Việt Nam đã chứng tỏ sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài so với các quốc gia trong khu vực với lợi thế chi phí lao động thấp và lực lượng lao động dồi dào, nhất là trong các ngành thâm dụng lao động như dệt may, lắp ráp hàng điện tử, chế biến thực phẩm, đồ uống.
Dân số của Việt Nam năm 2017 là 93,7 triệu người, với gần 55 triệu người trong độ tuổi lao động, là nước có nguồn lao động đông thứ ba khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia và Philippines. So với các quốc gia còn lại trong nhóm "con hổ châu Á", Việt Nam có mức lương bình quân của công nhân thấp nhất.
Bây giờ, Việt Nam phải cạnh tranh với Trung Quốc trong việc thu hút FDI do mức lương của công nhân của nước này đang tăng nhanh, làm giảm sức hút đáng kể đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải cạnh tranh với một số quốc gia khác trong ASEAN, như Myanmar, Campuchia và các quốc gia Nam Á như Ấn Độ, Bangladesh trong việc thu hút FDI trong các nhóm ngành thâm dụng lao động.
Chất lượng nguồn nhân lực vẫn là trở ngại của Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, bởi khoảng cách về chất lượng nguồn lao động của Việt Nam so với nhiều quốc gia trong khu vực có nguy cơ ngày càng tăng bởi trình độ, khả năng ứng dụng các thành tựu công nghệ số sẽ làm thay đổi rất nhanh năng suất lao động. Chất lượng nguồn lao động của Việt Nam được dự báo sẽ được cải thiện nhờ cải cách giáo dục, sức ép phải chuyển đổi.
Công nghệ số có tác động mạnh mẽ theo hướng làm mờ nhạt hoặc đậm nét hơn các lợi thế hiện có của Việt Nam trong thu hút FDI, trong đó có lợi thế về lao động. Tác động bao trùm của cách mạng công nghệ 4.0 đối với việc làm là giảm nhu cầu lao động giản đơn (do xu hướng phổ biến công nghệ, tự động hóa, robot) và đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực cao hơn để phối hợp sử dụng thiết bị thông minh trong sản xuất. Sự cạnh tranh về việc làm không chỉ giữa con người với con người mà còn diễn ra giữa con người với máy móc. Báo cáo "Thiếu hụt nguồn nhân lực" năm 2016 của Manpower Group (chuyên cung cấp các giải pháp nhân sự) dự báo, tới năm 2020, số lượng công việc giảm nhanh chóng, thay vào đó là những công việc đòi hỏi kỹ năng cao.
Báo cáo của Manpower Group cũng đưa ra các con số dự báo đáng lưu ý. Cụ thể, 36% số lượng công việc sẽ yêu cầu kỹ năng cốt lõi của người lao động, như khả năng giải quyết vấn đề phức tạp, 19% công việc đòi hỏi kỹ năng xã hội, 18% công việc cần kỹ năng xử lý. Đặc biệt, sự phát triển vượt bậc về công nghệ có thể dẫn đến khoảng 65% người trẻ sinh trong giai đoạn 1995 - 2012 sẽ làm những công việc chưa xuất hiện ở thời điểm này.
Khoảng cách chênh lệch về giá nhân công giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực còn ở mức đáng kể và không dễ thu hẹp trong giai đoạn ngắn. Do đó, trong khoảng 10 năm tới, Việt Nam có thể vẫn duy trì được lợi thế về nguồn lao động dồi dào và giá nhân công thấp, do khả năng áp dụng tự động hóa, robot ở một số lĩnh vực còn hạn chế, vẫn cần sức lao động thủ công, như lắp ráp hàng điện tử, may mặc...
Tuy nhiên, với tốc độ phát triển, lan tỏa nhanh chóng của công nghệ số, khoảng 15 năm tới, lợi thế nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ mất dần do máy móc thay thế và nhu cầu đối với lao động chất lượng cao.
Giám đốc Điều hành Hãng adidas - nhãn hàng có trụ sở tại Đức, gần đây cho biết, 13 công ty của Hãng đặt tới 90% cơ sở sản xuất tại châu Á, sử dụng người máy và nhân lực trong sản xuất giày thể thao có đế in 3D, dù đã có kế hoạch tự động hóa hoàn toàn các "nhà máy sản xuất nhanh" tại Đức, Atlanta tại Mỹ. Các nhà máy tự động này sẽ chỉ sản xuất khoảng 1 triệu đôi, một phần rất nhỏ trong tổng số 360 triệu đôi giày mà Hãng bán ra toàn cầu.
Giữ lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI, Việt Nam cần thúc đẩy mạnh hơn cải cách thể chế. Chính phủ cần sớm ban hành các chính sách thu hút FDI giai đoạn mới cho các ngành chiến lược, ưu tiên các ngành chịu tác động mạnh và có triển vọng áp dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt là nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin và tài chính.
Một điểm quan trọng nữa, các chính sách giải quyết, xử lý những điểm nghẽn về nguồn nhân lực cần được triển khai đồng bộ với các nhóm đối tượng có liên quan trực tiếp đến khu vực FDI, như cán bộ quản lý, đội ngũ doanh nhân và người lao động.
(*)Tác giả là Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển