Vai trò của Nhà nước và chủ đầu tư

01/07/2013 00:10

Mặc dù đã nhiều lần sửa đổi các nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu (có hiệu lực từ năm 2006), nhưng tình trạng lách luật trong đấu thầu, đặc biệt ở các nhà thầu Trung Quốc, vẫn phổ biến thời gian vừa qua.

Vai trò của Nhà nước và chủ đầu tư

Mặc dù đã nhiều lần sửa đổi các nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu (có hiệu lực từ năm 2006), nhưng tình trạng lách luật trong đấu thầu, đặc biệt ở các nhà thầu Trung Quốc, vẫn phổ biến thời gian vừa qua.

>> Tiết kiệm hàng tỷ USD nhờ đấu thầu qua mạng
>> Đấu thầu thuốc bệnh viện: Rẻ mừng, đắt lo

Mới đây nhất, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự thảo sửa đổi tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII để biểu quyết thông qua, tuy nhiên để Luật Đấu thầu sửa đổi đi vào cuộc sống, vẫn cần nhắc đến vai trò của Nhà nước và chủ đầu tư để giải quyết những tồn tại, bất cập này.

Lách luật bằng giá rẻ

Dự thảo có bổ sung các nguyên tắc đánh giá gói thầu, trong đó quy định việc đánh giá hỗn hợp giữa tiêu chí thương mại và tiêu chí kỹ thuật để quy về một mặt bằng giá. Cách đánh giá này được xem là sẽ giải quyết hài hòa về mặt kỹ thuật và thương mại, hạn chế tình trạng cứ giá rẻ là trúng thầu. Tuy nhiên, cách làm này vẫn sẽ bị các nhà thầu lách luật.

Thông thường, các nhà thầu có năng lực yếu (đặc biệt là nhà thầu Trung Quốc) chào giá rẻ so với các nhà thầu đến từ các nước G7. Họ có thể đáp ứng trên 70% các yêu cầu về kỹ thuật, do đó, rất khó loại họ, kể cả quy về một mặt bằng giá, có thể xem xét cả yếu tố kỹ thuật và thương mại khi đánh giá hồ sơ dự thầu. Giá rẻ, mặc dù bị trừ điểm về kỹ thuật, họ vẫn thắng.

Quanh trọng nhất là sau khi trúng thầu, các nhà thầu tìm cách đòi phát sinh các phần việc họ không nêu hết hoặc không nêu rõ trong hồ sơ dự thầu hoặc hợp đồng. Lúc này, chủ đầu tư cũng đành cắn răng chịu trận vì thực tế không chủ đầu tư nào đủ dũng khí để chấm dứt hợp đồng khi dự án đang dở dang.

Một "chiêu bài" khác là sau khi các dự án đi vào vận hành, đến giai đoạn thay thế phụ tùng, vật tư thì các nhà thầu nâng giá cung cấp vật tư, thiết bị thay thế. Các vật tư, thiết bị này là độc nhất vô nhị vì thiết kế không giống ai, không thể đặt hàng cho các nhà cung cấp khác được vì các tính năng kỹ thuật không đồng bộ.

Lúc này họ quay lại "chặt chém" để bù vào giá chào thấp. Thế là "đâu lại vào đấy", giá rẻ đâu không thấy, tính toán lại có khi các gói thầu này vượt xa giá chào của các nhà thầu khác.

Lách ưu đãi nhà thầu trong nước

Dự thảo sửa đổi lần này dành hẳn một chương quy định về ưu tiên cho nhà thầu trong nước. Nhà thầu nước ngoài liên danh với nhà thầu trong nước sẽ ưu tiên một khoản tiền hoặc cộng điểm khi xét thầu.

Thực tế quá trình đấu thầu trong thời gian qua cho thấy, các nhà thầu nước ngoài khi  tham gia đầu thầu đền muốn liên danh với với nhà thầu VN để có ưu thế cạnh tranh khi xét thầu.

Phần lớn các gói thầu có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao, đặc biệt là các gói thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư, xây lắp), các nhà thầu VN chỉ có thể làm thầu phụ vì không đủ năng lực.

Tuy nhiên, nhà thầu nước ngoài rất khôn khéo khi đưa vào hồ sơ thầu các thỏa thuận liên danh với điểu khoản chung chung, không rõ ràng về khối lượng công việc, phạm vi, giá cả. Sau đó, khi trúng thầu họ sẽ tìm cách "hất" nhà thầu VN bằng cách đưa ra mức giá rẻ mạt, thấp hơn giá thành. Lúc đó, tất nhiên nhà thầu VN sẽ từ chối thực hiện và họ sẽ quay lại báo cáo chủ đầu tư là nhà thầu trong nước không thực hiện được.

Cái "bẫy" ở đây là họ đã tính giá phần việc họ tự thực hiện cao hơn thực tế, hạ giá phần việc mà nhà thầu trong nước thực hiện trong tổng giá chào thầu để lách luật. Cuối cùng, họ có lý do để đưa nhà thầu phụ nước ngoài vào hoặc họ tự thực hiện dự án mà chủ đầu tư không thể can thiệp được.

Tạm nhập thiết bị thi công

Mặc dù Luật Đầu thầu sửa đổi quy định ưu tiên sử dụng các nhà thầu trong nước với máy móc, thiết bị có khả năng thực hiện được. Tuy nhiên, sau khi đã "lách" qua cửa không sử dụng nhà thầu trong nước, họ lại xin tạm nhập tái xuất thiết bị thi công, phương tiện vận tải.

Cánh cửa này lại do bộ Công Thương hoặc các bộ chuyên ngành và hải quan quản lý. Rất tiếc, giữa Luật Đấu thầu và các luật liên quan không có mối quan hệ chặt chẽ với nhau nên không thể ngăn chặn việc này được.

 Các doanh nghiệp trong ngành vận tải và xây dựng là những người hơn ai hết thấu hiểu nỗi khổ này. Trong lúc các doanh nghiệp VN không có công ăn việc làm, "đắp chiếu" thiết bị chờ thời, các thiết bị xây dựng, cần cẩu, rơ móoc...từ nước ngoài nườm mượp đổ vào VN thi công với giấy phép tạm nhập tái xuất. Các thiết bị này, theo nhà thầu VN, phần lớn là lạc hậu, cũ kỹ.

Đâu là giải pháp?

Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi cơ bản đã có bước tiến đáng kể trong việc hạn chế tình trạng giá rẻ, chất lượng kém, tạo nhiều ưu đãi cho các nhà thầu trong nước, tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của giới doanh nghiệp.

Một trong những giải pháp đưa ra để khắc phục những bất cập nói trên bao gồm:

Một, buộc chủ đầu tư phải xây dựng cơ chế giá sàn cho các dự án. Dù có quy đổi về mặt bằng giá trên cơ sở đánh giá cả hai yếu tố thương mại và kỹ thuật thì giá trúng thầu cũng không thể thấp hơn quá xa so với  giá sàn trên thị trường.

Giá sàn này do bên mời thầu xây dựng, tham khảo các tổ chức tư vấn độc lập. Giá trúng thầu là giá quy đổi thấp nhất và dao động không được thấp hơn giá sàn một tỷ lệ phần trăm nhất định. Nếu giá chào dưới ngưỡng đó, nhà thầu sẽ bị loại. Cách làm này bảo đảm giúp chủ đầu tư chọn được nhà thầu đủ khả năng thực hiện dự án.

Hai, chủ đầu tư trong quá trình làm rõ hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng phải làm rõ khối lượng, phạm vi công việc càng chi tiết càng tốt để tránh phát sinh chi phí.

Khi đánh giá hồ sơ thầu về mặt kỹ thuật nên đánh giá thấp hoặc loại các nhà thầu mà các tính năng kỹ thuật của vật tư, thiết bị không tương thích với các nhà cung cấp khác để tránh lệ thuộc về giá thay thế vật tư, phụ tùng khi dự án đi vào vận hành.

Ba, Chính phủ phải siết chặt quy định việc tạm nhập tái xuất thiết bị, chỉ được cấp phép tạm nhập cho thiết bị trong nước không đáp ứng được. Điều này buộc các nhà thầu nước ngoài phải sử dụng các nhà thầu trong nước cho dù họ đã lách qua khâu xét thầu.

Bốn, khi mời thầu, chủ đầu tư phải yêu cầu các nhà thầu liên danh nêu rõ phạm vi công việc, khối lượng và giá của nhà thầu phụ trong nước tham gia trong gói thầu. Làm được điều này thì chủ đầu tư mới có cơ sở bảo vệ quyền lợi nhà thầu trong nước khi nhà thầu nước ngoài không thực hiện đúng cam kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vai trò của Nhà nước và chủ đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO