Khảo sát của các hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam, gồm AmCham (Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam), EuroCham (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam), KoCham (Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam) và US-ASEAN (Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN) cho thấy, có ít nhất 20% thành viên của họ đã chuyển một phần sản xuất sang quốc gia khác, nhiều thành viên khác đang xem xét việc chuyển nhà máy đến nước khác. Và một khi đã ra đi thì rất khó để quay trở lại, đặc biệt là khi dây chuyền sản xuất đã được mở rộng ở nơi khác.
Theo văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ của các hiệp hội DN nước ngoài, họ cho rằng Việt Nam phải có kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa kinh tế nhằm duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới.
Việc dừng đơn đặt hàng không chỉ từ các nhà đầu tư nước ngoài, mà các nhà cung ứng trong nước cũng xác nhận tình trạng này. Ông Nguyễn Mạnh Dũng - Tổng giám đốc Công ty Thiết bị nhà bếp Vina (Vinalux) cho biết: "Công ty đã dừng sản xuất kể từ ngày 15/7/2021 đến nay nên không thể cung cấp hàng cho các đối tác. Khách hàng Nhật Bản cho biết, họ có thể chờ một vài tháng nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa mở cửa nên họ đã hủy đơn hàng. Công ty phải chấp nhận để họ đặt hàng nơi khác. Họ không yêu cầu đền bù hợp đồng đã là may mắn".
Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM (HAMEE), Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh xác nhận, thời gian qua có nhiều DN trong ngành đã mất khách hàng. Đối tác đã tìm đến các thị trường khác như Brazil, Trung Quốc... và nếu họ quay lại thị trường Việt Nam thì chắc chắn số lượng đơn hàng cũng khó được như trước.
Theo các hiệp hội DN nước ngoài, ngay bây giờ Việt Nam phải hành động để duy trì khả năng cạnh tranh, đồng thời không bị tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế. "Chúng tôi tin tưởng vào sức mạnh và khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Chúng tôi cũng cam kết đầu tư vào Việt Nam nhưng mong muốn lãnh đạo các tỉnh, thành, đặc biệt là TP.HCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đà Nẵng tái mở cửa nền kinh tế một cách an toàn, tạo điều kiện để kinh tế phục hồi. Và vaccine là yếu tố then chốt", đại diện các hiệp hội DN nước ngoài chia sẻ.
Không chỉ DN FDI mà DN trong nước cũng rất mong chờ được hoạt động trở lại, nhất là các DN xuất khẩu như dệt may, thủy sản, linh kiện điện tử, cơ khí...
Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, Vinalux đang lên kế hoạch mở lại sản xuất dù thiếu công nhân. "Vì đã ngưng hoạt động nên để sản xuất sản phẩm mới, chúng tôi phải mất vài tháng nữa. Và khi có sản phẩm mới có thể tính chuyện thương thảo lại với khách hàng cũ hay chào hàng đến những nhà mua hàng mới. Giờ thuyết phục được khách hàng cũ quay lại thì phải tính lại giá, chứng minh về sự đảm bảo thời gian giao hàng", ông Trần Mạnh Dũng cho biết.
Ông Nguyễn Văn Bé |
Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM: "Phải đẩy mạnh tiêm vaccine"
Biện pháp căn cơ nhất vẫn là đẩy mạnh tiêm vaccine. Với lượng công nhân đang làm "ba tại chỗ”, Khu công nghệ cao còn trên 20.000 lao động nhưng mới tiêm mũi hai khoảng 50%.
Còn tại Khu chế xuất Linh Trung (chủ yếu là DN FDI), ngoài phủ vaccine, các nhà đầu tư còn muốn thành lập bệnh viện dã chiến. Các nhà đầu tư sẵn sàng kinh phí để lập bệnh viện, nhưng chi phí vận hành và chữa trị cần có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.
Việc kéo dài mô hình sản xuất như mấy tháng qua đang khiến nhà đầu tư nản lòng nên khi mở cửa lại phải rõ ràng về giải pháp sống chung với dịch, đẩy mạnh tiêm mũi hai cho lực lượng sản xuất.
***************************************
Ông Nguyễn Chánh Phương |
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa): "Cần truyền thông cho đối tác biết kế hoạch phục hồi kinh tế”
Trong hoàn cảnh như hiện nay, cần truyền thông cho đối tác biết rõ kế hoạch mở cửa và phục hồi kinh tế để họ không dịch chuyển sang thị trường khác. Do vậy, các DN ngành đồ gỗ đang rốt ráo chuẩn bị một hội thảo trực tuyến (webinar) trong tháng 9 nhằm kết nối với những người mua hàng số lượng lớn (buyer) trên thế giới.
Dựa trên kế hoạch mở cửa của các tỉnh, HAWA chia thành ba giai đoạn cho lộ trình mở cửa: duy trì, phục hồi và tăng tốc. Mỗi giai đoạn cần 3-6 tháng và hướng đến mục tiêu cụ thể, phục hồi bao nhiêu phần trăm công suất, năng lực đáp ứng được bao nhiêu, từ đó người mua ở nước ngoài mới lên được kế hoạch tiêu thụ.
Trước khi kết nối với người mua, DN hội viên HAWA sẽ tham gia webinar về chuẩn bị nguồn cung ứng nguyên vật liệu vì sau những tháng thu hẹp công suất hoạt động, cần được cập nhật số liệu nhập khẩu gỗ từ các thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Trong đó, có đánh giá xu hướng thị trường, diễn biến giá trong thời gian tới. Dựa trên kế hoạch này, DN hội viên có kế hoạch cụ thể cùng với năng lực sản xuất hiện có để đưa ra những cam kết nhằm giữ chân khách hàng.