Tuổi mắc bệnh trung bình trong cộng đồng là 50-70, nam nhiều hơn nữ, khoảng 25-57% có kèm sỏi mật. Hiện nay, phát hiện sớm ung thư đường mật còn rất khó khăn, đặc biệt là khi có kết hợp sỏi đường mật. Đa số trường hợp khi phát hiện đã có xâm lấn các mạch máu quan trọng của gan, gây khó khăn cho phẫu thuật triệt để cắt bỏ khối ung thư.
Nhiễm trùng mạn tính, nhiễm ký sinh trùng, tiếp xúc các hóa chất dùng trong công nghiệp cao su, có nang đường mật, xơ gan bẩm sinh, viêm đường mật xơ hóa nguyên phát, viêm loét đại tràng là các yếu tố thuận lợi đối với ung thư đường mật. Ung thư đường mật trên bệnh nhân viêm loét đại tràng có khuynh hướng diễn tiến trầm trọng hơn.
Vàng da là triệu chứng phổ biến nhất, xuất hiện ở khoảng 90% các trường hợp. U vùng ống gan chung có triệu chứng sớm hơn u các ống gan phải và trái; đau bụng xuất hiện ở 30-50% bệnh nhân; đôi khi bệnh nhân vào viện vì sốt nhiễm trùng đường mật; các triệu chứng khác có thể gặp như: ngứa toàn thân, thiếu máu, chán ăn sụt cân. Trong các trường hợp muộn, người bệnh có xuất hiện báng bụng (có dịch trong bụng).
Không thể dự phòng hoàn toàn bệnh ung thư đường mật, chỉ có thể tránh các yếu tố thuận lợi của ung thư đường mật như tránh tiếp xúc hóa chất độc hại, điều trị các bệnh nhiễm trùng mạn tính, bệnh ký sinh trùng như giun sán, bệnh sỏi mật, các bệnh đường mật khác (nang đường mật, xơ gan, viêm đường mật xơ hóa...), bệnh viêm loét đại tràng.
Nên khám sức khỏe định kỳ hằng năm, đặc biệt những người trên 50 tuổi - lứa tuổi thường gặp của bệnh ung thư đường mật. Trong các trường hợp có đau vùng bụng trên bên phải, tiểu vàng sậm, vàng da, vàng mắt nên đến ngay các trung tâm y tế để phát hiện bệnh sớm trong giai đoạn còn phẫu thuật triệt để.
* (Phó trưởng Khoa Tiêu hóa Gan Mật Bệnh viện Bình Dân)