Người Mỹ ngại đi làm vì giá xăng cao

Phiên An| 22/04/2022 08:00

Khi hãng phần mềm bảo mật KnowBe4 thông báo kế hoạch quay lại văn phòng, các nhân viên vội vàng nhắn tin cho nhau hỏi nơi đổ xăng rẻ.

Giá xăng và chi phí ăn uống ngày càng tăng đang là thách thức của KnowBe4 khi kêu gọi nhân viên quay lại văn phòng làm việc. Công ty này có trụ sở chính ở Clearwater (Florida) - một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lạm phát tại Mỹ.

Điều các nhân viên KnowBe4 quan tâm hiện tại là nơi nào có thể đổ một gallon (3,8 lít) xăng với giá 3,5 USD. "Thật quá đắt đỏ", Erika Lance - Trưởng bộ phận nhân sự của công ty nói. Một số nhân viên nói rằng muốn làm việc tại nhà vì lên văn phòng còn tốn thêm chi phí chăm sóc con nhỏ và thú cưng.

Một góc văn phòng của KnowBe4. Ảnh: NYT

Một góc văn phòng của KnowBe4. Ảnh: NYT

Các công ty Mỹ có kế hoạch gọi nhân viên quay trở lại văn phòng vốn đã căng thẳng vì sợ lây Covid-19, thì giờ còn gặp áp lực lạm phát. Chi phí hàng ngày của nhân viên - gồm đi lại và ăn uống - hiện đắt hơn nhiều so với khi các văn phòng đóng cửa cách đây hai năm.

Lạm phát Mỹ tháng trước là 8,5% so với cùng kỳ 2021 - cao nhất kể từ năm 1981. Công suất thuê văn phòng cũng tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, tức trên 40%. Tuy nhiên, một số lao động đã sốc vì chi phí khi đi làm lại. "Chúng ta đã sẵn sàng trở lại văn phòng và câu hỏi bây giờ lại là chúng ta có đủ khả năng để quay lại làm việc không?", Becky Frankiewicz - Chủ tịch hãng nhân sự ManpowerGroup nói.

Theo AAA, giá xăng trung bình ở Mỹ đạt 4,33 USD mỗi gallon vào tháng trước, cao hơn nhiều mức 2,60 USD năm 2019. Món salad Sweetgreen hiện có giá 11,95, so với 11,2 USD năm ngoái. Một chiếc bánh sandwich Potbelly giá 7,65 USD, thay vì 7,2 USD trước kia. Một ly latte đá tại Dunkin là 3,99 USD, tăng từ khoảng 3,7 USD. Và khi thị trường lao động đang khan hiếm, các nhà tuyển dụng đang chịu áp lực phải tăng lương hoặc cho phép làm việc linh hoạt hơn.

Thiếu người đã kéo lương lên cao, nhưng vẫn chẳng theo kịp lạm phát. Tiền lương chỉ tăng 5,6% năm ngoái. Một số chủ doanh nghiệp đang có kế hoạch tăng lương vì sợ mất nhân lực. OrderMyGear - một nền tảng thương mại điện tử có trụ sở tại Dallas, gần đây đã tăng gấp ba quỹ lương công ty so với những năm trước. Các doanh nghiệp khác vẫn chưa điều chỉnh tiền lương vì chờ xem liệu lạm phát có hạ nhiệt không.

Nhưng đối với những công ty yêu cầu nhân viên chấm dứt làm việc từ xa và quay lại văn phòng, áp lực tăng lương ngày càng lớn. "Làm việc từ xa ban đầu để để giữ an toàn sức khỏe. Còn bây giờ, nó là một biện pháp giảm chi phí", Frankiewicz nói.

Bà tiết lộ một số nhân sự mà công ty liên hệ hiện tìm công việc có thời gian đi lại ngắn để giảm chi phí di chuyển. Một số doanh nghiệp thì cung cấp thẻ xăng, phiếu đi lại hoặc tùy chọn đi chung xe. ManpowerGroup ghi nhận số lao động khẳng định chi phí ảnh hưởng đến việc họ làm ở đâu và như thế nào hiện nhiều gấp 5 so với năm ngoái. "Trước đây họ nói 'Tôi không muốn đi làm', thì bây giờ là 'Tôi không đủ khả năng đi làm'", bà nói.

Nhà thiết kế Edith Jacobson (29 tuổi) di chuyển từ Baltimore đến Washington ba ngày một tuần. Cô từng đổ đầy bình cho chiếc Subaru 2006 với 45 USD. Bây giờ, cô phải trả gần 70 USD. Nếu cô đi tàu, công ty sẽ trả tiền vé, nhưng điều đó đồng nghĩa thời gian di chuyển kéo dài một tiếng rưỡi, buộc cô dậy lúc 6 giờ sáng.

Ngoài ra, cô giờ không thể tìm được bữa trưa hợp túi tiền ở Washington. Cô từng chi 10 USD cho bữa trưa, nhưng giờ phải là 15 USD. Vài ngày trước, cô được tăng lương, thêm 4.000 USD. "Số tiền nghe có vẻ nhỏ, nhưng đối với tôi, đó là một thứ rất lớn", cô nói.

Một phân tích gần đây từ công ty công nghệ Square ước tính "lạm phát bữa trưa" mà những lao động như Jacobson đang phải đối mặt. Giá trung bình của các loại bánh mì cuộn (wrap) đã tăng 18% so với một năm trước đó, bánh mì kẹp tăng 14% và salad tăng 11%.

Các nhà hàng bình dân đang thu hút nhiều khách hàng vào giờ ăn trưa hơn khi các văn phòng được lấp đầy trở lại. Theo phân tích, đơn hàng tại các cửa hàng thức ăn nhanh ở Mỹ từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4 tăng gần 13% so với cùng kỳ 2021. Các công ty đang công bố nhiều chính sách giúp việc đi lại và ăn uống của nhân viên có giá phải chăng hơn. Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết giá thực phẩm tại nơi làm việc đã giảm nhờ "chương trình bữa trưa miễn phí" được mở rộng trong các công ty.

Take OrderMyGear (Dallas) gần đây yêu cầu 165 nhân viên quay lại văn phòng từ tháng 6, ít nhất là bán thời gian. Jaclyn Unruh, Giám đốc nhân sự cho hay công ty sẽ cung cấp thẻ đi lại cho các phương tiện giao thông công cộng, cùng bãi đậu xe miễn phí và hai hoặc ba bữa ăn mỗi tuần.

Tháng 12/2021, Cambium Learning Group, một công ty công nghệ giáo dục có trụ sở tại Dallas, nói với 2.300 nhân viên rằng họ được làm việc từ xa. Tuy nhiên, văn phòng vẫn được mở lại vào tháng 1 cho những ai muốn sử dụng. Công ty này vẫn chưa tăng lương trước sự tăng giá của hàng tiêu dùng. "Chúng tôi đang đợi một chút để xem tình hình sẽ bình thường lại thế nào trước khi thực hiện những điều chỉnh", Melissa Yates May, Trưởng bộ phận nhân sự của công ty cho biết.

(Theo VnExpress)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người Mỹ ngại đi làm vì giá xăng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO