Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: "Năm 2023, mỗi doanh nhân sẽ tìm được đại dương xanh"

Lữ Ý Nhi| 23/01/2023 06:00

Năm 2023, tôi mong ước trên thế giới chiến tranh kết thúc, hòa bình được lập lại. Các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là những doanh nghiệp có nhiều dự án du lịch đưa vào hoạt động hiệu quả, phục vụ nhiều khách quốc tế. Mỗi doanh nhân sẽ tìm được "đại dương xanh". Riêng Hòa Bình thực hiện thành công chiến lược phát triển thị trường ra nước ngoài, thực hiện thành công hoài bão đưa xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia.

CÙNG NHAU CHÚNG TA ĐI

Bước vào năm mới 2023 với dự báo kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, chỉ có niềm tin cả cộng đồng xã hội cùng đoàn kết, sẻ chia, thấu hiểu và cùng nhau đi chung một con đường… thì chúng ta, nhất là đội ngũ doanh nhân Việt Nam mới có đủ sức mạnh vượt qua trở ngại, chinh phục những đỉnh cao mới.

Với thông điệp đó, "xông đất" cho Doanh Nhân Sài Gòn năm 2023, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐTV Công ty SX-TM Mebipha Lâm Thúy Ái, Tổng giám đốc Công ty TNHH Mi Hồng Nguyễn Tu Mi, Giám đốc chi nhánh OI Clinic, Công ty TNHH SX-TM và Hóa chất Phương Đông Lạc Thảo Vy… đã chia sẻ giá trị của đồng hành và tin rằng, "Cùng nhau chúng ta đi" sẽ có một năm Quý Mão thành công rực rỡ.

* "Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau". Đây là một chân lý có đúng không, thưa ông?

- Tôi không cho rằng đây là một chân lý. Không phải khi nào muốn đi xa thì mới cần phải đi cùng nhau và muốn đi nhanh chúng ta phải đi một mình. Một chiếc thuyền có 10 người chèo chắc chắn sẽ đi nhanh và có thể đi xa hơn nhiều khi chỉ có một người chèo. Hơn nữa, một người chèo chống không thể đưa thuyền vượt qua sóng gió khi ra biển lớn. Bởi vậy, để có thể vừa đi nhanh vừa đi xa, chúng ta hãy luôn đi cùng nhau.

Tôi rất tâm đắc với thông điệp "Cùng nhau chúng ta đi". Lâu nay tôi vẫn kêu gọi các công ty trong hệ sinh thái của ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam bao gồm các công ty bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, tư vấn thiết kế, các nhà thầu chuyên ngành... hãy cùng đi với nhau ra thị trường nước ngoài. Tôi hiểu rõ yếu tố quan trọng của tinh thần đoàn kết. Chỉ mỗi một nhà thầu Hòa Bình làm sao có thể thành công trong việc tạo nên thương hiệu xây dựng Việt Nam lẫy lừng trên thế giới. Chúng ta không thể ra biển lớn với một chiếc thuyền, mà phải ra đại dương bằng một hạm đội. Chúng ta cần một hệ sinh thái ngành xây dựng cùng vươn mình ra biển lớn, cùng quyết chí ra khơi mới hy vọng thành công trong việc làm nên tên tuổi của công nghiệp xây dựng Việt Nam được.

-1333-1673420641.jpg

* Trong suốt hành trình 35 năm qua, Hòa Bình đã thấu hiểu sự đồng hành mang lại hiệu quả thế nào, thưa ông ?

- Trong suốt hành trình 35 năm qua, Hòa Bình đã hợp tác với hơn 20 nhà thầu có tên tuổi đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức, Mỹ, Úc trong một thời gian dài và đã không ngừng học hỏi, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Trên hành trình hơn 35 năm xây dựng đỉnh cao, Hòa Bình đã có những người bạn đồng hành thân thiết, cùng sánh bước bên nhau qua nhiều thăng trầm. Trong đó, hơn 25 năm đồng hành, Hòa Bình và Phú Mỹ Hưng ngày càng gắn kết không chỉ qua các công trình xây dựng, mà còn qua các chương trình từ thiện xã hội. Phú Mỹ Hưng đã thể hiện tình bạn thắm thiết, keo sơn đó bằng cách hỗ trợ thực hiện thanh toán trước hạn nhiều khoản, bao gồm cả các khoản bảo lưu mà theo quy định hợp đồng phải đến năm 2024 mới thanh toán.

* Trên hành trình đồng hành, lan tỏa văn hóa, đạo đức của doanh nhân cũng là việc phải đi cùng nhau?

- Trong hội nhập, doanh nhân Việt Nam cần nuôi khát vọng cống hiến cho việc bảo vệ và phát triển nền văn minh của nhân loại cùng sự thịnh vượng chung của toàn cầu. Và trong Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam cần có thêm tiêu chí thể hiện khát vọng và sự cống hiến này. Cụ thể là bổ sung thêm 3 chỉ tiêu trong bộ tiêu chí này.

Càng yêu dân yêu nước bao nhiêu, chúng ta lại càng cần phải yêu trái đất, yêu sự sống của muôn loài nhiều bấy nhiêu và hướng đến việc cống hiến cho sự phát triển lành mạnh, tốt đẹp của cả thế giới, phụng sự cho lợi ích chung của toàn nhân loại. Với quan niệm đó, với tinh thần và thái độ đó, chắc chắn doanh nhân Việt Nam chúng ta sẽ được cả thế giới tôn trọng, trân quý và ủng hộ. Điều đó nhất định sẽ mang lại sự thịnh vượng cho quốc gia và tôi tin rằng đây là một sự thịnh vượng rất vững bền. Tôi đã đóng góp bổ sung thêm 4 quy tắc cho Bộ quy tắc về đạo đức doanh nhân Việt Nam do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) soạn thảo và đã ban hành để làm cho bộ quy tắc này đầy đủ, phù hợp hơn trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hội nhập toàn cầu.

* Ông kỳ vọng năm 2023 sẽ thế nào và ông có kế hoạch gì?

- Nhiều dự báo cho biết năm 2023 vẫn còn khó khăn. Tuy nhiên, với lĩnh vực ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam, tôi cho rằng đây cũng chính là cơ hội vô cùng quý giá để ngành xây dựng nước ta có thể tận dụng nhằm rút ngắn thời gian, thu hẹp khoảng cách phát triển và có sự bứt phá mạnh mẽ trên thế giới. Thấy được điểm sáng trong khoảng tối chính là nắm chắc được lối ra duy nhất mà chúng ta cần nhìn nhận. Sự chật chội của thị trường xây dựng nội địa cũng như sự mất cân bằng về cung cầu chính là động lực thúc đẩy chúng ta cần xúc tiến nhanh và mạnh hơn nữa xuất khẩu dịch vụ tổng thầu ra thị trường nước ngoài. Những nhận định và kiến nghị của tôi về vấn đề này đã được trình bày chi tiết trong cuốn sách Thập kỷ vàng, trang sử mới phát hành vào tháng 6/2020.

* Nghĩ về một tương lai Việt Nam, ông thấy cần đầu tư phát triển điều gì?

- Trong Tuyên ngôn giá trị của Hòa Bình có hệ giá trị tích hợp tinh hoa. Trong đó, Hòa Bình đã nêu rõ những điều nổi bật cần học từ nhiều đất nước. Đó là sự kiên cường về ý chí của người Việt, sự tự tin về khởi nghiệp của người Do Thái, sự hợp lý về quản trị của người Mỹ, sự tinh xảo về công nghệ của người Đức, sự thuần thục về kỹ năng của người Singapore, sự chỉn chu về chất lượng của người Nhật, sự quyết liệt về tốc độ của người Hàn. Ngoài ra, theo tôi, khi doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp TP.HCM hội nhập với nền kinh tế thế giới còn cần tạo sự khác biệt dựa vào bản sắc văn hóa của dân tộc. Bản sắc văn hóa nổi bật và đáng quý nhất của dân tộc ta là khi quốc gia bị đe dọa, người dân sẵn sàng hy sinh tất cả cái riêng, lợi ích bản thân, gia đình, để bảo vệ cái chung, lợi ích của quốc gia, dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: "Năm 2023, mỗi doanh nhân sẽ tìm được đại dương xanh"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO