Sống khỏe

Tỷ lệ người Việt bị thừa cân chiếm gần 1/5 dân số

Nguyễn An 07/10/2023 06:00

Việt Nam đang trong tình trạng báo động vì tỷ lệ người thừa cân đang chiếm gần 1/5 dân số, trong đó tỷ lệ người mắc béo phì chiếm 2,1%.

tap-the-duc.jpg

Theo nghiên cứu, tại Việt Nam tỷ lệ béo phì đang gia tăng nhanh, từ 2,6% vào năm 2010 lên đến 3,6% vào năm 2014, tương đương với tốc độ tăng là 38%. Một thống kê tại Việt Nam năm 2021 cho kết quả tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và TP.HCM chiếm 18% tổng số người thừa cân, béo phì trên toàn quốc.

Đây hiện là tình trạng chung của hầu hết người Việt vì thiếu hoạt động thể lực trong cuộc sống hằng ngày, nhất là ở trẻ em trong độ tuổi đi học. Nhiều chuyên gia về y tế và dinh dưỡng tại Việt Nam chỉ ra rằng, tỷ lệ người mắc béo phì thường xuất hiện ở thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn.

Đặc biệt ở lứa tuổi học đường từ 5-19 tuổi, tình trạng béo phì tăng rất nhanh. Năm 2010 tỷ lệ này là 8,5%, tăng lên 19% vào năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.

Nguyên nhân của việc tỷ lệ người mắc béo phì tăng nhanh như vậy là do người Việt Nam có nhiều thói quen sinh hoạt không tốt, góp phần tạo ra nguy cơ mắc những bệnh không lây nhiễm ở mức cao và có chiều hướng gia tăng. Nếu tỷ lệ mắc béo phì tiếp tục gia tăng trong 10 năm tới, ước tính sẽ có 15% dân số Việt Nam từ 40 tuổi đến gần 70 tuổi có nguy cơ bị các biến cố tim mạch như đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

Mặc khác, tỷ lệ mắc béo phì tại Việt Nam gia tăng cũng có thể do gen, tâm lý xã hội hoặc các yếu tố như thần kinh, chuyển hóa, môi trường. Bệnh có thể do tiêu thụ nhiều chất béo, thức ăn đồ uống ngọt, ít vận động, thiếu ngủ, hút thuốc lá nhiều, dùng thuốc điều trị tâm thần, thuốc corticoid...

Chế độ ăn hằng ngày của người Việt lại là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tỷ lệ người mắc béo phì tăng nhanh. Trước đây, chế độ ăn của người Việt vốn rất lành mạnh với nhiều rau củ, ít thịt cá.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, chế độ ăn đang ngày càng thay đổi theo hướng tăng nguy cơ thừa cân, béo phì với làn sóng thức ăn nhanh, ăn hàng quán nhiều hơn tự nấu, cách chế biến chiên, xào, nướng, áp chảo nhiều hơn kho, hấp, luộc. Người dân chọn thực phẩm đông lạnh, đóng hộp hơn thực phẩm tươi sống, uống nhiều rượu, bia, nước giải khát có đường...

Ngoài ra, 70% người trưởng thành ở Việt Nam không đạt mức vận động thể lực được khuyến cáo, với số bước chân trung bình một ngày là 3.600 (khuyến cáo là 10.000 bước mỗi ngày). Lối sống ít vận động cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến thừa cân, béo phì.

Đây là thực trạng đáng báo động khi mà béo phì sẽ có nhiều tác động bất lợi lên tất cả vấn đề sức khỏe, làm giảm tuổi thọ, gây nhiều bệnh lý mạn tính không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường, đột quỵ, trầm cảm, ung thư, nhồi máu cơ tim.

Ước tính khoảng 13 loại ung thư liên quan béo phì như ung thư vú, tử cung, buồng trứng, gan, mật, tụy, tuyến giáp, đa u tủy. Ở phụ nữ, béo phì khiến tỷ lệ đậu thai thấp, tăng huyết áp thai kỳ, tăng nguy cơ tiền sản giật, tăng nguy cơ đái tháo đường thai kỳ, dễ sinh non, thai lưu, thai to, trẻ sinh ra có thể chất kém.

Do đó, nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người dân nên ăn nhiều rau xanh luộc, các loại trái cây ít ngọt, chọn gạo lứt, khoai lang... thay vì ăn nhiều gạo trắng. Tập thể dục vài tiếng một ngày cũng không thể giảm nếu không kiểm soát ăn uống. Cần đảm bảo, năng lượng nạp vào ít hơn năng lượng tiêu hao.

Bên cạnh đó, duy trì vận động từ 30-60 phút mỗi ngày... Ngoài ra, người dân cũng cần có ý thức trong việc vận động thể lực mỗi ngày để giảm thiểu nguy cơ mắc béo phì. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc điều trị thừa cân béo phì ở người mắc phải đòi hỏi phải phối hợp nhiều phương pháp như lượng thức ăn, giấc ngủ, học tập và hoạt động cân đối...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tỷ lệ người Việt bị thừa cân chiếm gần 1/5 dân số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO