Doanh nghiệp, tỷ phú phản ứng ra sao trước khẩu hiệu "cùng giàu" của Trung Quốc

Bảo Quân| 08/09/2021 06:30

Khẩu hiệu 共同富裕 (cộng đồng phú dụ), tức "cùng giàu" hay "thịnh vượng chung" hiện là từ khóa nóng nhất trong chính giới và doanh giới Trung Quốc.

Doanh nghiệp, tỷ phú phản ứng ra sao trước khẩu hiệu

Theo Chủ tịch Tập Cận Bình, chính phủ Trung Quốc cần điều tiết một cách hợp lý những nguồn thu nhập quá cao và "khuyến khích doanh nghiệp, người có thu nhập cao trả lại nhiều hơn cho xã hội".

Cách đây hơn 1 tháng, trong cuộc họp đầu tiên sau "kỳ nghỉ Bắc Đới Hà" - dấu mốc được xem như thời điểm diễn ra các cuộc họp kín "bàn đại sự" thường niên của giới lãnh đạo Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh "cùng giàu" sẽ là mục tiêu mà xã hội quốc gia tỷ dân hướng đến.

Đồng thời, ông Tập cho biết, chính phủ phải thành lập một hệ thống để tái phân bổ của cải vì lợi ích "công bằng chính nghĩa trong xã hội", thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người, đưa toàn thể người dân vững bước tiến tới mục tiêu thịnh vượng chung". 

Theo bài tóm tắt phát biểu của ông Tập từ Xinhua, chính phủ Trung Quốc cần điều tiết một cách hợp lý những nguồn thu nhập quá cao và "khuyến khích doanh nghiệp, người có thu nhập cao trả lại nhiều hơn cho xã hội", tính toán tổng thể làm tốt công tác phòng ngừa và hóa giải rủi ro tài chính nghiêm trọng. 

"Thịnh vượng chung là thịnh vượng cho tất cả mọi người. Không phải là thịnh vượng của một số người", Chủ tịch Tập phát biểu.

Theo South China Morning Post, các quan chức Trung Quốc tại cuộc họp đã bàn về các kế hoạch có liên quan đến thay đổi chính sách thuế và chi trả an sinh xã hội cho người có thu nhập trung bình, ban hành chính sách mới để giúp tăng thu nhập cho người có thu nhập thấp, triệt phá các tập quán, lỗ hổng có thể làm gia tăng thu nhập phi pháp… 

Tuy nhiên, bài phát biểu của ông Tập không gợi ý gì đến việc triển khai một kế hoạch theo kiểu "Robin Hood", tức lấy của người giàu chia cho người nghèo mà kêu gọi quản trị tốt hơn, cân bằng hơn trong nền kinh tế, tập trung vào tiêu thụ cấp cơ sở và xem đây là một nhân tố kinh tế trọng yếu, thay vì đầu tư thâm dụng vốn. 

Link bài viết

Phản ứng từ các doanh nghiệp lớn...

Dù vậy, theo một số quan điểm, bài phát biểu của ông Tập được xem là lời kêu gọi hướng tới giới nhà giàu Trung Quốc, khi nhiều tỷ phú cùng các gã khổng lồ công nghệ nước này đã phản ứng bằng cách công bố nhiều khoản tiền mặt lớn dành cho các chương trình xã hội, từ thiện. 

Cụ thể, một ngày sau phát biểu của ông Tập, Tencent thông báo đã dành ra một quỹ trị giá 50 tỷ CNY (7,7 tỷ USD) cho các sáng kiến vì mục tiêu "cùng giàu" và khởi động chương trình chuyên biệt vì sự thịnh vượng chung.

Đây là khoản 50 tỷ CNY thứ hai của Tencent dành cho các chương trình trách nhiệm xã hội (CSR) trong 4 tháng. Trước đó, Tencent đã đầu tư 50 tỷ vào giai đoạn đầu của chiến lược "Sáng tạo giá trị xã hội bền vững" để tìm cách giải quyết các vấn đề xã hội thông qua công nghệ và kinh doanh, từ môi trường đến giáo dục và cải cách nông thôn nhằm hỗ trợ công nghệ cho người cao tuổi.

Tencent cam kết chi hàng chục tỷ CNY cho các mục tiêu xã hội tại Trung Quốc

Tencent cam kết chi hàng chục tỷ CNY cho các mục tiêu "thịnh vượng chung" tại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Cũng cam kết số tiền 15 tỷ USD để thúc đẩy bình đẳng xã hội ở Trung Quốc, ​​Alibaba cho biết sẽ đầu tư số tiền này theo 5 ưu tiên, gồm đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế, tạo ra "việc làm chất lượng cao", hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương và thành lập một quỹ phát triển đặc biệt. Trong báo cáo Trách nhiệm xã hội mới nhất, tập đoàn này nhấn mạnh việc thúc đẩy chấn hưng nông thôn, thịnh vượng chung và bền vững xanh sẽ là cốt lõi của hoạt động công ích và trách nhiệm xã hội trong thời gian tới.

Link bài viết

"Alibaba hưởng lợi từ tiến bộ kinh tế và xã hội mạnh mẽ ở Trung Quốc trong 22 năm qua. Chúng tôi tin rằng, nếu xã hội đang phát triển tốt và nền kinh tế khoẻ mạnh thì Alibaba cũng sẽ tiếp tục hưởng lợi. Chúng tôi mong muốn thực hiện phần việc của mình để hỗ trợ sự thịnh vượng chung", Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành Daniel Zhang cho biết.

Cam kết của Alibaba được đưa ra 1 tuần sau khi một sàn TMĐT lớn khác là Pinduoduo tuyên bố sẽ giao toàn bộ lợi nhuận trong quý II cho các dự án phát triển nông thôn của Trung Quốc. Pinduoduo cũng cam kết dành 1,5 tỷ USD lợi nhuận cho mục tiêu hỗ trợ nông dân và các khu vực nông nghiệp của đất nước. Trong một tuyên bố, Chủ tịch, CEO Pinduoduo Chen Lei nói, đích thân ông sẽ giám sát dự án từ thiện của công ty.

"Cải thiện nông nghiệp đã là tiền đề và trọng tâm của hoạt động kinh doanh của chúng tôi từ những ngày đầu thành lập. Nông nghiệp liên quan đến cuộc sống hàng ngày của mọi người và có tỷ lệ số hóa tương đối thấp. Chúng tôi muốn làm việc với nhiều nông dân hơn nữa để cải thiện cuộc sống và sinh kế của họ", CEO Chen Lei khẳng định.

Meituan - một trong những công ty đang đối mặt với sự giám sát chặt chẽ của Bắc Kinh, cũng cho biết sẽ "thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho toàn xã hội". Trong cuộc họp cuối tháng 8, nhà sáng lập Meituan Wang Xing nói "Meituan" có nghĩa là "cùng nhau tốt hơn", và điều đó cho thấy "thịnh vượng chung" vốn đã nằm trong ADN công ty.

Gã khổng lồ giao thực phẩm Meituan là một trong những công ty đang đối mặt với sự giám sát chặt chẽ của Bắc Kinh. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Gã khổng lồ giao thực phẩm Meituan là một trong những công ty đang đối mặt với sự giám sát chặt chẽ của Bắc Kinh. Ảnh: Nikkei Asian Review

Greentown Service Group Co. - một công ty dịch vụ bất động sản đã công bố kế hoạch thịnh vượng chung cho nhân viên trong một báo cáo, trong khi nhà sản xuất chai Zhejiang Haers Vacuum Container Co. nói khẩu hiệu sẽ giúp phát triển thị trường. Nhiều công ty khác cũng trích dẫn thuật ngữ này như một động lực để hồi sinh vùng nông thôn Trung Quốc. Số khác đưa vào các mục tiêu về môi trường, xã hội và quản trị.

Theo Bloomberg, 2 tuần cuối tháng 8/2021, ít nhất 73 công ty, gồm công ty bảo hiểm lớn nhất Trung Quốc Ping An Insurance Group Co., gã khổng lồ giao đồ ăn Meituan, ngân hàng quốc doanh Bank of China Ltd., đã sử dụng khẩu hiệu "thịnh vượng chung"trong các tuyên bố gửi đến cổ đông. Con số đó chiếm chưa tới 2% trong 4.000 hồ sơ được Bloomberg khảo sát. Tuy nhiên, đây đều là những công ty có ảnh hưởng nhất Trung Quốc.

… và các tỷ phú

Bên cạnh DN, các tỷ phú Trung Quốc cũng đang tích cực làm từ thiện hơn. Theo tính toán của Bloomberg, có 7 tỷ phú Trung Quốc đã dành tổng cộng 5 tỷ USD để làm từ thiện từ đầu năm đến nay, số tiền vượt qua tất cả khoản đóng góp trên toàn quốc vào năm trước. 

Các tỷ phú giàu nhất Trung Quốc đã chi số tiền kỷ lục 5 tỷ USD để làm từ thiện trong năm 2021 (Nguồn: Bloomberg)

Các tỷ phú giàu nhất Trung Quốc đã chi số tiền kỷ lục 5 tỷ USD để làm từ thiện trong năm 2021. Ảnh: Bloomberg

Tỷ phú Lei Jun - nhà sáng lập Xiaomi đã quyên góp 2,2 tỷ USD cổ phiếu của hãng sản xuất điện thoại thông minh này cho 2 quỹ từ thiện. Trong khi đó, tỷ phú Zhang Yiming - nhà sáng lập ByteDance cũng tặng 77 triệu USD cho một quỹ giáo dục tại quê nhà, nhằm đào tạo giáo viên địa phương, hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp, cải thiện công nghệ và cải tạo cơ sở hạ tầng ký túc xá sinh viên. Tỷ phú Wang Xing - nhà sáng lập Meituan thì góp số cổ phần trị giá 2,3 tỷ USD cho quỹ từ thiện của ông.

Được biết, các khoản quyên góp trong năm nay mà giới nhà giàu Trung Quốc cam kết thực hiện đã vượt quá 27 tỷ CNY (4,2 tỷ USD). Hơn 600 triệu USD đã được quyên tặng để hỗ trợ các hoạt động cứu trợ lũ lụt ở tỉnh Hà Nam. Dù là thông qua lợi nhuận DN hay tài sản cá nhân, những cam kết đóng góp của các tỷ phú này đều được đưa ra sau lời kêu gọi của ông Tập.

Link bài viết

Theo giới phân tích, một trong các nguyên nhân chính khiến Trung Quốc đẩy mạnh mục tiêu "thịnh vượng chung" là vì khoảng cách giàu nghèo ở đất nước tỷ dân đang ngày càng lớn, dẫn đến mâu thuẫn xã hội ngày càng sâu sắc.

Dù số người dân Trung Quốc sống trong ngưỡng cực nghèo đã giảm mạnh trong 10 năm qua, hơn 600 triệu người - tương đương một nửa dân số Trung Quốc - hiện sống với mức thu nhập hàng năm đạt 12.000 CNY (khoảng 1.858 USD) hoặc ít hơn.

Báo cáo Nghiên cứu Chỉ số Tài sản hộ gia đình Trung Quốc cho biết, trong quý I/2021, hơn 50% tài sản tài chính hoặc tài sản hộ gia đình có thu nhập hàng năm từ 50.000 CNY trở xuống (7.710 USD) đã giảm. Ngược lại, 19% hộ gia đình có tài sản tài chính hơn 3 triệu CNY hay 32,4% hộ gia đình có thu nhập hàng năm từ 1 triệu CNY trở lên lại tăng.

Từ tháng 10/2019, khảo sát của Cục Điều tra Thống kê Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã đưa ra các số liệu "gây sốc", khi tài sản thuộc sở hữu của 10% gia đình giàu nhất Trung Quốc chiếm tới 47,5% tổng tài sản toàn xã hội.

Tài sản của 20% hộ gia đình giàu nhất chiếm 63% tổng tài sản toàn xã hội. Trong khi đó, tài sản của 20% hộ gia đình xếp cuối cùng chỉ chiếm 2,6%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp, tỷ phú phản ứng ra sao trước khẩu hiệu "cùng giàu" của Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO