Lễ kỷ niệm đánh dấu chặng đường 50 năm hình thành và phát triển của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân, các hiệp hội DN, người sử dụng lao động tại Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội, ngày 26/4.
Trong thư gửi các DN hội viên và toàn thể cán bộ nhân viên VCCI nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ghi nhận và biểu dương những cố gắng, nỗ lực của VCCI: “Nửa thế kỷ qua, đặc biệt là những năm gần đây, VCCI đã thực sự đồng hành cùng DN và đã có những nỗ lực to lớn, hoàn thành tốt nhiệm vụ đại diện cho cộng đồng DN, tham mưu cho Đảng và Nhà nước, góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và xúc tiến thương mại - đầu tư, hỗ trợ DN phát triển và hội nhập. VCCI đã đi đầu trong các hoạt động hỗ trợ DNNVV, phát triển mạng lưới hiệp hội, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, nâng cao trách nhiệm xã hội của DN hướng tới phát triển bền vững. Đảng, Nhà nước ghi nhận và biểu dương những cố gắng, nỗ lực đó của VCCI”.
Chủ tịch VCCI tặng Kỷ niệm chương Vì sự phát triển doanh nghiệp cho các vị nguyên lãnh đạo VCCI |
Phát biểu tại buổi lễ, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định: “Trên con đường đi chưa có tiền lệ, không có mô hình định sẵn, trong bối cảnh chuyển đổi nền kinh tế với nhiều điểm đặc thù như ở nước ta, VCCI đã không tránh khỏi những thiếu sót, khuyết điểm và nhiều điều muốn nhưng chưa làm được. Tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp và hoạt động tham mưu chính sách của VCCI đối với nhiều vấn đề quan trọng của nền kinh tế đất nước còn chưa đủ mạnh. Liên kết cộng đồng doanh nghiệp và vai trò các hiệp hội doanh nghiệp chưa cao. Một số hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư còn thiếu tính chuyên nghiệp. Chức năng đại diện cho người sử dụng lao động và hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong các doanh nghiệp mới được triển khai và kết quả còn chưa tương xứng… Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có những diễn biến khó lường, và ở trong nước, những hạn chế, yếu kém về thể chế, về nguồn nhân lực, về kết cấu hạ tầng… chưa thể khắc phục trong ngày một, ngày hai thì những năm tháng tới, chắc chắn sẽ tiếp tục trải nghiệm sự sàng lọc nghiệt ngã của các doanh nhân".
Muốn trụ vững, theo ông Lộc, không có cách nào khác là các doanh nhân phải vượt lên chính mình, phải củng cố những nền tảng về chiến lược và quản trị, phải hội nhập và đặt DN vào thị trường thế giới, phải làm ăn bài bản theo chuẩn mực toàn cầu; phải nắm vững và biết phát huy những lợi thế của đất nước và phải sáng tạo để làm nên sự khác biệt; phải xây dựng tốt văn hóa kinh doanh, chăm lo tới người lao động, bảo vệ môi trường và đề cao trách nhiệm xã hội, hướng tới phát triển bền vững…
Thực hiện “sự lột xác” là trách nhiệm của chính các doanh nhân, nhưng với tư cách là tổ chức quốc gia của cộng đồng doanh nghiệp, theo ông Lộc, VCCI có vai trò quan trọng.
VCCI cần có trách nhiệm hơn và sắc sảo hơn trong hoạt động tham mưu chính sách để góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm có được một môi trường kinh doanh bình đẳng và minh bạch. Phải tận tâm và chuyên nghiệp hơn trong các hoạt động xúc tiến và hỗ trợ doanh nhân, nhất là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phải nỗ lực hơn trong các sáng kiến liên kết doanh nghiệp, xây dựng mạng lưới các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, làm sao cho nền kinh tế Việt Nam trong tương lai không chỉ có các doanh nhân riêng lẻ mạnh mà có cả một cộng đồng doanh nghiệp mạnh. Đó là những nhiệm vụ quan trọng mà VCCI sẽ phải thực hiện để góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, bảo đảm hội nhập và cạnh tranh thắng lợi.