Đổi số, đánh đố ngân hàng!

10/10/2013 00:36

Việc cấp loại chứng minh nhân dân mới 12 số thay cho loại cũ 9 số đã được triển khai hơn một năm, nhưng câu chuyện “hành dân” vẫn ám ảnh ngành Ngân hàng.

Đổi số, đánh đố ngân hàng!

Việc cấp loại chứng minh nhân dân mới 12 số thay cho loại cũ 9 số đã được triển khai hơn một năm, nhưng câu chuyện “hành dân” vẫn ám ảnh ngành Ngân hàng.

Phát biểu trên báo chí, một lãnh đạo của cơ quan có liên quan cho rằng: Chỉ vài ngày sau khi triển khai mẫu chứng minh nhân dân mới, ngành hàng không đã thực hiện khá tốt và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách hàng.

Không có lý do gì ngành Ngân hàng và một số nơi khác lại gây khó khăn cho người giao dịch bằng chứng minh nhân dân mới.

Dường như, phía cơ quan quản lý mới chỉ nhìn vào yếu tố hình thức giao dịch, đó là việc khá dễ dàng mở rộng thêm khoảng trống cho 3 con số trên giấy tờ hoặc trên trường dữ liệu điện tử, mà không hề quan tâm, tháo gỡ bản chất của sự vướng mắc khi thay đổi số chứng minh nhân dân mới không kế thừa gì từ số cũ.

Khách hàng của ngành Hàng không cứ có vé ghi tên đúng với chứng minh nhân dân đang dùng là được bay, thì cần gì phải quan tâm đến số chứng minh nhân dân cũ hay mới và càng không cần thiết truy xuất dữ liệu quá khứ của khách hàng.

Nhưng người sử dụng chứng minh nhân dân liên quan đến nhiều lĩnh vực khác, trong đó có giao dịch đất đai và ngân hàng thì không thể đơn giản, dễ dàng như vậy.

Điều 9 về “Thông tin nhận biết khách hàng”, Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012 bắt buộc khách hàng của ngân hàng phải giao dịch bằng chứng minh nhân dân.

Quy chế về tiền gửi tiết kiệm ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13/9/2004 của Thống đốc NHNN thì yêu cầu phải xuất trình và kiểm tra chứng minh nhân dân khi gửi và rút tiền, đồng thời phải ghi nhận trên thẻ tiết kiệm.

Khi cho khách hàng rút tiền gửi, ngân hàng phải bảo đảm rằng đó chính là người gửi theo đúng chứng minh nhân dân đã đăng ký.

Nếu một người mang chứng minh nhân dân 12 số đến yêu cầu rút tiền gửi, trong khi thẻ tiết kiệm và hồ sơ lưu tại ngân hàng lại là một số chứng minh nhân dân 9 số hoàn toàn khác, thì cơ sở nào khẳng định rằng người gửi và người rút tiền chính là một?

Nếu sơ suất để người khác rút mất tiền, chắc chắn ngân hàng sẽ phải đền và nhân viên ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm, kể cả trách nhiệm hình sự. Vậy làm sao có thể bỏ qua nguyên tắc tối thiểu là phải bảo đảm khớp đúng giấy tờ?

Mặc dù chứng minh nhân dân 12 số mới và 9 số trước đây đều có giá trị sử dụng như nhau nhưng vấn đề mấu chốt nhất lại ở chỗ, không có cơ sở để khẳng định rằng, 2 chứng minh nhân dân đó là của một người.

Khi thay đổi hoàn toàn số chứng minh nhân dân mới, không còn liên quan gì đến số cũ thì coi như đã cắt đứt mối liên hệ quan trọng nhất giữa chứng minh nhân dân cũ và mới. Vô tình, đã tạo ra một số “định danh” mới khác biệt cho công dân trong tương lai, mà quên mất việc phải gắn kết nó với quá khứ.

Trên thực tế, ngân hàng phải cố vận dụng đủ mọi cách thức để nhận biết đúng khách hàng, như đề nghị xuất trình chứng minh nhân dân cũ hay hộ chiếu, hộ khẩu… có ghi số chứng minh nhân dân cũ hoặc đề nghị lăn tay (một việc rất gây khó chịu cho khách hàng) để đối chiếu vân tay…

Nhưng có nhiều trường hợp, rất khó để ngân hàng giải quyết thì buộc phải đề nghị khách hàng tự chứng minh bằng các giấy tờ xác nhận của cơ quan chức năng mà không thể dễ dàng như mong muốn của cơ quan chức năng khi thay chứng minh nhân dân mới.

Cách làm tốt nhất là cần ghi nhận cả số chứng minh nhân dân cũ lên chứng minh nhân dân mới trong một khoảng thời gian ít nhất là 15 năm (tức thời hạn hiệu lực của mỗi lần cấp chứng minh nhân dân).

Trước mắt, cơ quan cấp chứng minh nhân dân cần phải tạm thời khắc phục bằng cách cấp kèm theo một giấy chứng nhận ngay mỗi lần cấp chứng minh dân nhân khác số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đổi số, đánh đố ngân hàng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO