Việt Nam vào top 10 nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo thế giới

HT| 16/11/2021 07:00

Là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam đã chứng tỏ sự nghiêm túc theo đuổi quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, đặc biệt là khi áp dụng điện mặt trời.

Việt Nam vào top 10 nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo thế giới

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam hiện có công suất lắp đặt điện mặt trời cao nhất Đông Nam Á, tạo ra 16.500MW vào cuối năm 2020. Thống kê của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) cho thấy, tính đến cuối năm 2020, Việt Nam xếp vị trí thứ 8 và vào top 10 quốc gia có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời cao nhất thế giới.

Xét đến tiềm năng điện mặt trời và các mục tiêu năng lượng xanh đến năm 2050, Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về năng lượng tái tạo. Về các dự án điện gió, Việt Nam có một trong những nguồn tài nguyên gió tốt nhất ở Đông Nam Á, với tiềm năng ước tính là 311GW.

Các chuyên gia thị trường dự đoán, nếu tiếp tục duy trì tốc độ mở rộng năng lượng tái tạo nhanh như hai năm qua, Việt Nam sẽ tiếp tục vươn cao hơn nữa trong bảng xếp hạng, có khả năng vượt qua các quốc gia như Úc và Ý về phát triển năng lượng tái tạo và các giải pháp năng lượng sáng tạo.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Việt Nam là nước tiêu thụ điện lớn thứ hai ở Đông Nam Á. Đây là một trong những khu vực có nhu cầu năng lượng tăng nhanh nhất trên thế giới và trong 20 năm qua, nhu cầu tăng ở mức ổn định 6%/năm. Hiện nay, 4 nước tiêu thụ điện lớn nhất là Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia, chiếm hơn 80% tổng nhu cầu trong khu vực.

Việc Chính phủ Việt Nam cam kết thúc đẩy cung cấp năng lượng và nhu cầu mạnh mẽ về cải thiện chất lượng không khí là những động lực cơ bản quan trọng trong hướng đi này. Các quy định và chính sách hỗ trợ được thiết kế và thực thi tốt như thuế nhập khẩu (FiT), ưu đãi thuế và miễn tiền thuế đất cũng được coi là những yếu tố cơ bản thúc đẩy tăng trưởng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, ở Việt Nam.

Báo cáo của IEA khẳng định, nhu cầu của cộng đồng về bảo vệ môi trường là động lực quan trọng thứ hai. Các chuyên gia tin rằng Việt Nam sẽ thu hút các nhà đầu tư và tài chính năng lượng tái tạo do có nhiều cơ hội về năng lượng xanh.

7 khuyến nghị cho việc phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam:

1. Tách bạch chức năng kinh doanh với chức năng quản lý nhà nước về điện;

2. Đầu tư, nâng cấp lưới điện truyền tải một cách đồng bộ, phù hợp để có thể tiếp nhận, truyền tải điện mặt trời, điện gió, tránh lãng phí điện không thể truyền tải vì lưới điện.

3. Tạo môi trường pháp lý minh bạch, ổn định và lâu dài, đặc biệt là dễ tiên liệu để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư phát triển năng lượng tái tạo với quy mô lớn và lâu dài;

4. Khuyến khích các nhà đầu tư ngoài quốc doanh đầu tư vào lưới điện thông minh để đảm bảo sử dụng điện năng hiệu quả, tiết kiệm;

5. Xóa bỏ mọi rào cản để đảm bảo giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định;

6. Xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đối với các dự án phát triển năng lượng tái tạo như tiếp cận nguồn vốn, đất đai, mặt nước, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp…

7. Tham vấn doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo, cũng như tham vấn các tổ chức quốc tế về định hướng, ban hành quy định về phát triển năng lượng tái tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam vào top 10 nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO