Vì sao trí tuệ nhân tạo khiến nhiều quốc gia đang phát triển lo ngại?
Theo nhiều chuyên gia, trọng tâm hiện nay của các cuộc thảo luận về rủi ro tiềm ẩn từ trí tuệ nhân tạo (AI), như được trình bày tại Hội nghị Thượng đỉnh an toàn AI tháng 11/2023, đang gây lo ngại đối với các quốc gia đang phát triển hay còn gọi là khối quốc gia Nam bán cầu.
Những nước này đối mặt với rủi ro rất khác với những gì các giám đốc điều hành và chính trị gia phương Tây nghĩ đến. Một số tiếng nói từ phương Tây cho rằng, AI mang đến rủi ro có thể nhìn thấy được. Ví dụ giúp tạo ra virus tương tự Covid-19, thực hiện tấn công mạng hay xâm nhập những hệ thống nhạy cảm ở quốc giao nào đó. Trong khi các nước đang phát triển lo ngại, AI đang làm xáo trộn nguồn lực lao động và khoảng cách giữa họ với các nước phát triển ngày càng mở rộng.
Châu Á, nơi sinh sống của phần lớn dân số toàn cầu và là nhân tố chính trong chuỗi giá trị AI, đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng AI cả tích cực lẫn tiêu cực.
Những doanh nhân như Sam Altman, người sáng lập OpenAI, được ca ngợi trên phương tiện truyền thông vì tạo ra mô hình AI tiên tiến, thì một lực lượng lao động lớn ở châu Á đang làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm, để hỗ trợ các hệ thống này vận hành trơn tru. Họ không được công nhận, thường bị trả lương thấp và dễ tổn thương trước những gián đoạn kinh tế xã hội do AI gây ra.
Châu Á là nhà cung cấp chính các linh kiện điện tử quan trọng cho AI, ví dụ chất bán dẫn và linh kiện cảm biến. Châu Á cũng cung cấp nguyên liệu thô cần thiết, như gali hay gecmani để sản xuất phần cứng AI.
Ấn Độ và Đông Nam Á có nguồn lao động dồi dào, giá rẻ cho việc đào tạo thuật toán AI, cũng như kiểm duyệt nội dung. Ở Trung Quốc, hơn 200 triệu công nhân - từ tài xế giao hàng đến nhà thiết kế đồ họa - phụ thuộc vào nền tảng AI hỗ trợ để kiếm sống. Đổi lại, dữ liệu công việc của họ được đưa vào hệ thống AI, nhằm xây dựng và nâng cao tính hoàn thiện, để tối đa hóa hiệu quả.
Dữ liệu được xem là xương sống trong mọi hệ thống AI. Dữ liệu cộng với quá trình đào tạo, sẽ giúp AI hình thành thói quen và năng lực phản hồi. Ví dụ để trả lời 1 câu hỏi, phải dựa trên hàng tỷ dữ liệu cộng với thói quen đã được định hình trước đó. Đây là điểm nghẽn quan trọng của ChatGPT khi chỉ cập nhật được dữ liệu từ năm 2021 trở về trước. Ngược lại, Bard của Google đang từng bước áp dụng dữ liệu thực (real time data). Dù đi trước về vấn đề dữ liệu, nhưng Bard lại thua ChatGPT về tốc độ xử lý.
Bất chấp tiềm năng của AI về việc giải phóng con người khỏi những nhiệm vụ khó khăn và lặp đi lặp lại, nó cũng đang tạo ra công việc mới có giá trị thấp, tập trung chủ yếu ở Nam bán cầu. Tương tự như sự chuyển dịch công việc sản xuất có tay nghề thấp, sang các nước đang phát triển trong làn sóng toàn cầu hóa vừa qua, cuộc cách mạng AI đang góp phần vào sự phân bổ việc làm không đồng đều, có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng toàn cầu.
Trong khi Trung Quốc có thể dần nâng cao năng lực các ngành công nghiệp của mình trong bốn thập kỷ qua, việc cạnh tranh với sự tiến bộ của đất nước tỷ dân trong kỷ nguyên AI, ngày càng trở nên khó khăn đối với các nước đang phát triển.
Bản chất nhanh chóng và khó đoán định của quá trình phát triển AI, do một số công ty lớn ở Bắc bán cầu dẫn đầu, khiến các quốc gia nhỏ hơn và kém phát triển hơn không có lộ trình rõ ràng hoặc thời gian thích hợp để xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như lực lượng lao động cần thiết, nhằm nắm bắt những hoạt động kinh doanh có giá trị cao, chứ chưa nói đến việc đuổi kịp sức mạnh tính toán khổng lồ hay đầu tư phát triển các hệ thống AI tiên tiến của riêng mình. Kết quả là họ bị mắc kẹt ở đáy chuỗi giá trị AI.
Bên cạnh đó, người lao động ở các nước đang phát triển phải chật vật với sự thay đổi kinh tế xã hội đáng kể do AI mang tới, thường nhận được rất ít sự hỗ trợ từ người sử dụng lao động hoặc chính quyền địa phương. Nhiều lao động thấy mình trong hoàn cảnh bấp bênh hơn, hầu như không kiếm đủ tiền để tồn tại. Câu chuyện trong những nhà máy khai thác mỏ khoáng sản ở Ấn Độ hay Indonesia, là minh chứng rõ ràng nhất. Hàng ngàn cơ sở khai thác khoáng sản nhằm phục vụ cho ngành công nghiệp AI ở Indonesia, thường xuyên bị tố cáo là không đảm bảo quyền của công nhân như về chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra còn gây nguy hại đến môi trường, nguồn nước và thúc đẩy tình trạng phá rừng. Bên cạnh đó nhiều công ty Trung Quốc đầu tư vào đây, với mục tiêu “tát cạn”tài nguyên thô, cũng là bài toán đối với nền kinh tế.
Thách thức đối với người lao động có tay nghề thấp
Thách thức khác đối với người lao động ở châu Á là tốc độ dịch chuyển việc làm ngày càng lớn, ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất ở một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Bangladesh và Indonesia. Nguy cơ thất nghiệp hàng loạt có thể dẫn đến bất ổn xã hội và tạo gánh nặng cho hệ thống phúc lợi quốc gia.
Những rủi ro như vậy hiện đang lan rộng, có thể đe dọa các công việc có tay nghề vừa phải, như vị trí cấp dưới trong hệ thống quản trị, kế toán và thiết kế. Các mô hình ngôn ngữ lớn ngày nay đã bắt đầu làm tốt hơn con người những nhiệm vụ này. Trong quá khứ, công việc trên cung cấp phương tiện quan trọng cho nhiều gia đình có thu nhập thấp ở các nước đang phát triển, nhằm nâng cao vị thế kinh tế và xã hội, thông qua giáo dục đào tạo.
Ngày nay, một công nhân lắp ráp trẻ tuổi có thể đảm nhận công việc văn phòng với mức lương tương đương hoặc cao hơn, thông qua những khóa đào tạo ngắn hạn, là điều khả thi. Tuy nhiên, khi AI đảm nhận nhiều vai trò hơn, sự chuyển đổi sẽ ngày càng khó khăn, và bước tiếp theo trong nấc thang sự nghiệp của những đối tượng này có thể quá xa tầm tay.
Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh tính bấp bênh ngày càng tăng của công việc và khối lượng công việc, khi AI được áp dụng nhiều hơn.
Sức mạnh tính toán lớn hơn và hệ thống AI tiên tiến hơn, cho phép các công ty áp đặt quyền kiểm soát chính xác hơn đối với lực lượng lao động, dẫu có sự phân tán về địa lý. AI đang nổi lên như một công cụ hữu ích, để nâng cao năng suất lao động thông qua việc tăng cường giám sát và kiểm soát. Các hoạt động này đặc biệt gay gắt ở phần cuối của chuỗi giá trị, khi những công ty cạnh tranh gay gắt với tỷ suất lợi nhuận thấp, thường hoạt động ở những nước có chế độ bảo vệ quyền người lao động yếu.
Những lao động có tay nghề thấp dễ bị lợi dụng bởi AI. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra xu hướng tăng cường công việc thông qua thuật toán khi AI, để tối đa hóa hiệu quả với chi phí thấp nhất trả cho người lao động.
Tất cả ảnh hưởng này hiện đang diễn ra, và sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu không được giải quyết. Trong khi các chính phủ và doanh nghiệp ở châu Á tìm cách nắm bắt cơ hội kinh tế do AI mang lại, họ chưa quan tâm đầy đủ đến rủi ro về thay đổi kinh tế xã hội mạnh mẽ mà AI mang lại, có thể tác động tiêu cực đến xã hội.
Hội nghị thượng đỉnh về an toàn AI tiếp theo, do Hàn Quốc tổ chức vào năm 2024, được cho là cơ hội tốt để các bên liên quan ở châu Á tham gia vào đối thoại toàn cầu, nhằm mở rộng phạm vi thảo luận về rủi ro của AI. Tại thời điểm quan trọng này, các quốc gia châu Á cần lên tiếng để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người dân, khi các khuôn khổ quản trị AI toàn cầu đang được hình thành.
Nhiều ý kiến cho rằng, để xác định những thách thức chung, các nhà hoạch định ở châu Á cần bắt đầu đối thoại trong nước về những rủi ro và cơ hội mà AI mang lại. Cần truyền tải tiếng nói từ nhiều thành phần xã hội, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi AI. Chính phủ nên phát triển các chiến lược quốc gia toàn diện, với chính sách hướng dẫn về mức độ và tốc độ, một khi doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị AI toàn cầu.
Cuối cùng, AI chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nếu tốc độ áp dụng nó tương thích với sự ứng biến của con người và xã hội.