Tôi đặc biệt yêu thích Việt Nam

HỒNG NGA| 24/09/2009 00:11

Biết ông từ năm 2005 đến nay, lần nào tôi gặp ông cũng thấy ông tươi cười, và sẵn sàng trải lòng với người đối diện.

Tôi đặc biệt yêu thích Việt Nam

Biết ông từ năm 2005 đến nay, lần nào tôi gặp ông cũng thấy ông tươi cười, và sẵn sàng trải lòng với người đối diện. Ông là một người Malaysia, yêu VN đến mức xem xứ sở này như quê hương thứ hai của mình.

Chỉ thiếu mặt bằng

* Năm năm không phải là khoảng thời gian dài nhưng cũng đủ để ông và Parkson “rút kinh nghiệm” về một thị trường mới?

- Tại VN, Parkson mới ở tuổi lên 5 nhưng tại Malaysia thì chúng tôi là một trong những thương hiệu nhiều năm, lớn nhất nước. Ở VN, chúng tôi định vị Parkson như một trung tâm thương mại (TTTM) cao cấp, nơi có thể cung cấp cho khách hàng những vẻ đẹp thời trang và phong cách sống, vì vậy, ngoài việc bán những mặt hàng có phong cách, đẹp, thời trang, Parkson còn chú trọng đến không gian mua sắm hiện đại, tạo sự thoải mái nhất cho khách hàng. Chúng tôi còn đầu tư vào dịch vụ với các hoạt động quảng bá, khuyến mãi; đầu tư vào nhân viên làm việc cho Parkson. Và cho đến nay, chúng tôi đã có đội ngũ quản lý rất chuyên nghiệp, có thể kế thừa trong tương lai và cho cả ngành bán lẻ của VN. Tính đến thời điểm này, Parkson đã đạt được thành tựu đáng kể so với kế hoạch đề ra.

* Thành tựu đó cụ thể là gì, thưa ông?

- Về doanh thu, chúng tôi đạt được những con số khả quan do sự ủng hộ, sự tin dùng, sự phản hồi tích cực từ phía khách hàng. Điều này thể hiện qua các giải thưởng do người tiêu dùng bình chọn, như “Nhãn hiệu được yêu thích nhất” trong ba năm liên tục (2006 - 2008) do Báo Sài Gòn Giải Phóng kết hợp với Sở Du lịch TP.HCM thực hiện, giải thưởng “Nhãn hiệu VN được biết đến nhiều nhất” trong năm 2008 do VCCI và Nielsen VN thực hiện.

Thông thường, khi đầu tư vào một thị trường mới, các DN đều xác định sẽ chịu lỗ hai - ba năm, thậm chí năm năm đầu để có thể đạt điểm hòa vốn, nhưng với Parkson VN thì không như vậy. Với một thị trường giàu tiềm năng và ít cạnh tranh như VN, nên chỉ trong vòng hai năm đầu, chúng tôi đã có lãi.

* Ngay từ khi mới vào VN, Parkson đã tuyên bố trong hai năm đầu sẽ mở ba trung tâm mua sắm tại Hà Nội và TP.HCM và trong năm năm tiếp theo sẽ mở thêm bảy trung tâm nữa tại các thành phố lớn. Vậy đến hôm nay, kế hoạch ấy đã thực hiện đến đâu?

Yếu tố mà tôi cho là quan trọng nhất là mặc dù thị trường bán lẻ ở VN rất tiềm năng nhưng có quá ít mặt bằng tại hai thành phố chính là TP.HCM và Hà Nội. Điều đó giải thích vì sao không có nhiều nhà đầu tư bán lẻ nước ngoài ồ ạt vào VN như dự đoán

- Đúng là khi Parkson đầu tư vào VN, chúng tôi đã công bố sẽ mở mười trung tâm sau năm năm hoạt động nhưng đến nay, sau năm năm, chúng tôi cũng chỉ mới mở được năm trung tâm. Thật ra, chúng ta không thay đổi kế hoạch mà vì không tìm được mặt bằng như mong muốn. Ở VN, mặt bằng cho ngành bán lẻ quá ít. Để kinh doanh hiệu quả thì các TTTM phải được đặt ở những vị trí trung tâm của các thành phố lớn; mà tại VN, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM có quá ít mặt bằng đáp ứng được tiêu chí này. Đó cũng là lý do vì sao điểm kinh doanh thứ hai chúng tôi không mở ở Hà Nội mà là Hải Phòng. Tuy khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng nhưng trong kế hoạch sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở thêm các trung tâm mua sắm ở Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ...

* Trong thời buổi kinh tế khó khăn, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là đối với các mặt hàng đắt tiền. Là đơn vị kinh doanh hàng cao cấp như Parkson chắc có ảnh hưởng?

- Ngay từ đầu chúng tôi đã xác định đối tượng khách hàng của mình là những người tiêu dùng có thu nhập từ trung bình khá trở lên. Tuy nhiên, tại hệ thống Parkson cũng có các nhãn hiệu nổi tiếng trong nước như An Phước, Nino Maxx, Vera... và tỷ lệ hàng cao cấp nội - ngoại ít hay nhiều tùy theo mỗi trung tâm. May mắn là kinh tế suy thoái nhưng người tiêu dùng không hề cắt giảm chi tiêu mà họ chi tiêu một cách kỹ lưỡng hơn. Thay vì trước đây họ mua mỹ phẩm hàng triệu đồng thì nay họ cũng sử dụng mỹ phẩm với công dụng như vậy nhưng chọn những thương hiệu thấp hơn, giá rẻ hơn.

Thị phần cho doanh nghiệp bán lẻ VN

* Đã nhiều năm làm việc trong ngành bán lẻ, ông đánh giá thế nào về ngành bán lẻ cũng như các DN bán lẻ VN?

- Phải công nhận rằng, trong vài năm trở lại đây, thị trường bán lẻ của VN đã thật sự bùng nổ. Và không chỉ riêng ngành bán lẻ mà thị trường VN nói chung cũng là một trong những nơi hấp dẫn nhất cho những nhà đầu tư trên thế giới. Mặc dù thứ hạng của thị trường bán lẻ VN bị tụt giảm ba bậc, từ thứ ba xuống thứ sáu, nhưng vẫn có sức hút rất lớn đối với DN bán lẻ nước ngoài. Có hai lý do chính.

Thứ nhất là dân số VN thuộc loại đông, lại là dân số trẻ, mà người trẻ thì dễ dàng theo những trào lưu, xu hướng thời trang mới (điều này rất tốt cho ngành bán lẻ). Thứ hai là tình hình tăng trưởng kinh tế của VN rất khả quan. Có một điều đáng lưu tâm là kinh tế VN có chỉ số tăng trưởng tốt như vậy nhưng tại sao ngành bán lẻ vẫn còn thấp? Theo tôi, một mặt là vì VN có quá ít mặt bằng để kinh doanh bán lẻ; mặt khác, các yếu tố thủ tục, hành chánh cũng làm mất rất nhiều thời gian để một dự án được triển khai.

Thực tế tại VN, số lượng các TTTM, siêu thị vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Nếu so sánh thị trường bán lẻ VN như một cái bánh thì cái bánh này mới bị chia phần bởi một ít đơn vị nước ngoài như BigC, Metro, Parkson, Diamond..., vì thế vẫn còn phần lớn cho các DN VN.

Trong vài năm gần đây, tôi thấy các DN trong nước đã có những bước tiến đáng kể. Ví dụ như Co.opMart chẳng hạn. Họ rất năng động, kinh doanh rất tốt và càng ngày càng mở ra nhiều siêu thị tại các thành phố lớn. Theo tôi, hiện nay, các DN trong nước có nhiều thuận lợi hơn các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi vì họ biết rõ, nắm rõ người tiêu dùng cũng như thị trường hơn DN nước ngoài; và nhờ vậy, họ đề ra các chính sách, chiến lược phát triển hoặc tận dụng thị trường và người tiêu dùng tốt hơn.

Không như dự đoán

* Đã có nhiều ý kiến cho rằng, từ ngày 1/1/2009, khi VN “mở toang cánh cửa thị trường bán lẻ”, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ ồ ạt vào VN, nhưng thực tế thì mới chỉ có LotteMart xuất hiện, theo ông vì sao như vậy?

Trung tâm thương mại Parkson

- Có ba lý do khiến thị trường vẫn chưa xuất hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Thứ nhất, có thể là do tình hình kinh tế thế giới đang bị suy giảm, do đó, hầu hết các nhà đầu tư đang củng cố lại vị thế của họ tại những thị trường mà họ đang có sẵn hơn là phát triển thị trường mới. Thứ hai, việc xin cấp phép hoạt động cũng mất một thời gian nhất định. Yếu tố thứ ba mà tôi cho là quan trọng nhất, đó là mặc dù thị trường VN rất tiềm năng nhưng có quá ít mặt bằng bán lẻ tại hai thành phố chính là TP.HCM và Hà Nội, để họ đầu tư kinh doanh. Những điều trên giải thích vì sao không có nhiều nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt vào VN như dự đoán. Cũng có nguồn tin cho rằng, sẽ có một số nhà bán lẻ lớn như WalMart, Tesco, Carrefour, Dairy Farm... đầu tư vào VN trong tương lai gần. Nhưng theo tôi, chừng nào bạn chỉ ra được vị trí nào còn trống thì tôi mới tin là điều này thành hiện thực.

Không chỉ mở cửa thị trường bán lẻ, theo lộ trình gia nhập WTO, từ ngày 1/1/2010, VN phải mở cửa cả thị trường bán sỉ, nhưng theo tôi, điều này không có nhiều cản trở đối với các DN VN. Như tôi đã nói ở trên, các DN VN có kinh nghiệm về thị trường trong nước tương đối lâu. Họ biết về người tiêu dùng VN khá tốt. Ngoài ra, họ còn có bộ máy quản lý là những người VN thành thạo nghề. Thành thử ra, đây là khoảng thời gian tốt nhất để các DN trong nước củng cố vị thế của mình.

* Với tư cách là một nhà bán lẻ nước ngoài, ông đánh giá thế nào về môi trường đầu tư của VN?

- Khá tốt. Chính quyền VN rất năng động trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư cũng như đưa ra chính sách hợp lý để thu hút đầu tư. Parkson là hệ thống kinh doanh bán lẻ theo chuỗi, bắt đầu từ Malaysia (vào năm 1987), sau đó chúng tôi đầu tư sang Trung Quốc (năm 1994) rồi đến VN. Nếu so sánh giữa Trung Quốc và VN, chúng tôi thấy đầu tư tại VN thuận lợi và tốt hơn nhiều. Ở Trung Quốc chúng tôi mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu, thâm nhập thị trường. Như tôi đã nói ở trên, tại VN chỉ hai năm hoạt động, chúng tôi đã có lợi nhuận nhưng ở Trung Quốc thì phải mất đến bốn năm.

Quê hương thứ hai

* Ông đã “đồng hành” cùng Parkson từ những ngày đầu thành lập. Sau năm năm sống và làm việc tại đây, ông thấy người VN thế nào?

- VN là một đất nước dễ thương. Nói như thế, có người sẽ cho là tôi nói “xã giao”. Nhưng thật sự là như vậy. Với Parkson, mỗi khi điều một nhân viên ra nước ngoài làm việc thì tiêu chí đầu tiên là nhân viên đó phải yêu thích người dân bản địa - nơi mà Parkson đến đầu tư. Nếu một nhân viên khi đến làm việc ở nước đầu tư mà họ yêu thích văn hóa, yêu thích ẩm thực cũng như thông thạo ngôn ngữ của địa phương đó thì có thể làm việc lâu dài hơn. Và tôi được chọn sang VN vì điều ấy.

Đất nước các bạn dễ thương, còn người dân thì rất hòa nhã, thân thiện, dễ gần, cầu tiến và chịu khó học hỏi. Tại VN, tôi thấy có rất nhiều trường học vào ban đêm và lấy làm ngạc nhiên về điều này. Ở Malaysia không hề có chuyện này. Sau này tìm hiểu, tôi biết được rằng, có rất nhiều người VN ban ngày đi làm nhưng đêm đến thì đến trường học. Họ cho rằng học sẽ cho họ nhiều cơ hội tốt hơn trong công việc và cơ hội thăng tiến sau này. Đây là đặc điểm rất tốt ở người VN mà không phải người dân nước nào cũng có.

Tham Tuck Choy có hơn 33 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bán lẻ. Khởi nghiệp tại một tập đoàn bán lẻ lớn tại Malaysia giữa những năm 1970, sau khi gia nhập Parkson vào năm 1987, ông nhanh chóng có những thăng tiến trong sự nghiệp và giữ vị trí cao nhất: Giám đốc Parkson Malaysia trước khi được chỉ định sang VN đảm nhiệm vị trí tổng giám đốc kiêm quản trị viên cấp cao tại Parkson VN.

Ngoài ra, vấn đề an ninh của VN rất tốt. Tôi là người Malaysia gốc Hoa; mà người Hoa và người Việt có những nét tương đồng về văn hóa, giá trị gia đình được đề cao (con cái ở với ông bà, cha mẹ)..., vì vậy mà tôi đặc biệt yêu thích và cảm thấy VN như quê hương thứ hai của mình.

* Nếu tính theo góc độ toán học, ông có thể “đo” sự yêu thích của mình về đất nước, con người VN bao nhiêu phần trăm?

- Có thể nói là trên 90%. Nói như vậy chắc cô khó tin. Nhưng thật sự là như thế. Không chỉ nói thích suông không thôi, tôi còn kêu gọi nhiều bạn bè rằng “Hãy đến và đầu tư tại VN đi”. Trước kia, hầu hết bạn bè của tôi trong giới kinh doanh đều cho rằng VN là một nước nghèo, có nhiều tội phạm. Vì không ai nghĩ rằng sau nhiều năm chiến tranh, VN lại có những thay đổi vượt bậc như vậy. Bản thân tôi lúc chưa đến VN cũng nghĩ thế. Vì vậy mà ngay ngày đầu tiên đặt chân đến đây, tôi đã thật sự ngạc nhiên về sự phát triển của đất nước các bạn. Và sau này, khi sống và làm việc ở đây, tôi đã giới thiệu rất nhiều về VN cho bạn bè của mình. Hiện tại, có không ít người qua “lời mời” của tôi đã đến VN kinh doanh và “bám trụ” luôn.

* Ông thấy món ăn của người VN như thế nào? Có món nào khiến ông yêu thích?

- Ở VN tôi phát hiện ra rất nhiều món ăn của nhiều vùng miền khác nhau. VN còn có sự đa dạng các loại ẩm thực khác từ nước ngoài như món ăn Trung Hoa, Ấn, Pháp, Nhật, Hàn Quốc... Chính vì sự đa dạng các món ăn nên tôi không thấy có gì khó khăn trong việc ăn uống. Tôi đặc biệt yêu thích món phở.

* Trong kinh doanh, người Trung Quốc đặt chữ tín lên hàng đầu, còn với ông thì sao?

- Trung Quốc có một câu ngạn ngữ rất hay: “Bạn muốn người khác thành thật với bạn thì bạn phải thành thật với người khác”. Do đó, với tất cả mọi người (nhân viên, bạn bè và cả đối tác làm ăn), tôi đều đặt chữ “thành thật” lên hàng đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tôi đặc biệt yêu thích Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO