Việt Nam chưa thành cường quốc số 1 về cà phê, vì sao?

Minh Hào| 15/12/2020 06:30

Là nước xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới và việc ký nhiều hiệp định thương mại tự do đang mở ra cơ hội lớn cho ngành cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, để bứt phá trở thành cường quốc số 1 về cà phê, các doanh nghiệp không chỉ tăng cường xuất khẩu mà phải đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.

Việt Nam chưa thành cường quốc số 1 về cà phê, vì sao?

Dự báo, tốc độ tăng trưởng các quán cà phê sẽ tăng nhanh chóng trong những năm tới và đạt 34.010 quán vào năm 2024.

Cơ hội lớn cho xuất khẩu

Niên vụ 2019-2020, Việt Nam xuất khẩu 1,6 triệu tấn cà phê. So với niên vụ 2018-2019, sản lượng sụt giảm 15% mà nguyên nhân chính là do bão lũ, thời tiết thay đổi, giá cà phê xuống 4 năm liên tục nên người dân không mặn mà trồng. 

Chia sẻ tại hội nghị “Xúc tiến thương mai Doanh nghiệp Xuất nhập khẩu và Đầu tư quốc tế” do Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam tổ chức mới đây, ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng, mặc dù có sự sụt giảm đáng kể, nhưng ngành cà phê Việt Nam đứng trước các cơ hội rất lớn từ hơn 14 hiệp định thương mại đã được ký kết, trong đó có các hiệp định như EVFTA, CPTPP. Với những hiệp định này, ngành cà phê Việt Nam được hưởng thuế suất 0 - 6%.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo - Phó chủ tịch Vicofa, CEO của TNI King Coffee, đồng sở hữu tập đoàn Trung Nguyên cho rằng,  với các hiệp định thương mại đã có hiệu lực, thuế suất giảm, Việt Nam đang đứng trước cơ hội hiếm có để bứt phá, vươn mình thành cường quốc số 1 về xuất khẩu cà phê. Nếu nâng cao giá trị, ngành cà phê Việt Nam sẽ có cơ hội đạt được 2 thành tựu quan trọng. Thứ nhất là giúp cho 10% sản lượng cà phê xuất khẩu thành cà phê thành phẩm xuất khẩu có giá trị cao. Thứ hai là gia tăng tiêu thụ cà phê ở thị trường nội địa, từ 1,68 kg/người (năm 2019) lên 3 kg/người (năm 2023). 

ca-phe-2-5943-1608020989.jpg

Cà phê Việt Nam hướng đến mức tiêu thụ 3 kg/người/năm vào năm 2023.

“Chỉ khi có được sức mạnh nội lực, cà phê Việt Nam mới có cơ hội được đối xử bình đẳng, được tôn trọng, trả giá đúng với giá trị mà người nông dân và các nhà sản xuất Việt Nam bỏ ra, góp phần tạo dựng nên thương hiệu cho ngành cà phê Việt Nam”, bà Lê Hoàng Diệp Thảo nói.

Trong những năm vừa qua, ngành cà phê có nhiều thay đổi tích cực. Ngoài xuất khẩu cà phê nhân, doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu cà phê rang xay, cà phê hòa tan (chiếm khoảng 12%). 

Theo tính toán của các chuyên gia, nhu cầu cà phê trên thế giới đang tiếp tục gia tăng trong vòng 30 năm tới. Ước tính, quy mô ngành cà phê toàn cầu vào khoảng 200 tỷ USD năm 2019-2020, theo Vicofa. Các doanh nghiệp ngành cà phê còn rất nhiều cơ hội để mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển dịch vụ nhằm gia tăng lợi nhuận cho mình và tăng giá trị chung của toàn ngành. 

Hơn nữa, Việt Nam có lợi thế thổ nhưỡng và khí hậu để phát triển cây cà phê, đồng thời lại có văn hoá thưởng thức cà phê rất độc đáo. Nếu kích hoạt được những lợi thế này, sẽ mang lại giá trị lớn cho đất nước với kim ngạch hàng chục tỷ USD.

Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa

Cùng với xuất khẩu, Việt Nam cũng đẩy mạnh tiêu thụ cà phê nội địa với sự trở lại của rất nhiều thương hiệu Việt và chuỗi cung ứng quốc tế đến từ các công ty trong ngành. Sự tăng nhanh của các hệ thống chuỗi, đưa sản lượng tiêu thụ nội địa trong nước hiện nay đạt trên 10% trên tổng lượng tiêu thụ cà phê Việt Nam. 

Theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo, từ năm 2019, việc gia tăng tiêu thụ nội địa đã và đang diễn ra, thể hiện rõ ở tốc độ tăng trưởng 3% số lượng quán café, tương ứng với 30.770 quán. Tăng trưởng giao dịch cũng đạt khoảng 3% và tăng trưởng giá trị hiện tại 6%, đạt 128,6 ngàn tỷ đồng. Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng các quán cà phê sẽ tăng nhanh chóng trong những năm tới và đạt 34.010 quán vào năm 2024. Với tốc độ này, sản lượng tiêu thụ cà phê nội địa sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

ca-phe-3-6218-1608020989.jpg

Các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ cà phê tại thị trường nội địa. 

Để phát triển thị trường nội địa, ông Lương Văn Tự cho biết, Vicofa đang đẩy mạnh việc xúc tiến tiêu thụ cà phê trong nước, đẩy mạnh tiêu thụ cà phê rang xay, chế biến cũng như đẩy mạnh văn hóa thưởng thức cà phê. Vicofa cũng tăng cường hợp tác với Hiệp hội cà phê châu Á để thúc đẩy phương thức kinh doanh B2B ở cả Việt Nam và xuất nhập khẩu, tăng kim ngạch nhập khẩu thương mại giữa các quốc gia.

Chia sẻ kinh nghiệm tại thị trường Trung Quốc, ông Xiong Xiangren - Tổng giám đốc Tập đoàn Hoogwood, một trong các công ty cà phê lớn nhất Trung Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cà phê châu Á (ACA) cho biết, kênh bán hàng online đang giúp thức uống cà phê tại Trung Quốc tăng mạnh. Năm 2020, sản lượng tiêu thụ cà phê tại Trung Quốc đạt 350.000 tấn với giá trị tương đương 250 tỷ nhân dân tệ. Điều đáng nói là tiêu thụ cà phê qua các nền tảng thương mại điện tử của nước này tăng lên 200%, và lượng tiêu thụ qua các kênh truyền thống hiện chỉ còn chiếm khoảng 60%.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam chưa thành cường quốc số 1 về cà phê, vì sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO