"Thoát" đa ngành, thành "đại gia"

29/09/2012 05:00

Đường đi nước bước của REE cho thấy, cần phải biết từ bỏ những lĩnh vực đầu tư đa ngành để chuyên tâm vào lĩnh vực cốt lõi.

Đường đi nước bước của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) cho thấy, cần phải biết từ bỏ những lĩnh vực đầu tư đa ngành để chuyên tâm vào lĩnh vực cốt lõi.

Sau khi sa lầy trong kinh doanh, từ một công ty đầu tư đa ngành nghề - cơ khí và điện, bất động sản, tài chính, REE đã từng bước định hướng lại chiến lược phát triển, từ bỏ đầu tư tài chính và chuyển sang đầu tư mạnh vào lĩnh vực năng lượng.

Ðoạn tuyệt với đầu tư tài chính

Năm 2006 - 2007, REE nổi lên trên TTCK Việt Nam như một doanh nghiệp bluechip hàng đầu với lượng tiền mặt dư dả, giá cổ phiếu tăng liên tục, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài luôn đạt kín room (49%). Theo đà hứng khởi của thị trường và cũng giống khá nhiều công ty khác, REE nhảy vào lĩnh vực đầu tư tài chính.

Năm 2008, khi khủng hoảng tài chính xảy ra, REE đã ngã đau. Công ty lỗ 153 tỷ đồng sau thuế do trích lập dự phòng đầu tư chứng khoán và bán lỗ chứng khoán. Sa lầy vào đầu tư tài chính là vấn đề lớn của REE lúc đó, trong đó có những khoản đầu tư ở mức giá rất cao như đầu tư vào cổ phiếu ACB, ASM...

Phải mất đến 4 năm sau, khi thời cơ vàng M&A đến, REE mới giải quyết được triệt để vấn đề đầu tư tài chính kém hiệu quả: cắt giảm, cơ cấu lại toàn bộ danh mục.

REE sớm góp mặt trong danh sách cổ đông lớn của NHTM Sacombank từ khá lâu, với tỷ lệ sở hữu lên đến 4,2% (tính đến 31/12/2011). Trong cơn sốt giá STB hồi năm 2011-2012 và thông tin không chính thức liên quan tới việc thâu tóm STB, REE chính là đích ngắm hoàn hảo cho thương vụ này.

Cũng dễ hiểu vì REE nắm giữ STB đã khá lâu và chỉ đầu tư tài chính đơn thuần, chỉ cần có cơ hội tốt sẽ thoái vốn cho đối tác phù hợp, nhất là đối tác trong lĩnh vực ngân hàng. REE đầu tư vào STB với giá vốn khá thấp (dưới 10.000 đ/cp) do REE góp vốn với tư cách cổ đông chiến lược và STB nhiều lần chia tách cổ phiếu thưởng.

Cuối năm 2011, các đối tác thâu tóm STB đã thực hiện đặt cọc cho REE khoản tiền 209,6 tỷ đồng để mua lại toàn bộ số cổ phần STB mà REE nắm giữ (42,139 triệu cổ phần). Thương vụ đã hoàn tất trong tháng 1/2012 và REE thu về khoản lợi nhuận trị giá 279 tỷ đồng từ thương vụ này, tương đương với mức giá STB là 16.500 đ/cp (theo BCTC quý 1 của công ty mẹ).

Chấm dứt cuộc "hôn nhân" lâu năm với STB, công ty có thêm lượng tiền mặt lớn phục vụ cho sản xuất kinh doanh, đồng thời cho thấy thái độ dứt khoát với lĩnh vực đầu tư tài chính ngoài ngành.

Ngoài việc thoái vốn tại STB, REE cũng giã từ hoạt động ủy thác đầu tư. Năm 2008, REE cùng CTCP Gemadept góp vốn thành lập Công ty Quản lý quỹ RNG (tên cũ là Bảo Tín) nhằm chuyên môn hóa hoạt động ủy thác đầu tư và đầu tư tài chính.

Khi thành lập, REE chỉ nắm 26% cổ phần của RNG (tương ứng 13 tỷ đồng), nhưng sau đó đã tăng lên 67,8%, biến RNG trở thành công ty con trực thuộc REE. Do thị trường chứng khoán xuống dốc cũng như năng lực quản lý hạn chế, REE buộc phải tiến hành cơ cấu lại toàn bộ danh mục đầu tư tài chính. Đến 30/9/2011, công ty đã chuyển nhượng toàn bộ 68,7% cổ phần trong RNG.

Chuyển hướng sang lĩnh vực năng lượng

Ba mảng kinh doanh chính của REE hiện nay bao gồm: cơ điện (M&E), sản xuất và thương mại, khai thác bất động sản cho thuê. Tham vọng mới của REE đầu tư sang lĩnh vực năng lượng phải chăng để phục vụ cho ngành nghề kinh doanh cốt lõi - M&E?

Có thể đưa ra nhiều lý do giải thích việc REE chọn đầu tư vào ngành năng lượng: hoạt động ổn định bất chấp suy thoái kinh tế; cầu vượt xa cung; thu nhập ổn định; thời điểm thuận lợi cho M&A do giá cổ phiếu giảm sâu.

Mục đích của REE khi đầu tư vào các công ty năng lượng là biến họ trở thành công ty liên kết của REE và lợi ích chính của chiêu thức này là kiểm soát được thông tin trong doanh nghiệp, giảm thiểu việc trích lập dự phòng, vì số cổ phiếu lưu hành sẽ giảm xuống và được ghi nhận tỷ lệ lợi nhuận trên tỷ lệ góp vốn.

Danh sách các công ty liên kết của REE có đến 11 công ty, trong đó REE có tỷ lệ sở hữu trên 20%, bao gồm cả 2 công ty sản xuất nước sạch (B.O.O Thủ Đức, Đầu tư & Kinh doanh nước sạch Sài Gòn) và 3 công ty sản xuất điện (Nhiệt điện Ninh Bình, Thủy điện Thác Bà, Thủy điện Thác Mơ).

Kể từ năm 2011 - thời điểm TTCK lao dốc mạnh - REE đã tích cực mua ròng để nâng tỷ lệ sở hữu nhằm có ảnh hưởng quan trọng tại các công ty được đầu tư: như mua đến 22% cổ phần tại B.O.O Thủ Đức để tăng tỷ lệ sở hữu lên 42%; mua 35,48% cổ phần tại Thủy điện Thác Mơ; 24,32% cổ phần tại Nhiệt điện Ninh Bình; góp 30% cổ phần thành lập CTCP Đầu tư và Kinh doanh nước sạch Sài Gòn.

Quyết định đầu tư sang lĩnh vực năng lượng của REE có thể coi là khá táo bạo trong bối cảnh thị trường tài chính ảm đạm. REE đã đầu tư vào Thủy điện Thác Bà (TBC) từ năm 2009 với giá vốn 15.000 đ/cp.

Đến thời điểm hiện nay, giá TBC chỉ xoay quanh 11.200 đ/cp. Tuy nhiên, điều đáng nói là thu nhập đều đặn từ cổ tức tiền mặt ở mức 10-12%/năm hiện nay không dễ đạt được trên thị trường.

Ðiều hành tài chính linh hoạt

Một điểm sáng của REE là tài chính được kiểm soát tốt, không lạm dụng đòn bẩy tài chính (vay ngắn hạn tài trợ đầu tư dài hạn) như nhiều công ty bất động sản khác. Đó là nhờ công ty có nguồn vốn thặng dư lớn thông qua việc phát hành cổ phiếu cho các cổ đông từ những năm trước. Ngoài ra, REE đã điều hành tài chính rất linh hoạt, phù hợp điều kiện thị trường.

Đơn cử như trong năm 2010, công ty đã nhanh chóng huy động vốn thông qua phát hành 810 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi với lãi suất thấp 8%/năm, kèm theo điều kiện bắt buộc chuyển đổi. Điều đó có nghĩa là công ty vay vốn của cổ đông và không phải trả nợ gốc do chuyển đổi thành vốn chủ sở hữu. Thông qua đó, REE đã tăng được vốn điều lệ từ 1.862 tỷ đồng lên 2.446 tỷ đồng.

Năm 2011, công ty khá táo bạo khi mua vào 5 triệu cổ phiếu quỹ với giá bình quân 11.558 đ/cp. Cần phải nói thêm rằng, thị trường chứng khoán năm 2011 đặc biệt xấu do các quỹ đầu tư bán ròng liên tiếp, gây sụt giảm nghiêm trọng giá cổ phiếu.

Tuy nhiên, do đà phục hồi của thị trường trong 6 tháng đầu năm, công ty đã thực hiện bán cổ phiếu quỹ với giá 16.700đ/cp, thu về 83,5 tỷ đồng. Như vậy, chỉ riêng vụ đầu tư cổ phiếu quỹ, REE đã bỏ túi 25,7 tỷ đồng lợi nhuận trên cơ sở kinh doanh cổ phiếu của chính họ.

Xét một cách toàn diện, bước ngoặt của REE chính là việc định hướng lại chiến lược kinh doanh phù hợp với năng lực cốt lõi, dứt khoát từ bỏ mảng kinh doanh mạo hiểm đầy rủi ro, và quan trọng không kém là cách điều hành tài chính linh hoạt, ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Thoát" đa ngành, thành "đại gia"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO