Trở về vì một môi trường xanh

Liên Nguyễn| 27/01/2023 06:00

Đầu năm 2023, ông David Dương - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty California Waste Solutions (CWS), đồng thời là Chủ tịch Công ty Vietnam Waste Solutions (VWS) sẽ đưa Douglas M. Leone - tỷ phú Mỹ, người đang nắm giữ một quỹ đầu tư khoảng 80 tỷ USD - về Việt Nam tìm hiểu để đầu tư vào những dự án của VWS và các dự án khác tại Việt Nam.

-2166-1673406629.jpg

Trước đó, gặp nhau tại Oakland, doanh nhân David Dương đã đưa chúng tôi tham quan địa điểm xây dựng nhà máy sản xuất bột giấy và hạt nhựa ở thành phố Oakland với công suất 600 tấn/ngày, vốn đầu tư khoảng 230 triệu USD, dự kiến hoàn thành trong 26 tháng. Dành hơn hai giờ tiếp chúng tôi tại trụ sở chính của CWS tại Oakland, David Dương hào hứng kể về các dự án mới. Ông cũng dành ba giờ lái xe từ Oakland đến Sacramento - nơi có sân golf mà ông vừa sang nhượng để trao đổi thẳng thắn về nhà máy xử lý rác Đa Phước tại Việt Nam, những chuyện đã qua và cả dự định tương lai. 

Theo ông, xung quanh ồn ào về việc chuyển nhà máy từ chôn lấp sang đốt điện, có một thực tế mà truyền thông ít nói đến, đó là nếu muốn đốt rác phát điện tại Việt Nam cần phải đầu tư công nghệ hiện đại với kinh phí đáng kể nhằm đảm bảo 100% khí đốt được xử lý, không để phát tán khí thải độc hại ra môi trường. Vì nếu khí độc hại thải ra môi trường thì không cách nào xử lý được. Ông thẳng thắn cho biết, đốt rác phát điện nếu chỉ dừng lại từ 30-50 triệu USD chỉ có thể sử dụng công nghệ không đạt tiêu chuẩn, cho nên mức đầu tư cao hơn thì lãnh đạo TP.HCM còn cân nhắc. 

Doanh nhân David Dương chia sẻ: “Theo tôi, công nghệ cao không có nghĩa là đem rác đi đốt. Mà công nghệ cao là công nghệ nào xử lý rác được an toàn nhất, phù hợp với thành phần rác đang có với giá phù hợp và nhất là bảo vệ được môi trường một cách lâu dài”.

Bày tỏ về khả năng thay đổi công nghệ xử lý rác tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước (VWS) theo yêu cầu của lãnh đạo TP.HCM, ông David Dương cho biết: “Chúng tôi sẽ không đốt rác hoàn toàn, mà đốt những thành phần rác không còn sử dụng được để tái chế.Những thành phần rác còn lại chúng tôi sẽ sản xuất ra những sản phẩm có lợi nhất cho xã hội. Chẳng hạn sản xuất đất sạch, phân hữu cơ, điện và khí nén lỏng CNG. Công nghệ xử lý rác này vừa phù hợp với thành phần rác ở Việt Nam, vừa đem lại rất nhiều lợi ích. Ví dụ điện cung cấp cho sinh hoạt, phân vi sinh bồi bổ cho cây cối, đất sạch trồng hoa màu góp phần cho nền nông nghiệp sạch và bền vững, khí nén lỏng CNG dùng cho các loại xe chạy bằng năng lượng sạch, không xả khói và chất thải độc hại”.

Nếu về Việt Nam để đầu tư vì lợi nhuận, tôi sẽ chọn đầu tư ở a lĩnh vực khác. Tâm huyết của tôi trước sau như một là làm sao mang lại môi trường sạch hơn, xanh hơn nữa cho Việt Nam. 

“VWS hiện đứng hạng thứ 23 trên 100 công ty hàng đầu của Mỹ về xử lý rác. Vì thế, một số nơi chào bán công nghệ đốt rác phát điện để sử dụng ở Đa Phước là những công nghệ giá rẻ thì chúng tôi không thể gật đầu, vì nó tệ hơn việc rác được chôn lấp như hiện nay. Tôi đã nói nhiều lần, nếu về Việt Nam để đầu tư vì lợi nhuận, tôi sẽ chọn đầu tư ở những lĩnh vực khác. Tâm huyết của tôi trước sau như một là làm sao mang lại môi trường sạch hơn, xanh hơn nữa cho Việt Nam theo công nghệ G7 đã được minh chứng và phải có giá cả hợp lý”, David Dương nói thêm.

Doanh nhân David Dương tỏ ý tán thành những mục tiêu mà lãnh đạo TP.HCM đặt ra, đó là đến năm 2025, tỷ lệ chôn lấp rác sẽ giảm xuống còn 25%, đến năm 2030 giảm xuống còn 0%, nghĩa là 100% rác sẽ được xử lý, hoàn toàn không chôn lấp. Nhưng mục tiêu này theo ông sẽ khó thực hiện, lý do là giá bán điện ở Mỹ hơn 25 cent/kWh trong khi ở Việt Nam, giá bán điện chỉ bằng một nửa mức giá ấy. Nếu TP.HCM yêu cầu VWS thay thế bằng công nghệ đốt rác hoàn toàn thì ông vẫn thực hiện được. Nhưng nếu vậy sẽ phải trả mức giá đúng và đủ theo công nghệ, thiết bị của các nước G7 sản xuất.

Nhắc lại chuyện về Việt Nam đầu tư, David Dương kể, đi đâu cũng nhìn thấy rác xả bừa bãi hoặc cảnh người dân đốt rác tự phát nên ông mong muốn sớm đưa VWS vào hoạt động. Sau khi đầu tư xong VWS, ông nhận thấy việc thu gom rác ở TP.HCM vẫn còn kém, mùa mưa rác tràn xuống miệng cống gây nghẹt cống. Ông cho hay, giai đoạn đầu tư ban đầu tại Đa Phước, VWS đã yêu cầu rác phải được phân loại từ đầu nguồn, lãnh đạo thành phố đồng ý trong hợp đồng, nhưng thực tế sau đó và cho đến nay, TP.HCM chưa thể phân loại được rác như đã cam kết.

Doanh nhân David Dương trải lòng: “Lãnh đạo TP.HCM từng kêu gọi mọi người hiến kế xây dựng thành phố văn minh, hiện đại nên vì đau đáu về tình trạng môi trường của Sài Gòn nên tôi xin ủng hộ 1.000 thùng rác công cộng đặt tại khu vực quận 1 và quận 3. Tôi nghĩ khách du lịch đến Sài Gòn nhìn thấy thùng rác sẽ có ấn tượng tốt đẹp về nếp sống văn minh của người dân nơi đây, song vào thời điểm đó, Sở Tài Nguyên - Môi trường Thành phố đã bác bỏ và nói rằng họ sẽ có trách nhiệm thực hiện việc này”.  

Theo doanh nhân David Dương, công nghệ xử lý rác bằng chôn lấp hay đốt nên để các nhà chuyên môn có ý kiến và nhà đầu tư sẽ nghiên cứu công nghệ xử lý thành phần rác hiện hữu. Rác thải nói chung ở TP.HCM  hiện nay có độ ẩm 60-70%, rác hữu cơ là 70-80%. Ở Việt Nam, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu nên cần phân bón. Do vậy, rác xử lý phải tính đến mối liên quan này, còn tận dụng khí đốt từ rác để sản xuất ra điện, hoặc sản xuất nhiên liệu sạch để chạy xe tải chẳng hạn sẽ hạn chế khói độc hại. Rác đem lại giá trị cao từ các sản phẩm tận dụng và từ xử lý ô nhiễm sẽ góp phần ngược lại bảo vệ môi trường.

Tại Mỹ, hiện nay có khoảng 80% rác được tái chế (nhựa, thủy tinh, nhôm, giấy...) còn 10-15% là rác hữu cơ. Rác khi đưa về nhà máy tái chế, phần còn lại vẫn là chôn lấp. Mỹ chỉ có ít nhà máy đốt rác vì đốt rác không mang lại hiệu quả cao. Nếu chôn rác, nước rỉ rác thẩm thấu thì họ sẽ khoanh vùng và tìm biện pháp xử lý dễ hơn là đốt vì khói từ nhà máy đốt rác rất khó kiểm soát. Tại tiểu bang California, nhà đầu tư không dễ xin giấy phép xây dựng nhà máy đốt rác.

-3764-1673406629.jpg

Là người có nhiều năm kinh nghiệm về xử lý rác nên doanh nhân David Dương đặt vấn đề gây hại môi trường là phí rất đắt nên cần phải quan tâm triệt để, cần có luật, quy định nghiêm để chế tài. Do vậy, nhiệm vụ bảo vệ môi trường là cấp Nhà nước, của Chính phủ. Cho nên khi đầu tư xử lý rác phải có tâm, không vì giá thành mà cắt xén các khoản chi vì như thế các nhà đầu tư bán rẻ uy tín sẽ gây hậu quả.

Doanh nhân David Dương bộc bạch: “Vì trách nhiệm với quê hương, chúng tôi phải góp phần bảo vệ môi trường sống hiện tại và cả tương lai. Cho nên nếu như phải chung chi, lót tay để có dự án bằng được, bỏ qua các điều kiện cần thiết bảo vệ môi trường, chắc chắn tôi từ chối. Chúng tôi nhìn thấy hậu quả nếu làm ăn gian dối nên dứt khoát không làm nếu chỉ vì lợi nhuận. Hiện TP.HCM có ba nhà máy xử lý rác sinh hoạt, không bao gồm rác thải y tế, rác từ nguồn nguy hại khác, VWS đầu tư quy mô và hiện đại nhất, công nghệ của Mỹ do thành phố chọn khi thỏa thuận ban đầu. Nhưng cho đến nay thành phố vẫn chưa phân loại rác tại nguồn nên buộc phải chôn lấp, tìm cách chôn rác không thẩm thấu và thu khí gas để phát điện nhằm không gây ảnh hưởng đến môi trường. Còn về Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước, chúng tôi đang chuẩn bị phương án thay đổi công nghệ đốt rác phát điện và sản xuất những sản phẩm tái chế, như phân compost, đất sạch và khí CNG. Thời gian qua, chúng tôi tốn rất nhiều thời gian cho việc khảo sát, nghiên cứu công nghệ của các nước phát triển nhằm chọn ra công nghệ tốt nhất, phù hợp cho loại rác thải tại Việt Nam”. 

Khu Công nghệ Môi trường xanh tại tỉnh Long An có quy mô lớn nhất cả nước tính đến thời điểm hiện tại, xử lý rác cho TP.HCM, Long An và các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Công trình có công suất thiết kế tiếp nhận và xử lý 40.000 tấn/ngày. Tổng vốn đầu tư  là vài tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 450 triệu USD. Ông David Dương cho biết: “Chúng tôi đã cử chuyên gia khảo sát, rà phá bom mìn, xây dựng cầu dẫn, làm hạ tầng giao thông... Chúng tôi chuẩn bị đủ nguồn lực, sẵn sàng cho công trình lớn này. Có điều, đến nay các bước tiếp theo đang gặp khó khăn do các cấp có thẩm quyền vẫn “chưa có động thái” để dự án tiếp tục triển khai theo đúng tiến độ”.

Điều quan tâm lớn nhất của doanh nhân David Dương khi xây dựng nhà máy xử lý rác ở Việt Nam là tâm huyết góp phần bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp, cụ thể là tại thành phố lớn nhất cả nước. Trái tim ông cùng nhịp đập với người dân Sài Gòn - nơi ông đã sinh ra và lớn lên, nên mong muốn của ông là hết lòng chung tay vì một thành phố nghĩa tình, văn minh và hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trở về vì một môi trường xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO