanh và năng lượng mặt trời hướng tới thành phố thông minh; vật liệu xây dựng giảm phát thải… Ông Jean-Jacques Bouflet, phó chủ tịch EroCham khẳng định: “ Từ góc độ khu vực tư nhân, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ TP HCM phát triển nhanh và bền vững. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kiến thức chuyên môn, và kinh nghiệm quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế, môi trường và xã hội để hướng đến phát triển bền vững”.
Ông Huỳnh Xuân Thụ- Phó chánh văn phòng Sở quy hoạch- kiến trúc TP HCM đã chia sẻ về chiến lược quy hoạch đô thị của TP hướng đến xây dựng thành phố bền vững.
•Thưa ông, khó khăn lớn nhất khi lập đồ án xây dựng bền vững TP HCM đó là gì?
Xung đột về lợi ích, đó là khó khăn mà chúng ta phải đối diện. Quá trình lập quy hoạch thành phố là quá trình xây dựng những khuôn khổ để đô thị phát triển bền vững, tạo chất lượng sống tốt hơn. Chúng ta đã có những đồ án quy hoạch bài bản, có sự tham gia của nhiều đơn vị, nhưng khi đưa ra thì gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Những thay đổi về mặt kinh tế, môi trường liên tục tạo ra thách thức mới mà quy hoạch chật vật theo, vì vậy công tác quy hoạch cần phải uyển chuyển, ứng phó với những biến động thực tế.
Khu sinh thái Cần giờ - một điểm cần được bảo vệ nghiêm ngặt. |
Hiện nay, TP. HCM chuẩn bị thực hiện đánh giá lại những đồ án đang làm và cũng để điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM , trong đó có nhấn mạnh các nội dung:
1/ Tăng cường liên kết vùng về kinh tế, môi trường và xã hội.
2/ Cập nhật nội dung biến đổi khí hậu vào đồ án quy hoạch. Đây là một nội dung khá mới. Đồ án quy hoạch năm 2010 đã có phần nào đưa vào nội dung này nhưng chưa đầy đủ và sâu sắc. Thêm nữa là sự biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, ngày càng cấp bách nên đồ án lần này phải đưa nội dung này vào ở nhiều tầm mức khác nhau. Từ tầm mức quốc gia, vùng và đô thị chúng ta tích hợp vào quy hoạch lần này những nội dung cụ thể về biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững.
3/ Chúng ta hướng tới đô thị nén, đô thị thân thiện với giao thông công cộng. Đây cũng là nội dung mới mẻ. Chúng ta có những bước đi đầu tiên tiếp cận với giao thông công cộng, tuy nhiên trong đồ án ko phải chỉ tính bước thứ 2 mà phải tính bước thứ 10, thứ 100 cho phát triển giao thông công cộng.
4/ Chúng ta đang hướng tới nền kinh tế sáng tạo, dịch vụ, hợp tác. Các khu công nghiệp phân bổ tới các khu vực lân cận và hướng đến tạo lập TP HCM thành khu đô thị bền vững năng động phát triển dựa trên kinh tế sáng tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân đó là những tầm nhìn.
•Cùng với những thách thức mà ông vừa đề cập như giao thông công cộng, liên kết vùng… thì TP HCM là TP bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu. TP HCM có những chiến lược trung và dài hạn như thế nào để đối phó?
Biến đổi khí hậu này chúng ta có nhiều kịch bản , có những kịch bản còn khó khăn hơn, khốc liệt hơn, liên quan đến sinh kế của hàng triệu người dân. Việc biến đổi khí hậu này cũng diễn ra ở nhiều vùng chứ ko chỉ ở TP. HCM và có ảnh hưởng tới nhiều khu vực rộng lớn, ví dụ như đồng bằng sông Cửu Long với ngập mặn, nước biển dâng cao…
Chúng ta phải nghĩ cách để chung sống với nó.
Về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, có những chuơng trình quốc gia lớn trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan Nhà nước. Riêng TP. HCM, UBND TP đã có chương trình rất kỹ lưỡng ban hành vào năm 2017, phân công hợp tác nhiều cơ quan ban ngành để đối phó với biến đổi khí hậu. Riêng về công tác quy hoạch thì Sở quy hoạch kiến trúc trong 5 năm gần đây đã làm việc với nhiều cơ quan nghiên cứu các cơ quan hợp tác phát triển quốc tế, các đối tác khác nhau để xây dựng chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, cơ bản bao gồm:
1/ Biến đổi khí hậu phải giải quyết trên cơ sở liên kết vùng. Chúng ta không thể có thêm khu công nghiệp, đô thị lấn vào vùng đất có nguy cơ biến đổi khí hậu, chúng ta phải đưa khu công nghiệp và đô thị đó vào những khu lân cận, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật kết nối giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển… kết nối các cơ sở kinh tế kỹ thuật, phát triển đô thị trên cơ sở liên kết vùng.
2/ Trên địa bàn TP HCM phải hết sức chặt chẽ trong việc quản lý các khu vực có thể chịu tác động lớn bởi biến đổi khí hậu ví dụ toàn bộ khu vực vườn Cần Giờ 50 ngàn ha, phải bảo vệ hết sức nghiêm ngặt, cân nhắc kỹ mỗi dự án tại đó.
Các khu vực ở phía Tây, phía Nam thành phố hiện nay cũng được quy hoạch thành vùng mảng xanh để giữ gìn vùng đệm, có thể xây hồ điều tiết trong tương lai ứng phó với nước thủy triều dâng hay mưa to.
Trong những khu vực phát triển đô thị thì kiểm soát rất chặt việc san lấp kênh rạch. Rạch nhỏ san lấp thì phải bù lại bằng 1 hồ điều tiết với quy mô tăng thêm 20% diện tích mặt nước so với khu san lấp. Khi phê duyệt dự án san lấp phải rất chặt chẽ, giảm thiểu việc san lấp, tạo điều kiện cho nước ngấm xuống tầng nước ngầm.
Các khu đô thị mới xem xét kỹ quy hoạch, kết nối hệ thống thoát nước, xây dựng hồ điều tiết, yêu cầu mô hình phát triển nhà cao tầng, giảm mật độ xây dựng, tạo không gian mở.
Sở Quy hoạch- kiến trúc đã kết hợp với một trường đại học của Đức xây dựng sổ tay hướng dẫn công tác quy hoạch với nhiều cấp độ khác nhau, chúng ta cần phổ biến tài liệu này rộng rãi từ các chủ đầu tư,các nhà thầu xây dựng cho đến các hộ gia đình xây dựng nhỏ lẻ.
•Người dân và doanh nghiệp rất quan tâm đến Bản đồ ngập lụt? Vậy đã có bản đồ đó chưa? Thông tin này được niêm yết tại đâu?
Thành phố đã xây dựng bản đồ ngập lụt khá chi tiết. Tới đây chúng tôi sẽ xây dựng bản đồ này thành bản đồ GIS, công bố công khai trên web quy hoạch của Sở.
Hiện nay trên web quy hoạch của Sở chúng tôi đang công bố toàn bộ cao độ san nền theo quy hoạch của tất cả các khu vực đô thị, các đơn vị tư vấn có thể tìm hiểu cao độ quy hoạch ở bất kỳ khu vực nào.
Nhiều DN cần chúng tôi công bố bản đồ hiện trạng cao độ của TP, chúng tôi xin ghi nhận nội dung này. Đây là những nội dung hết sức cần thiết, tuy nhiên hiện nay nó có 1 chút khó khăn về kỹ thuật. Bản đồ hiện trang cao độ dung lượng sẽ cực kỳ lớn, chúng tôi sẽ xem xét bài toán kỹ thuật này để có thể xử lý và công bố rộng rãi đầy đủ thông tin.