Sau 3 ngày công chiếu Vòng eo 56, có hơn 1.000 người dùng mạng xã hội Facebook gõ từ khóa #vongeo56 để bình luận về bộ phim.
Ghi dấu ấn bằng phim ảnh
Đi đúng ý tưởng "cải chính", Vũ Ngọc Đãng, đạo diễn bộ phim Vòng eo 56, quyết định không làm bất kỳ "cuộc cách mạng" nào liên quan đến tay nghề khi kể câu chuyện dựa trên chính nguyên mẫu ngoài đời, điều hiếm có, khó tìm trên màn ảnh rộng trong nước hiện nay.
Sinh ra trong phận nghèo, đi chân trần dưới bùn bẹt cả ngón, trầy xước vì giẫm phải miểng chai. Lớn lên một chút lại sở hữu nhan sắc gái quê, da ngăm, mặt tròn, hoàn toàn không phải khuôn mẫu của những tạp chí "người đẹp" ở Việt Nam. Trinh bị "cấm cửa" từ trang bìa đến ảnh thời trang, thậm chí bài phỏng vấn về Trinh chỉ mới xuất hiện trên một tờ tạp chí dành cho đàn ông vài ngày trước khi phim công chiếu. Vậy thì Ngọc Trinh phải làm gì để xóa "lời nguyền" này? Mỗi người có quyền ghi dấu ấn riêng, bằng cách bỏ tiền ra làm phim như Trinh là một ví dụ, vấn đề là có tiền hay không.
Dùng điện ảnh để viết lại cuộc đời mình, thế mà phim về Trinh lại ngập tràn những lát cắt vội, điểm nhấn bạo lực khá sượng, các góc quay không duy mỹ, chưa kể lời thoại rất giả, từ nỉ non cầu hôn, tỏ tình đến cả các câu văng tục sa sả. Nếu tính riêng mảng sản xuất, Vòng eo 56 thấp điểm vì lặp đi lặp lại chung cư, góc phố, con đường... đã xuất hiện quá nhiều lần trong phim của Đãng.
Nếu không có Vòng eo 56 cũng không sao, chứ thiếu Trinh thì showbiz Việt không có gì vui? Người ta cứ mải chạy theo truyền hình thực tế, trong khi đời Trinh dư sức làm một chương trình thực tế với đủ hỉ nộ ái ố cho các thí sinh. Từ con số 0 đến cơ sở kinh doanh, từ chiếc xe đạp cà tàng đến đôi giày cao gót giá hàng chục nghìn USD, đấy là điều thực tế đầu tiên Trinh mang lại. Thứ hai, Trinh khiến phái nữ thèm khát được "trắng như Trinh", "đẹp như Trinh", "ngoan và hiền như Trinh", "eo 56 như Trinh"... Vậy, Trinh đã là hoa hậu trong ý nghĩ của vô số người rồi.
Sống một cuộc đời khác
Không chấp nhận lấy chồng Đài Loan là cái hay của Ngọc Trinh. Khi đại gia trả 30.000 USD để qua đêm với Trinh, nàng từ chối với vẻ khinh bỉ. Thế nhưng khi được tặng xe, tặng nhà, Trinh lại rơi nước mắt vì thấy được đối xử tôn trọng! Ai nói Trinh tham thì tôi chịu, nhưng Trinh nhắc khéo chị em phụ nữ rằng giá của con gái miền Tây ngoan hiền, tần tảo, thương cha thương mẹ không hề rẻ. Trinh thực tế quá còn gì!
Nhưng lấy chồng Đài Loan thì đã sao? Cũng như mua vé số thôi. Có người may mắn vẫn tồn tại ở đất nước phát triển bậc nhất về công nghiệp, từ lúc chưa biết một câu, một chữ tiếng Hoa đến chuyện đường hoàng đi làm nhân viên văn phòng hằng ngày. Nếu sợ mất con như ông bố trong phim thì chạy theo xu hướng "hôn nhân tạm thời" kiểu Mutah của Hồi giáo cho xong, dăm ba bữa lại về nhà, chả mất mát gì. Thế mới thấy người như Trinh hiếm có, đúng như lời ông bầu Vũ Khắc Tiệp: "Cả đời này, Tiệp, showbiz và chúng ta không thể tìm ra một Ngọc Trinh thứ hai".
Sài Gòn trong phim ví như "giấc mơ Mỹ”: mồ chôn của những con thiêu thân, nhưng sẽ là mỏ vàng cho những nàng chân dài, mông cong, ngực nở. Ai là con gái mà chẳng mong gặp được một người đàn ông "tử tế”. Chưa ai kiểm chứng được bao nhiêu phần trăm thanh niên Trà Vinh thần tượng Ngọc Trinh như lời nàng nói. Chỉ biết sau phim này sẽ có nhiều cô gái tỉnh lẻ thèm lên Sài Gòn "cải số”.
Với nhan sắc và độ "ngoan hiền" như Trinh, không gặp đại gia thì cũng gặp Tiệp, không gặp Tiệp thì cũng gặp Tuyền (môi giới mại dâm trong phim). Vậy còn những chú vịt xấu xí, lấy đâu cơ hội để tô hồng đời mình? Chỉ cần nghĩ đến đấy thôi, đã thấy mấy chục tỷ để làm phim Vòng eo 56 là hơi thiếu, vì có vài thứ quan trọng hơn mà khán giả muốn xem, thay vì dăm ba phút phố thị, quán bar, vũ trường nhạt nhẽo.
Phim nhạt đến mức cả tình yêu cũng trở nên vô vị!
>Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng: Thật từng centimét
>Cơ hội nào cho điện ảnh Việt vươn ra thế giới?