Trung Quốc đang nỗ lực hiện thực hóa tham vọng vượt mặt Bắc Mỹ để trở thành thị trường du lịch lớn nhất thế giới. Bên cạnh chính sách du lịch, ngành hàng không cũng sẽ đóng vai trò then chốt và dự kiến sẽ cần 111.000 phi công mới tính đến năm 2035.
Ngành hàng không Trung Quốc cần phải thuê 5.550 phi công mới mỗi năm trong vòng 2 thập kỷ tới, Bloomberg dẫn nhận xét từ hãng Boeing.
Nhu cầu bùng nổ
Tính ra, Trung Quốc sẽ cần thêm 119.000 nhân sự phục vụ các chuyến bay trong 20 năm tới, gồm 62.000 phi công và 67.000 kỹ thuật viên. Nhu cầu của Trung Quốc như thế sẽ đứng cao nhất toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một khu vực chiếm 40% nhu cầu phi công toàn cầu. Để so sánh, nhu cầu này của toàn châu Âu là 112.000 người, khu vực Bắc Mỹ là 104.000 người, theo số liệu của Boeing.
Trong sự bùng nổ của ngành hàng không, số lượng công ty hoạt động ở lĩnh vực này của Trung Quốc đã tăng 28%, tức thêm 55 công ty, trong vòng 5 năm qua. Hãng Airbus, đối thủ của Boeing cũng nhận xét rằng thị trường hàng không của Trung Quốc sẽ nhộn nhịp nhất thế giới và có thể tăng quy mô bốn lần trong hai thập kỷ nữa. Điều này dẫn đến nhu cầu về phi công cũng như kỹ thuật viên, nhân viên bảo trì trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như toàn cầu, Bloomberg tháng này dẫn lời Sherry Carbary, phó chủ tịch phụ trách dịch vụ bay của Boeing.
Trong một khảo sát toàn cầu hồi tháng 7 năm nay, hãng Boeing cho rằng hàng không toàn cầu sẽ cần tuyển dụng và đào tạo khoảng 617.000 phi công để vận hành 39.620 máy bay, với giá trị khoảng 5,9 nghìn tỷ USD. Riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ cần 15.130 máy bay với giá trị 2,35 nghìn tỷ USD trong 20 năm nữa.
Tại Trung Quốc, tình hình đặc biệt diễn biến rất nhanh với việc các hãng hàng không trong nước mọc lên như nấm. Nhu cầu di chuyển, du lịch tăng 11% tại Trung Quốc năm ngoái khiến các dạng máy bay lớn như A320 (chứa khoảng 180 người) được ưa chuộng. Hiện khoảng 30.000 phi công đang lái cho Air China, China Eastern Airlines và hàng chục đối thủ cạnh tranh khác. Trong khi đó, khoảng 2.200 phi công người nước ngoài đang xin giấy phép, trong đó người Mỹ, người Hàn Quốc và Mexico chiếm đông đảo, theo số liệu báo cáo thường niên của Chính phủ Trung Quốc.
Trả lương "gần như không giới hạn"
Các trường đào tạo ngành hàng không tại Trung Quốc không đủ chuẩn đầu ra hoặc không thể đáp ứng kịp số lượng phi công/kỹ thuật viên. Chính vì vậy, các hãng hàng không trong nước đã dùng mức lương béo bở để thu hút phi công và kỹ thuật viên nước ngoài. Theo lời các nhà tuyển dụng, những phi công nước ngoài giàu kinh nghiệm có thể kiếm khoảng 26.000 USD/tháng, tương đương 590 triệu đồng, tại Trung Quốc. Một con số ấn tượng!
Giacomo Palombo, một cựu phi công của hãng United Airlines, cho biết ông bị "tấn công dồn dập" mỗi tuần từ các lời mời về lái chiếc Airbus A310 ở Trung Quốc. Hãng bay Qingdao Airlines của Trung Quốc cam kết sẽ trả cho Palombo 318.000 USD mỗi năm. Trong khi đó, Sichuan Airlines - thực hiện các chuyến bay giữa Canada và Úc, đặt lên bàn đàm phán mức thu nhập ròng 302.000 USD. Cả hai hãng này đều cam kết lo mọi chi phí thuế má cho Palombo. Các công ty hàng không dạng khởi nghiệp ít tiếng tăm tại Trung Quốc sẵn sàng trả cao hơn 50% thu nhập cho những cơ trưởng nhiều kinh nghiệm đang làm việc tại Delta Air Lines, một hãng bay ở Mỹ.
CNN dẫn lời Jeff Graham, người đã ngưng công việc cho hãng Southern Air (ở San Antonio, Texas, Mỹ) để đầu quân cho một hãng bay ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc cho biết. Với những người như Graham, ông sẵn sàng sống tại Trung Quốc dù thừa nhận nhiều khác biệt về văn hóa. Ông Graham nói: "Trước đây tôi bay ở những nơi khác từ 80 - 100 tiếng mỗi tháng. Tại đây, tôi chỉ bay 50 tiếng trong khi lại nhận thù lao cao gấp ba lần".
Thậm chí, nếu ai đó nghĩ rằng Trung Đông hay chính xác Dubai là thiên đường tiền bạc cho các phi công, nay sẽ phải xem xét lại trước sự "xuất hiện" của Trung Quốc. CNN cho biết nhiều phi công từ Dubai đã chuyển sang Trung Quốc hành nghề sau khi nhận được các tin quảng cáo các hãng bay nước này sẽ trả 25.000 USD/tháng cho cơ trưởng kỳ cựu.
Ở Trung Quốc, Chengdu Airlines tự hào rằng họ trả lương cao nhất Trung Quốc với 25.800 USD/tháng, cộng thêm tiền thưởng 36.000 USD nếu phi công hoàn tất hợp đồng 3 năm với họ. Cuộc cạnh tranh thu hút phi công đẩy mức lương trung bình cho phi công tại Trung Quốc đạt mốc 17.400 USD, theo Công ty tư vấn hàng không Kit Darby. Con số này tương ứng mức thù lao của các phi công dày dạn kinh nghiệm tại những hãng bay lớn của nước Mỹ như United và Delta.
>Đã đến thời các nữ phi công “cất cánh”
>Giải pháp nào cho tình trạng thiếu phi công tại châu Á?
>Phi công lái máy bay thương mại - “nghề toàn cầu”