Moderna: Vaccine hiệu quả trước biến chủng Delta?

Tuỳ Phong| 30/06/2021 02:24

Theo kết quả nghiên cứu gần nhất, vaccine ngừa Covid-19 của Moderna cho hiệu quả tốt trong việc ngăn chặn biến chủng Delta.

Moderna: Vaccine hiệu quả trước biến chủng Delta?

Nghiên cứu vừa nêu được thực hiện trong phòng thí nghiệm ở Ấn Độ, dựa trên mẫu máu của 8 người tham gia, được lấy một tuần sau khi tiêm mũi vaccine Moderna (mRNA-1273) thứ hai. Kết quả cho thấy, vaccine Moderna"tạo được kháng thể trung hoà chống lại tất cả các biến chủng trong cuộc thử nghiệm", kể cả biến chủng Delta, với hiệu quả chỉ thấp hơn một chút so với chủng gốc ở Trung Quốc. 

Đồng thời, vaccine sản xuất kháng thể chống lại biến chủng Delta (phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ) hiệu quả hơn so với biến chủng Beta (phát hiện đầu tiên tại Nam Phi). 

Cụ thể, lượng kháng thể được tạo ra để vô hiệu hóa biến chủng Beta giảm 6-8 lần so với lượng kháng thể được tạo ra để chống lại chủng gốc tại Trung Quốc. Trong khi đó, lượng kháng thể được tạo ra để chống lại các biến chủng phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ như Delta và Kappa giảm chỉ 3,2-2,1 lần so với chủng gốc.

CEO Moderna Stéphane Bancel khẳng định dữ liệu nghiên cứu mới là đáng khích lệ, củng cố thêm niềm tin rằng vaccine của hãng có khả năng bảo vệ trước các biến chủng được phát hiện. Moderna cam kết sẽ tiếp tục nghiên cứu biến chủng mới, tập hợp, phân tích dữ liệu và chia sẻ dữ liệu sau khi hoàn chỉnh.

"Chúng tôi giữ vững cam kết nghiên cứu các biến chủng mới, xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ những dữ liệu đã có. Những dữ liệu mới này rất đáng khích lệ và củng cố niềm tin của chúng tôi rằng vaccine Covid-19 của Moderna sẽ tiếp tục có tác dụng chống lại những biến chủng mới được phát hiện", CEO Bancel nói.

Trước đó, tờ New York Times dẫn một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Nature cho biết, vaccine Covid-19 của Pfizer và Moderna có thể duy trì phản ứng miễn dịch, giúp đẩy lùi SARS-CoV-2, trong nhiều năm. Nghiên cứu này củng cố bằng chứng rằng, hầu hết người được tiêm vaccine mRNA có thể không cần tiêm mũi nhắc lại, với một điều kiện quan trọng: Virus và các biến thể của nó không phát triển quá nhiều so với dạng ban đầu.

Nhóm nghiên cứu cho biết, đối với bệnh nhân được chữa khỏi Covid-19, tế bào miễn dịch nhận dạng virus vẫn tồn tại trong tủy xương ít nhất 8 tháng sau khi nhiễm bệnh. Trong khi đó, tờ Times dẫn nghiên cứu từ một nhóm khác cũng chỉ ra các tế bào ghi nhớ B tiếp tục trưởng thành và phát triển trong ít nhất 1 năm sau khi mắc bệnh.

Các phát hiện này cho thấy, khả năng miễn dịch có thể sẽ kéo dài nhiều năm, thậm chí suốt đời, ở những người đã mắc bệnh và sau đó được tiêm vaccine. Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng rõ ràng để kết luận liệu việc chỉ tiêm vaccine không thôi có giúp đạt được hiệu quả tương tự hay không.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Moderna: Vaccine hiệu quả trước biến chủng Delta?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO