"Đợt bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ là bất thường và đáng lo ngại. Do đó, tôi quyết định triệu tập Ủy ban Khẩn cấp vào tuần tới theo các quy định y tế quốc tế để xem liệu đợt bùng phát này có phải tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế hay không", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.
Ủy ban Khẩn cấp WHO dự kiến họp ngày 23/6 để thảo luận về mức báo động cao nhất có thể đưa ra với dịch bệnh này. Ông Tedros nói thêm rằng WHO cũng đang làm việc với nhiều đối tác và chuyên gia khắp thế giới để thay đổi tên gọi của virus gây bệnh đậu mùa khỉ và tên bệnh. "Chúng tôi sẽ thông báo về các cái tên mới trong thời gian sớm nhất", ông nói.
Tháng trước, WHO đã họp khẩn để thảo luận về đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ, trong bối cảnh dịch bệnh lây lan tại châu Âu. Nhận xét về tình hình dịch vào lúc đó, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết "có vẻ như rủi ro vẫn thấp ở thời điểm này".
Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO cho biết hiện đã có 1.600 trường hợp mắc đậu mùa khỉ được xác nhận và 1.500 ca nghi ngờ khác báo cáo từ 39 quốc gia, trong đó 32 quốc gia mới xuất hiện ca nhiễm. Trong 72 ca tử vong, không có trường hợp nào ghi nhận ở các quốc gia mới bị ảnh hưởng.
Để ngăn dịch lây lan toàn cầu, WHO muốn đề xuất các "công cụ y tế cộng đồng đã được thử nghiệm gồm giám sát, truy vết tiếp tiếp xúc và cách ly ca nhiễm".
Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO cho biết cơ quan này không khuyến nghị tiêm chủng đại trà cho bệnh đậu mùa khỉ, sau khi Liên minh châu Âu hôm nay thông báo mua gần 110.000 liều vaccine.
"Dù vaccine đậu mùa được kỳ vọng cung cấp một số khả năng bảo vệ trước đậu mùa khỉ, chúng ta có rất ít dữ liệu lâm sàng chứng minh và nguồn cung cũng hạn chế. Bất kỳ quyết định nào về sử dụng vaccine nên được đưa ra bởi các cá nhân có thể gặp nguy hiểm và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế của họ, dựa trên đánh giá lợi hại của từng trường hợp", ông Tedros nói.
Đậu mùa khỉ cùng họ với đậu mùa, nhưng nhẹ hơn, với 2 chủng phổ biến. Đầu tiên là chủng Congo, biểu hiện nặng hơn, tỷ lệ tử vong 10%. Chủng thứ hai tập trung ở Tây Phi, ít nghiêm trọng, thường gây tử vong cho 1% người mắc bệnh. Hầu hết người bệnh hồi phục hoàn toàn trong 2-4 tuần. Virus không dễ lây như virus Corona, khó tạo ra đại dịch với mức độ tương đương. Các chuyên gia tin rằng đợt bùng phát đậu mùa hiện tại lây lan qua tiếp xúc gần, thân mật với người đã có triệu chứng phát ban. |