Mánh lừa nạn nhân vào 'địa ngục casino' Campuchia

Vũ Hoàng| 25/08/2022 03:00

Được mời chào mức lương 4.000 USD/tháng ở Campuchia, Li Weihong lên đường mà không ngờ sẽ trở thành nô lệ trong các mạng lưới lừa đảo tại casino.

Đi bộ dọc theo bãi biển Otres, địa điểm du lịch nổi tiếng ở thành phố Sihanoukville, tây nam Campuchia, bầu trời xanh thẳm, nước biển trong vắt và bầu không khí mát rượi như ru ngủ du khách. Đi thêm chưa đầy 200 m, họ sẽ chạm mặt Chinatown, một trong những địa điểm nổi tiếng với các casino ở Sihanoukville.

Sihanoukville được mệnh danh là "thủ phủ casino" của Campuchia, phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây nhờ ngành công nghiệp cờ bạc và tiền đầu tư của các ông chủ nước ngoài, 90% trong số đó là doanh nhân Trung Quốc.

Cổng sắt tại lối vào khu Chinatown ở Sihanoukville luôn có nhân viên an ninh canh gác. Ảnh: Think China.

Cổng sắt tại lối vào khu Chinatown ở Sihanoukville luôn có nhân viên an ninh canh gác. Ảnh: Think China.

Chinatown là một trong những khu kinh doanh lớn nhất Sihanoukville với hơn 20 tòa nhà 10 tầng. Nó trông giống như bất kỳ khu thương mại sang trọng nào khác, ngoại trừ những dãy hàng rào dây thép gai. Người bên ngoài không thể nhìn vào, còn những người bên trong dường như không có lối thoát. Camera giám sát gắn khắp nơi, còn tại cổng sắt ở lối ra vào luôn có bảo vệ vũ trang đứng gác.

Bên trong khu phức hợp có nhà hàng, phòng khám, thẩm mỹ viện và quán karaoke, nhưng những cơ sở này hầu như chỉ mở cửa cho nhân viên công ty. Đa số cửa hàng ở tầng trệt các tòa nhà đều đóng cửa, số ít đang hoạt động nhưng phân khu riêng biệt cho du khách và người sống tại đây.

Một người dân địa phương cho hay có hơn 30 khu như vậy ở Sihanoukville đang hoạt động, với tư cách là các tổ hợp công nghệ hay trung tâm kinh tế, thương mại. Nhưng trên thực tế, đây được coi là nơi vận hành hoạt động cờ bạc và các mạng lưới lừa đảo trực tuyến. Mặc dù quy mô của các khu phức hợp này khác nhau, tất cả chúng đều được bảo vệ nghiêm ngặt và vận hành khép kín.

Vì mục tiêu những đường dây này nhắm tới thường là người Trung Quốc, hầu hết những kẻ lừa đảo cũng là công dân nước này. Khi Covid-19 bùng phát gây ra cuộc "khủng hoảng nhân lực", các băng nhóm lừa đảo ở Chinatown bắt đầu tuyển mộ người lao động từ các nước Đông Nam Á và đảo Đài Loan, chủ yếu là những người biết đọc và viết tiếng Trung, tới những tổ hợp này để làm việc.

Truyền thông Campuchia cho biết trong ba tháng qua, hàng trăm nạn nhân từ các quốc gia Đông Nam Á và đảo Đài Loan đã được giải cứu khỏi các khu phức hợp này. Tuy nhiên, hàng nghìn người khác vẫn mắc kẹt trong những "địa ngục casino".

Li Weihong, 26 tuổi, là một trong những nạn nhân như vậy đến từ Malaysia. Anh bị lừa đến Sihanoukville hồi tháng 12 năm ngoái và bị mắc kẹt trong 4 tháng. Trong cuộc phỏng vấn sau khi được giải cứu hồi tháng 4, Li cho hay anh được một đồng nghiệp cũ giới thiệu cơ hội việc tại đây. Đồng nghiệp cũ nói Li sẽ được trả khoảng 4.000 USD mỗi tháng cộng với hoa hồng, ngoài ra còn được cung cấp chỗ ở, chi phí ăn uống và vé máy bay khứ hồi.

Li nghĩ mình sẽ gia nhập một công ty kinh doanh sòng bạc trực tuyến. "Tôi thấy mức lương và phúc lợi khá tốt, nên quyết định làm việc cho họ", anh kể lại.

Khi Li bay từ Malaysia đến Sihanoukville bằng visa du lịch, công ty thu hộ chiếu của anh, giải thích rằng đó là một phần thủ tục xin visa lao động và tuyển dụng. "Họ bảo chúng tôi ký hợp đồng, nhưng nó hoàn toàn khác với những gì đã thỏa thuận trước đó. Họ sẽ chỉ trả 1.000 USD mỗi tháng và chúng tôi phải làm việc 12 tiếng một ngày chứ không phải 8 tiếng", anh cho biết.

Điều kinh hoàng nhất là anh không làm việc cho một sòng bạc, mà là một mạng lưới lừa đảo trực tuyến núp bóng casino. Li được phân vào nhóm lừa đảo đầu tư trực tuyến nhắm vào người Trung Quốc. Anh và 9 người khác sẽ phải săn tìm nạn nhân trên các ứng dụng nhắn tin như WeChat hay QQ, lôi kéo họ dùng ứng dụng "đầu tư" của công ty.

Theo lời Li, ban đầu, công ty sẽ để các nạn nhân thu được lợi nhuận tốt và dễ dàng. Ngay sau khi họ bắt đầu nộp những khoản đầu tư lớn hơn, công ty sẽ khóa tài khoản của họ và lấy hết tiền. Để nâng cao "uy tín" cho đường dây lừa đảo, Li và những người khác phải làm theo một kịch bản do công ty soạn sẵn bất cứ khi nào họ trao đổi với con mồi, tìm mọi cách "quay" nạn nhân đến khi họ đồng ý nộp tiền.

"Chúng tôi phụ trách 50-100 chiếc điện thoại cùng lúc", Li kể. "Công việc của chúng tôi là dùng tài khoản giả này tham gia các nhóm chat trực tuyến hàng ngày, để khiến chúng giống như tài khoản thực đang hoạt động".

Trong vòng ba tháng, nhóm của Li đã lừa ít nhất 30 người và chiếm đoạt của họ gần 300.000 USD. Anh cho biết thêm rằng có ít nhất 100 người khác giống như anh và hầu hết họ đến từ Trung Quốc. Không ai được phép di chuyển quá nhiều. Tất cả bảo vệ đều có súng, dùi cui và roi điện.

"Nếu ai đó tìm cách bỏ trốn, họ sẽ bị đánh đập hoặc chích điện", Li nhớ lại.

Những nhân viên có thành tích tệ hoặc thái độ không tốt sẽ bị trừng phạt, như bắt leo cầu thang, chạy quanh sân hay chép kịch bản lừa đảo nhiều lần. Trong khi đó, những kẻ lừa đảo khéo nhất, có thành tích tốt nhất sẽ được thưởng. Không muốn bị sử dụng như một công cụ để lừa dối người khác, Li đòi nghỉ việc hồi đầu tháng 4. Nhưng công ty chỉ đồng ý cho anh ra đi nếu nộp khoản bồi thường 55.000 USD.

Hàng rào dây thép khai xung quanh những tòa nhà tập trung các công ty lừa đảo ở Sihanoukville. Ảnh: Think China.

Hàng rào dây thép khai xung quanh những tòa nhà tập trung các công ty lừa đảo ở Sihanoukville. Ảnh: Think China.

Trong lúc bế tắc, Li đã bí mật tìm kiếm giúp đỡ trên Facebook. Chỉ sau khi gia đình anh liên hệ với Tổ chức Chống lừa đảo Toàn cầu (GASO) và nộp đơn tố cáo lên cảnh sát Malaysia, Li mới được giải cứu. 

Tương tự Li, Lu Xiangri từng là một chuyên viên phân tích chứng khoán ở Trung Quốc và anh chưa bao giờ tưởng tượng được rằng mình sẽ trở thành nạn nhân của một mạng lưới buôn người và nô dịch ở Sihanoukville. Đặt chân đến Campuchia vào tháng 9/2020, chàng trai 32 tuổi mơ ước khởi nghiệp. Chập chững làm quen với môi trường mới, Lu đã đề nghị giúp quản lý nhà hàng ở thủ đô Phnom Penh của một người bạn đồng hương. Lu đã chứng kiến bạn mình trở nên giàu có với một ngôi nhà lớn và sống sung túc. Anh cũng muốn điều giống như vậy cho bản thân và gia đình.

Nhưng năm 2021, ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 khiến nhà hàng phải đóng cửa. Lu bị mắc kẹt ở Campuchia mà không có việc làm cũng như không đủ tiền trả vé máy bay và chi phí kiểm dịch, cách ly khi về nước.

"Có người mời tôi làm phân tích thị trường chứng khoán cho khách hàng với mức lương hơn 1.500 USD một tháng. Tôi nghĩ mình chỉ cần làm việc hai tháng là đủ tiền về Trung Quốc", Lu nói với Al Jazeera.

Ngày đầu tiên đi làm, Lu lập tức nhận ra mình đã bị lôi kéo vào một đường dây lừa đảo, nhưng điều tồi tệ hơn là anh không thể rút lui, bởi anh đã bị bán cho công ty với giá 12.000 USD. Anh chỉ có thể được tự do nếu hoàn trả số tiền này.

Jake Sims, giám đốc tổ chức phi chính phủ Sứ mệnh Công lý Quốc tế (IJM) chi nhánh Campuchia, cho biết các trường hợp buôn người và nô dịch không phải là hiếm. "Có hàng nghìn người ở Campuchia bị buộc phải làm việc trong các mạng lưới lừa đảo", ông nói.

Trải rộng khắp đất nước, những mạng lưới lừa đảo này len lỏi vào các sòng bạc, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu dân cư và cả văn phòng. Đặc điểm nổi bật của các cơ sở này là những song sắt quây kín cửa sổ và ban công, cùng hàng rào dây thép gai kiên cố xung quanh. Sims và nhóm của ông đã hỗ trợ giải cứu hàng chục công dân nước ngoài, từ Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Myanmar..., bị mắc kẹt trong các mạng lưới lừa đảo ở Campuchia.

"Họ kể với chúng tôi rằng họ thường xuyên bị đánh đập. Những kẻ quản lý đe dọa rằng họ sẽ bị đánh đập thậm tệ hơn nữa nếu báo cảnh sát. Chúng cũng dọa bán họ tại những nơi giống như 'chợ người' với giá hàng nghìn USD để phục vụ các đường dây lừa đảo khác", Sims cho hay.

Các video, hình ảnh kinh hoàng về những hành động tàn bạo bên trong các công ty lừa đảo bắt đầu xuất hiện trên Internet từ giữa năm 2021. Chúng cho thấy nạn nhân bị hành hạ về thể xác, bị đánh bằng gậy, chích roi điện trước mặt nhiều người, bị còng tay vào khung giường sắt, khuôn mặt nhăn nhó vì đau đớn, cơ thể đầy vết thương rỉ máu.

Trong một video, một người đàn ông thu mình trong góc phòng, hai tay ôm đầu trong tuyệt vọng, cố gắng chịu đựng những cú đánh bằng dùi cui. "Ông chủ" dọa sẽ chặt tay anh nếu gia đình không trả cho công ty 3.000 USD trong vài tiếng nữa. Tống tiền dường như là một trong những phương pháp phổ biến được các tổ chức tội phạm sử dụng đối với những nạn nhân không chịu tham gia hoạt động lừa đảo.

Trong một video khác, một phụ nữ trẻ Thái Lan khóc nức nở khi kêu cứu: "Tôi sợ ngày nào đó họ sẽ giết tôi". Trong nhiều tháng điều tra, Al Jazeera đã nói chuyện với hàng chục nạn nhân ở Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia, những người đã trốn thoát khỏi các mạng lưới lừa đảo trực tuyến của Campuchia.

"Họ sẽ đánh đập, chích điện nếu bạn không hoàn thành nhiệm vụ", người có biệt danh Ming chia sẻ. Anh vẫn còn bị chấn động 8 tháng sau khi nhảy từ ban công tòa nhà là hang ổ của một tổ chức lừa đảo để tẩu thoát.

Ming gần 30 tuổi, đã có vợ và hai con nhỏ. Vào tháng 3/2021, anh nhận được quảng cáo trên ứng dụng nhắn tin WeChat về một công việc văn phòng ở Campuchia với mức lương cao gấp 10 lần so với nghề tái chế rác thải anh đang làm tại Trung Quốc.

Nhưng giống như nhiều người khác từ khắp châu Á đã trả lời những tin nhắn quảng cáo việc làm trên các ứng dụng như WeChat, QQ, WhatsApp hay Telegram, Ming đã bị lừa và sau đó bị đưa vào ngành công nghiệp lừa đảo trực tuyến của Campuchia.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bị đưa tới Campuchia mà không có hộ chiếu. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ việc mình làm sẽ là lừa đảo trên mạng", anh nói, giọng nặng trĩu niềm ân hận.

Màn hình điện thoại hiển thị video về một người đàn ông bị hành hạ trong một đường dây lừa đảo ở Campuchia. Ảnh: Al Jazeera.

Màn hình điện thoại hiển thị video về một người đàn ông bị hành hạ trong một đường dây lừa đảo ở Campuchia. Ảnh: Al Jazeera.

Ming bị giam trong một khu phức hợp nhiều tầng, nơi ở của vài trăm người và đặt trụ sở của hàng chục công ty lừa đảo, thực hiện những mánh lừa mua sắm trực tuyến vốn đang hoành hành khắp Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam và Thái Lan.

Lin, 16 tuổi, đang làm việc tại một nhà hàng lẩu ở thị trấn quê hương cô tại Trung Quốc thì một người quen mời cô làm công việc đánh máy được trả lương cao hơn nhiều ở tỉnh Quảng Tây. Nhưng khi nhận lời, Lin và một người bạn bị đưa ra khỏi Trung Quốc, tới Campuchia làm việc cho các mạng lưới lừa đảo.

Trong quá trình di chuyển, cô phải đi bộ qua một dãy núi. "Anh ta rút súng ra và bảo chúng tôi im mồm vì nếu bị bắt, anh ta sẽ giết chúng tôi. Chúng tôi đã rất sợ hãi", cô nói khẽ, tay đan chặt vào nhau khi nhớ lại. Lin đã bị ép tham gia một đường dây lừa đảo tình dục. Theo lời cô, công ty đã tạo ra một câu lạc bộ trực tuyến dành cho những người đàn ông muốn hẹn hò với phụ nữ. Hồ sơ của những phụ nữ này bị đánh cắp từ khắp nơi trên Internet.

"Chúng tôi nói với những người đàn ông rằng họ phải trả phí thành viên trước khi chúng tôi cử các cô gái đến gặp họ. Nhưng tất cả đều là giả", Lin cho hay.

Các giám sát viên của công ty sẽ không ngừng đánh đập nếu họ không thực hiện mệnh lệnh. "Họ không che giấu hành vi bạo lực, họ đánh đập chúng tôi trước mặt người khác. Giám sát viên còn đánh tôi bằng dùi cui điện khi đi ngang qua. Mọi thứ thật sự đáng sợ".

Để xua đi nỗi sợ, Lin bắt đầu uống thuốc ngủ. Sau ba tháng, không thể rời khỏi "địa ngục lừa đảo" và biết mình khó lòng trở về nhà, cô rơi vào trầm cảm.

"Tôi nghĩ mình sẽ chết. Tôi tìm thấy những viên thuốc khi trở về giường và đã uống tất cả chúng để tự tử", Lin lí nhí nói, nước mắt lăn dài trên gò má.

Cô tỉnh dậy trong bệnh viện, nơi cô được một nhóm tình nguyện viên giải cứu, trong đó có Lu Xiangri. Lu đã được tự do trước đó vài tháng sau khi bị ép tham gia ba vụ lừa đảo khác nhau trong hơn 11 ngày. Lu kể anh đã bị bán qua lại giữa các công ty lừa đảo. Giá của anh tăng lên sau mỗi lần, từ 12.000 USD ban đầu, lên 16.700 USD rồi 18.000 USD.

Lu Xiangri đã bị bán cho các công ty lừa đảo ở Sihanoukville. Anh hiện tình nguyện giúp đỡ các nạn nhân khác của những mạng lưới lừa đảo trực tuyến. Ảnh: Al Jazeera.

Lu Xiangri đã bị bán cho các công ty lừa đảo ở Sihanoukville. Anh hiện tình nguyện giúp đỡ các nạn nhân khác của những mạng lưới lừa đảo trực tuyến. Ảnh: Al Jazeera.

Vài giờ sau khi bị bán lại lần thứ ba, anh được cảnh sát Campuchia giải cứu, sau khi cầu cứu đại sứ quán Trung Quốc và tỉnh trưởng Sihanoukville.

Chen, 23 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, cũng bị bán qua ba nhóm lừa đảo khác nhau. Cựu đầu bếp này đã nhận một công việc mà anh nghĩ là quảng cáo trò chơi trực tuyến ở Campuchia. Anh thậm chí còn phải trả tiền vé máy bay và chi phí cách ly tại khách sạn khi đến Campuchia, rồi phát hiện ra mình đã bị bán cho một tổ chức lừa đảo.

Anh cho biết các công ty đó làm mọi thứ, từ lừa đảo cờ bạc trực tuyến đến lừa tình qua mạng, thứ mà Chen mô tả là "hết sức kinh tởm".

Nhớ lại những nơi anh từng bị giam giữ, chàng trai trẻ thở dốc và lắc đầu liên tục. "Nó giống như ở tù vậy. Ngay cả ở tù cũng có nhân quyền, còn ở đó, họ không quan tâm", anh nói.

(Theo VnExpress)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mánh lừa nạn nhân vào 'địa ngục casino' Campuchia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO