Có thời gian, báo chí đưa tin một số người mắc phải bệnh lao và viêm màng não do đi máy bay. Theo TS. Paul Sax, Giám đốc Lâm sàng Khoa Bệnh Truyền nhiễm tại Bệnh Viện Brigham and Womens - Boston, Mỹ, nguyên nhân bị nhiễm bệnh trên máy bay là nguy cơ trong không khí (hít mầm bệnh lây nhiễm) và nguy cơ bề mặt (chạm vào thứ gì đó). Sau đây là một số biện pháp tự bảo vệ sức khỏe khi đi máy bay.
Đọc E-paper
Ngồi cùng ghế
TS. Paul Sax nói rằng: "Nếu có ai đó trên máy bay mắc bệnh truyền nhiễm về hô hấp, khả năng lây lan sẽ khá cao". Theo TS. Kathryn H. Jacobsen, GS. Dịch tễ học tại Đại học George Manson, nếu một người khỏe mạnh ngồi cùng ghế máy bay với người bị bệnh về đường hô hấp thì người khỏe mạnh rất dễ bị phơi nhiễm.
Cách phòng chống tốt nhất là nhẹ nhàng nhắc nhở người ho che miệng hoặc tự trang bị khẩu trang. Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Bệnh dịch gợi ý, đó là một trong những biện pháp tốt nhất tránh sự lây lan của mầm bệnh.
Phòng vệ sinh
"Dù máy bay sạch sẽ nhưng vẫn có một số khu vực bạn cần phải thận trọng", TS. Paul Sax cảnh báo. Đứng đầu danh sách này là nhà vệ sinh. Nghiên cứu thực hiện bởi www.travelmath.com, một trang web chuyên đánh giá trong ngành du lịch, cho biết cần gạt nước bồn cầu là thủ phạm lớn nhất gây mầm bệnh.
Chắn chắn là không thể tránh hoàn toàn nhà vệ sinh, cho nên hành khách hãy rửa tay cẩn thận, sử dụng khăn giấy để đóng mở cửa, nắm cần gạt nước bồn cầu bằng khăn giấy.
Bàn gập trước chỗ ngồi
"Cái bàn trước mặt được hạ xuống để đặt thức ăn không thể nói là sạch, bởi là nơi cư trú của rất nhiều loại vi khuẩn", TS. Paul Sax khẳng định. Trang travelmath.com còn tiết lộ, bàn ăn trên máy bay chứa đến trên 2.000 vi khuẩn mỗi inch vuông.
Nỗi lo lắng lớn nhất là bệnh về ngộ độc thức ăn do khuẩn salmonella - một loại vi trùng gây nên bệnh kiết lị, một loại bệnh ít gặp nhưng có thể truyền nhiễm do chạm vào bề mặt nhiễm bẩn, TS. Paul Sax cho biết.
Giải pháp cho trường hợp này: Nên mang theo chai nước rửa tay chứa cồn và khăn giấy ướt để khử trùng bàn ăn, chỗ để tay, màn cửa sổ, túi sau ghế ngồi và những bề mặt cứng khác.
Ghế ngồi cạnh cửa sổ
Một trong những mối hiểm họa sức khỏe khi đi máy bay (nhất là trên những chuyến bay dài) là chứng huyết khối tĩnh mạch sâu (Deep Vein Thrombosis - DVT). Theo GS. Jacobsen: "Nguy cơ tụ máu ở chân sẽ tăng vì trên máy bay hành khách vừa phải ngồi yên một chỗ và vừa bị mất nước. Nguy hiểm nhất là những cục máu đông này có thể di chuyển đến phổi khiến một số động mạch phổi bị nghẽn. Tình trạng này rất nguy hiểm và có thể gây tử vong".
BS. Debra Jaliman, tác giả quyển Skin Rules (Quy luật của làn da) cho rằng: "Tác hại của tia UV mạnh hơn nhiều lần, nếu hành khách ngồi cạnh cửa sổ trên máy bay". Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng, phi công rất dễ mắc ung thư da, cụ thể là u hắc tố, do tiếp xúc quá nhiều với tia UV. Những nghiên cứu của Trường Đại học Y khoa Chest tại Mỹ cho thấy, những hành khách ngồi cạnh cửa sổ máy bay thường có nguy cơ mắc chứng huyết khối tĩnh mạch sâu cao hơn vì ít khi đứng dậy.
Theo GS. Jacobsen, cách phòng tốt nhất là uống nhiều nước và cử động đôi chân liên tục khi ngồi. Hơn nữa, dù ngồi cạnh cửa sổ sẽ được ngắm cảnh đẹp nhưng tốt nhất là kéo màn che khi có nắng gắt. Thoa kem chống nắng cũng là một trong những lời khuyên dành cho phụ nữ khi lên máy bay.
Không khí khô
"Độ ẩm không khí trong khoang máy bay là 20%, trong khi đó độ ẩm không khí bình thường từ 40 -70%. Môi trường khô như vậy sẽ dẫn đến tình trạng da bị khô nghiêm trọng", BS. Jaliman cho biết.
Cách phòng chống tốt nhất là nên phun sương lên da và thoa kem dưỡng ẩm suốt chuyến bay. Xà phòng rửa tay trong nhà vệ sinh máy bay thường gây khô da và khiến da mất nước nhiều hơn vì thế tự trang bị loại xà phòng rửa tay có độ ẩm phù hợp với bản thân. Những sản phẩm có chứa glycerin, dầu hạt hướng dương và dầu đậu nành luôn được bác sĩ da liễu khuyên dùng trong trường hợp này.
>Nên hay không nên ngả ghế trên máy bay?
>Đi máy bay an toàn đến mức nào?
>Hành xử văn minh khi đi máy bay