Về để được là công dân hạng một

TRẦN THỊ THÚY HÀ (*) - Giám đốc Ban Tín dụng Bất động sản cá nhân, Ngân hàng ANZ| 11/04/2011 09:57

Trong khi nhiều người Việt Nam mong muốn được học tập, làm việc và định cư ở nước ngoài thì tôi lại muốn trở về vì cảm thấy ở xứ người mình chỉ là công dân hạng hai, cho dù kết quả học tập của mình không thua kém ai...

Về để được là công dân hạng một

Tôi may mắn được đi du học Úc theo chương trình học bổng AUSAID của Chính phủ Úc dành cho sinh viên Việt Nam. Đi du học ở Úc cũng như ở những nước khác, điều khó khăn nhất đối với sinh viên Việt Nam là khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ, nên trong năm đầu tôi cũng bị “sốc văn hóa” và có những lúc buồn quá, chỉ muốn quay về.

Xem E Paper số 137

Nhưng khi đã vượt qua khó khăn bước đầu, tôi cảm thấy tự tin hơn và muốn chứng minh với các bạn cùng lớp rằng, người Việt Nam cũng học rất giỏi!

Điều kiện đầu tiên và thiết yếu cần có để du học là ngôn ngữ và vốn kiến thức vững chắc để chuyển tiếp sang mức học tiếp theo ở nước ngoài.

Mặc dù tôi đã luyện tập tiếng Anh rất nhiều nhưng thời gian đầu, vấn đề khó khăn nhất của tôi là không hiểu hết thầy cô nói gì.

Thế nên, trong các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết của việc luyện ngoại ngữ, các bạn nên chú trọng luyện kỹ năng nghe nhiều hơn.

Việc đi du học đã đưa cuộc đời tôi sang một ngã rẽ mới. Ngoài những kiến thức về ngành Tài chính Ngân hàng tôi còn có được những kỹ năng “mềm” vô cùng cần thiết cho công việc trong tương lai như: tính chủ động, sáng tạo, cách tổ chức công việc hiệu quả, kỹ năng giao tiếp, thương thảo và kỹ năng làm việc tập thể. Ngoài ra, tôi còn học được phương pháp luận và cách tiếp cận, giải quyết vấn đề.

Để du học thành công, các bạn trẻ cần tìm hiểu thông tin đầy đủ về ngành học mình yêu thích, trau dồi ngoại ngữ để có thể tiếp thu kiến thức tốt nhất, và yếu tố không kém phần quan trọng là phải luôn có sự động viên, hỗ trợ, giáo dục và dẫn dắt từ gia đình để không bị sa ngã nơi đất khách.

Sống ở xứ người, đôi khi tôi có cảm giác như mình là công dân hạng hai. Sinh viên bản xứ cố gắng một thì tôi phải cố gắng hai để có kết quả tương tự. Tuy nhiên, điều đáng mừng là rất nhiều sinh viên Việt Nam đạt kết quả rất cao trong các trường đại học ở nước ngoài.

Bản thân tôi và một số bạn bè Việt Nam cũng thường đứng đầu trong danh sách bảng vàng của khoa mình học và tốt nghiệp hạng ưu. Tôi vẫn còn nhớ sinh viên bản xứ đã hết sức ngạc nhiên khi tôi đạt điểm cao nhất lớp môn Luật Thương mại, vốn là môn thách thức đối với sinh viên nước ngoài.

Bí quyết học tập của tôi cũng không có gì ghê gớm: học bài nào xào bài nấy, không đợi đến tuần sau. Không hiểu thì “dũng cảm” hỏi thầy, hỏi bạn. Làm dàn ý cho các môn lý thuyết cũng giúp hệ thống và ghi nhớ kiến thức tốt và nhanh hơn.

Trong khi nhiều người Việt Nam mong muốn được học tập, làm việc và định cư ở nước ngoài thì tôi lại muốn trở về vì cảm thấy ở xứ người mình chỉ là công dân hạng hai, cho dù kết quả học tập của mình không thua kém ai.

Chưa kể ra đường gặp người bản xứ tôi luôn có cảm giác hoàn toàn xa lạ. Khi rời xa Việt Nam một thời gian, tôi cảm nhận hai tiếng quê hương rất giản đơn, dung dị mà sâu lắng và thân thương làm sao.

Tôi còn có may mắn khác là ngành tôi học rất phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Từ khi về nước đến nay, tôi làm việc cho Ngân hàng ANZ. Lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn nhưng sau hai năm, đội ngũ của chúng tôi đã rất vững chắc và vừa giành được giải thưởng Ngân hàng cho vay mua nhà tốt nhất khu vực châu Á năm 2010 do Tạp chí nổi tiếng The Asian Banker trao tặng.

Tôi được vinh hạnh đại diện Ngân hàng sang Kuala Lumpur nhận giải hồi đầu tháng 3 qua. Cả ngành ngân hàng bán lẻ của Việt Nam chỉ có một giải thưởng này thôi, cũng có nghĩa giải thưởng đã đưa ngành ngân hàng Việt Nam lên tầm khu vực.

Để có được thành công này, tôi tin đó là do tinh thần tập thể và trí tuệ tổng hợp của tất cả các thành viên trong cùng một đội nhóm. Và dĩ nhiên mỗi đội nhóm vẫn cần một người lãnh đạo tài năng để lèo lái con thuyền đến đích sớm nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Về để được là công dân hạng một
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO