Vượt qua những trở ngại và tác động của đại dịch Covid-19, sau hơn 6 tháng bình chọn, Ban tổ chức Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2021 đã chọn ra được 38 doanh nghiệp niêm yết xuất sắc nhất ở 3 hạng mục Báo cáo thường niên, Báo cáo quản trị công ty và Báo cáo phát triển bền vững để chính thức công bố ngày hôm nay. Ngoài ra, ở mỗi hạng mục, Ban Tổ chức cũng chọn 01 doanh nghiệp có sự tiến bộ vượt bậc để trao giải “Tiến bộ vượt trội” nhằm ghi nhận nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc minh bạch thông tin.
Hạng mục Báo cáo thường niên: Năm nay, lần đầu tiên, việc chấm điểm báo cáo thường niên (BCTN) ở vòng sơ khảo được thực hiện bởi nhóm chuyên gia độc lập đến từ Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo (Trường đại học Bách khoa TP.HCM). Kết quả sơ khảo sau đó được thẩm định một lần nữa bởi HOSE và HNX, trước khi chuyển cho 4 công ty kiểm toán hàng đầu (Big 4) là Deloitte, Ernst & Young, KPMG và PwC soát xét, nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan và chuyên sâu trong việc xét chọn.
Quy trình làm việc của các bên tham gia chấm sơ khảo rất chặt chẽ, các nội dung chấm báo cáo thường niên được chi tiết hóa để các bên chấm độc lập, sau đó có sự trao đổi trực tiếp để thống nhất về các nội dung chấm ở các báo cáo có sự khác biệt về điểm số. Các công ty kiểm toán có soát xét chéo kết quả chấm các báo cáo thường niên.
Ban tổ chức cũng đưa nội dung báo cáo về phát thải khí nhà kính vào bộ tiêu chí chấm BCTN theo hình thức điểm thưởng. Đây là nội dung nhằm khuyến khích các công ty niêm yết đi đầu trong thực hiện cam kết trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp niêm yết ứng phó với biến đổi khí hậu, từ đó lan tỏa hiệu ứng tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, khó khăn do dịch bệnh trực tiếp ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong năm 2020 và 2021, ít nhiều ảnh hưởng đến công tác tổng hợp thông tin, đúc kết soạn thảo và công bố báo cáo thường niên. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn nỗ lực vượt qua các khó khăn để soạn thảo báo cáo thường niên, cung cấp thông tin hữu ích cho người đọc. Điểm số đánh giá báo cáo thường niên của doanh nghiệp đã có sự cải thiện trong năm 2021 với nhiều doanh nghiệp đạt mức điểm cao hơn so với năm 2020.
So sánh điểm số các nhóm doanh nghiệp, có thể thấy, các doanh nghiệp tốt nhất ở 3 nhóm vốn hoá đều đầu tư tốt cho phần hình thức và đạt điểm cao ngang nhau. Tuy vậy, ở phần nội dung, doanh nghiệp nhóm vốn hoá lớn vẫn có sự đầu tư khá hơn các doanh nghiệp ở các nhóm quy mô trung bình và nhỏ.
Nhóm vốn hoá trung bình gồm 145 công ty đã có sự cải thiện điểm so với năm 2020 ở cả hình thức lẫn nội dung. Ở nhóm các doanh nghiệp top 10 của nhóm vốn hoá trung bình, không có sự khác biệt rõ ràng về chất lượng so với nhóm top 10 doanh nghiệp nhóm vốn lớn. Các báo cáo của các doanh nghiệp vào top 10 có sự nổi bật với nội dung rõ ràng, chi tiết, cụ thể và đa dạng, cho thấy các doanh nghiệp này đã đầu tư kỹ lưỡng cho báo cáo thường niên.
Nhóm vốn hóa nhỏ có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất, với 306 công ty với chất lượng báo cáo vẫn còn yếu, điểm trung bình và trung vị đều còn thấp, dưới mức trung bình, cho thấy doanh nghiệp ở nhóm này chưa đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của báo cáo thường niên. Tuy điểm trung bình của nhóm vốn hóa nhỏ không cao, nhưng những gương mặt đoạt giải trong Top 5 Báo cáo thường niên nhóm vốn hóa nhỏ thực sự là những báo cáo xứng đáng được vinh danh.
Cuộc bình chọn đã ghi nhận một số điểm nổi trội ở nhóm các doanh nghiệp đạt giải năm nay. Cụ thể, hầu hết các công ty đều tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên trong 4 tháng đầu năm và trả cổ tức trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp. Trong năm 2020, các doanh nghiệp này đã triển khai bỏ phiếu trực tuyến trong đại hội đồng cổ đông, đây là một thông lệ tốt cho phép các cổ đông thực hiện quyền lợi của mình, đồng thời góp phần tiết kiệm nguồn lực cho xã hội.
TOP 10 DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT NHÓM VỐN HÓA LỚN CÓ BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN TỐT NHẤT PDR CTCP Phát Triển Bất Động Sản Phát Đạt HDB Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh PVD Tổng CTCP Khoan và Dịch Vụ Khoan Dầu Khí VNM CTCP Sữa Việt Nam NVL CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va ACB Ngân hàng TMCP Á Châu CTG Ngân Hàng TMCP Công Thương Việt Nam SSI CTCP Chứng Khoán SSI SHB Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội VIC Tập Đoàn Vingroup - CTCP |
TOP 10 DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT NHÓM VỐN HÓA VỪA CÓ BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN TỐT NHẤT PAN CTCP Tập Đoàn PAN SHS CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội DHG CTCP Dược Hậu Giang STK CTCP Sợi Thế Kỷ TNG CTCP Đầu tư và Thương mại TNG BVS CTCP Chứng khoán Bảo Việt BMP CTCP Nhựa Bình Minh VCS CTCP VICOSTONE DCM CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau AAA CTCP Nhựa An Phát Xanh |
TOP 5 DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT NHÓM VỐN HÓA NHỎ CÓ BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN TỐT NHẤT EVE CTCP Everpia CNG CTCP CNG Việt Nam PGS CTCP Kinh doanh Khí miền Nam SRF CTCP Kỹ Nghệ Lạnh AAV CTCP Việt Tiên Sơn Địa ốc |
Đối với Hạng mục Quản trị công ty, theo đánh giá của Hội đồng bình chọn, điểm số doanh nghiệp năm 2021 có tiến bộ hơn so với năm 2020, với nhiều doanh nghiệp có điểm ở mức cao hơn. Bên cạnh đó, ở các khoản điểm cao trên 80 điểm, đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp hơn, có thể trở thành các ứng viên tiềm năng cho các giải quản trị tốt của khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, đáp ứng các thông lệ quản trị tốt vẫn là một thách thức lớn với doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam hiện nay. Thực tế cho thấy, trong Dự án đánh giá quản trị công ty khu vực ASEAN, Việt Nam đã nhiều năm vẫn có mức điểm hạn chế so với doanh nghiệp niêm yết của các nước khác trong khu vực.
Các doanh nghiệp nước bạn đã quen thuộc với việc áp dụng các thông lệ quản trị tiến bộ trên thế giới, trong khi doanh nghiệp Việt Nam còn khá mơ hồ, chưa sẵn sàng đưa vào thực tiễn hoạt động các thông lệ tốt này. Các doanh nghiệp có quy mô lớn và trung bình có mức độ tuân thủ cao hơn và điểm số đáp ứng thông lệ tốt của các doanh nghiệp quy mô lớn cao hơn gấp hai lần điểm số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ.
Đa phần các thành viên Hội đồng bình chọn đều thống nhất đánh giá rằng khủng hoảng dịch bệnh là một phép thử năng lực quản trị rủi ro của Hội đồng quản trị các doanh nghiệp. Năm 2021, báo cáo thường niên của công ty có công bố khá tốt về cách thức quản lý các rủi ro quan trọng như tài chính, kế toán, kiểm soát nội bộ, vận hành, công nghệ thông tin, môi trường, xã hội và kinh tế.
TOP 5 DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT NHÓM VỐN HÓA LỚN CÓ QUẢN TRỊ CÔNG TY TỐT VNM CTCP Sữa Việt Nam FPT CTCP FPT SBT CTCP Thành Thành Công- Biên Hòa BVH Tập Đoàn Bảo Việt HCM CTCP Chứng Khoán TPHCM |
TOP 5 DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT NHÓM VỐN HÓA VỪA CÓ QUẢN TRỊ CÔNG TY TỐT DHG CTCP Dược Hậu Giang GEG CTCP Điện Gia Lai IMP CTCP Dược Phẩm Imexpharm TRA CTCP Traphaco PAN CTCP Tập Đoàn PAN |
TOP 4 DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT NHÓM VỐN HÓA NHỎ CÓ QUẢN TRỊ CÔNG TY TỐT C32 CTCP CIC39 VDS CTCP Chứng khoán Rồng Việt KHP CTCP Điện Lực Khánh Hòa TCL CTCP Đại Lý Giao Nhận Vận Tải Xếp Dỡ Tân Cảng |
Đối với hạng mục Báo cáo Phát triển bền vững, năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện quốc tế về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và vai trò của doanh nghiệp trong thúc đẩy phát triển bền vững. Doanh nghiệp là mắt xích quan trọng trong phát triển bền vững và để đạt được điều này, cần có vai trò định hướng và giám sát quan trọng của ban lãnh đạo doanh nghiệp để đạt được các chuẩn mực ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị).
Theo Hội đồng Bình chọn báo cáo phát triển bền vững, trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp thể hiện cam kết mạnh mẽ trong đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của nhân viên, đảm bảo việc làm, cũng như phúc lợi cho toàn bộ nhân viên, không giảm lương, không chậm trễ trả lương và đảm bảo có tiền thưởng. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp triển khai các chương trình kết nối cộng đồng và hỗ trợ địa phương chống dịch.
Hầu hết các báo cáo đều đã chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn một cách rõ rệt hơn. Các doanh nghiệp có cam kết rõ nét hơn về quản trị ESG được thể hiện qua bộ phận phụ trách phát triển bền vững riêng trực thuộc HĐQT hoặc tổng giám đốc, sự tham gia của các phòng, ban trong toàn bộ doanh nghiệp với trách nhiệm và kế hoạch hành động rõ ràng.
Bên cạnh các mặt tích cực, vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều doanh nghiệp thiếu mô tả cụ thể quản trị rủi ro riêng về môi trường và xã hội. Đa số doanh nghiệp chưa nêu rõ quy trình thu thập thông tin để lập báo cáo. Số liệu thiếu sự phân tích biến động giữa các kỳ hoặc so sánh với ngành. Ngoài ra, rất ít doanh nghiệp có báo cáo phân tích tác động của chuỗi giá trị, nhất là từ nhà cung cấp... hoặc lồng ghép các yếu tố phát triển bền vững vào bộ tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp, dẫn đến độ đầy đủ và tin cậy của báo cáo giảm.
Các doanh nghiệp chưa thể hiện được sự liên kết của chiến lược trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) tới hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng chưa có cơ chế khen thưởng gắn liền trực tiếp với các chỉ tiêu phát triển bền vững.
Giải Nhất CTCP Sữa Việt Nam
Giải Nhì CTCP Sợi Thế Kỷ
Giải Báo cáo đầy đủ nhất CTCP Vicostone
Giải Báo cáo tin cậy nhất CTCP Tập đoàn PAN
Giải Báo cáo trình bày tốt nhất Tập đoàn Xăng dầu VN
Giải Báo cáo có sự tiến bộ vượt trội CTCP Everpia
Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2021 (Vietnam Listed Company Awards - VLCA) là sự mở rộng từ Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên (Vietnam Annual Report Awards), do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Báo Đầu tư phối hợp tổ chức với sự tài trợ thường niên và duy nhất của Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital. Năm 2021 là năm thứ 14 Cuộc bình chọn đồng hành cùng thị trường chứng khoán Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp niêm yết với sứ mệnh hỗ trợ, khích lệ các doanh nghiệp niêm yết nâng cao tính chuyên nghiệp, minh bạch, tăng cường khả năng truyền tải thông tin đến các nhà đầu tư, hướng đến quản trị hiệu quả và phát triển ngày càng bền vững.