Ông Kao trở lại

NGUYỄN MẠNH| 17/12/2009 08:29

Tên tuổi Kao Siêu Lực (Tổng giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Bánh Kẹo Á Châu - ABC) được nhắc đến nhiều, khởi đầu từ chuyện gia đình và kết cục là sự chia tay thương hiệu bánh Đức Phát nổi danh một thời...

Ông Kao trở lại

Tên tuổi Kao Siêu Lực (Tổng giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Bánh Kẹo Á Châu - ABC) được nhắc đến nhiều, khởi đầu từ chuyện gia đình và kết cục là sự chia tay thương hiệu bánh Đức Phát nổi danh một thời. Nhưng dường như sau sự kiện đó, mới thấy một Kao Siêu Lực thật sự “nghị lực”. Người ta đang nhìn nhận vị doanh nhân này bằng thành công với thương hiệu mới: ABC. Nhưng với riêng Kao Siêu Lực, đó không chỉ đơn thuần là một thương hiệu, nó còn là sự gắn kết với khởi đầu mới, là sự nhìn nhận về bản thân và giá trị của mối quan hệ gia đình.

Hai năm với 16 cửa hàng

Một người bạn của Kao Siêu Lực ở quận 11, TP. HCM khi nói về chuyện gia đình của ông chủ Kao, cho biết, các bạn cũ, đặc biệt là những bạn hàng lâu năm cảm thấy rất lo lắng cho ông Kao. Sự lo lắng này có cơ sở vì theo ông, Kao Siêu Lực có nguy cơ mất trắng mọi thứ. Nhưng dường như Kao Siêu Lực là người chỉ biết làm việc và làm việc.

Nơi chốn yêu thích nhất của ông có lẽ là trong xưởng bánh, nơi ông miệt mài cùng các cộng sự nghiên cứu, chế biến ra hơn 400 loại bánh. Chẳng thế mà việc quản lý tài chính 20 cửa hàng bánh khắp TP.HCM và ngay cả thương hiệu Đức Phát cũng không còn của ông nữa. Khi xảy ra chuyện, Kao Siêu Lực suy sụp tới mức đã phải nhập viện.

Bắt đầu từ tháng 10/2007, Kao Siêu Lực lại một lần nữa tái khởi nghiệp với thương hiệu Doanh nghiệp tư nhân Bánh Kẹo Á Châu (ACB). Và chỉ trong vòng hai năm, Kao Siêu Lực đã có 26 cửa hàng bánh, trong đó có hai cửa hàng ở Campuchia.

* Kinh tế khó khăn có vẻ không tác động tới doanh nghiệp của ông?

- Thời gian qua, các đồng nghiệp ở nước ngoài cứ hỏi tôi sao ngành hàng bánh ở nước anh không bị ảnh hưởng. Tôi nói, mình không bán bào ngư vi cá. Giá bán sản phẩm của chúng tôi không cao, cũng chỉ là một dạng lương thực. Sinh nhật, cưới hỏi phải có bánh kem; cùng giỗ phải có một số loại bánh. Ngay cả người đi học hay đi làm cũng dùng. Chính vì vậy, mà ngành bánh tương đối may mắn, không gặp khó khi kinh tế thế giới suy thoái.

* Nhưng việc thêm 16 cửa hàng chỉ trong hai năm, không phải là chuyện dễ dàng?

- Quan điểm của tôi là nếu có cơ hội thì phải biết nắm bắt, đừng để thời cơ trôi qua. Tôi thấy địa điểm nào thuận lợi, tức có thể có nhiều khách hàng thì mở tiệm, cũng là để phát triển thương hiệu. May mắn là chúng tôi tới đâu là thành công đó. Hiện 60% cửa hàng là do tôi sở hữu, phần mua thêm, phần hợp tác với chủ nhà. Ví dụ, khách muốn mở cửa hàng, họ giao nhà, tôi giao bảng hiệu, hướng dẫn kỹ thuật. Sau khi có lợi nhuận, tôi chia theo tỷ lệ đối tác 60%, tôi 40%. Sang năm, ở quận 1 và 3 tôi sẽ mở thêm bốn cửa hàng ABC nữa.

* Từ thương hiệu Đức Phát quen thuộc, nay chuyển sang ABC, việc chinh phục khách hàng, dù là khách hàng cũ chắc cũng không dễ đạt được kết quả nhanh chóng?

Trong vai trò ban giám khảo các cuộc thi làm bánh tại Pháp

- Khi mới chuyển đổi thành thương hiệu ABC, nhiều nhân viên, quản lý, công nhân của tôi tỏ vẻ băn khoăn, rằng liệu khách hàng có chấp nhận. Tôi hiểu điều đó, và thuyết phục họ rằng, thương hiệu rất quan trọng, nhưng khi sản phẩm ổn định thì thương hiệu mới có giá trị. Để khẳng định mình và tạo niềm tin cho chính nhân viên, tôi chủ động tham dự thi làm bánh ở nước ngoài và giành được nhiều huy chương. Như vậy, tôi đã lấy sản phẩm của mình đi thi, sau đó mới “đánh bóng” thương hiệu. Phương châm kinh doanh của tôi dựa trên sáu điều: Giá cả hợp lý, bánh ngon, hợp vệ sinh, dinh dưỡng, tiện lợi, thẩm mỹ. Nếu thực hiện đúng sáu điều này, lấy thị trường không khó.

Thăng hoa

Nếu trước đây, Kao Siêu Lực chỉ biết, đến làm việc và được nhìn nhận là một thợ làm bánh đúng nghĩa, thì giờ đây, ông đang có sự thăng hoa về cả nghề lẫn nghiệp. Người ta thấy ông đi nước ngoài nhiều hơn, được mời làm giám khảo cho cuộc thi làm bánh quốc tế ở Paris (Pháp).

* Có nhận xét rằng, Kao Siêu Lực chỉ biết làm việc và làm việc. Hình như ông không biết giải trí?

Trước khi lập ra ABC, tôi đã là nhà cung cấp bánh mì cho hãng thức ăn nhanh Loteria, KFC. Nhưng ngày trước ký hợp đồng dưới tên khác, nay đóng mộc ABC, tôi rất đắn đo. Tôi đem chuyện này nói với phía khách hàng lớn này, họ trả lời không sao cả, tên doanh nghiệp ông có đổi nhưng chữ ký vẫn là Kao Siêu Lực. Chúng tôi chỉ biết tên tuổi ông, chứ đâu dùng thương hiệu doanh nghiệp ông!

- Đúng là trước đây như vậy nhưng tôi nhận ra rằng, làm ra sự nghiệp khó, giữ nghiệp càng khó hơn. Tôi cũng lo sức khỏe. Nếu không khỏe, không minh mẫn sẽ không quản lý tốt. Vì vậy, từ 6 - 8 giờ sáng, tôi dành để chơi tennis, sau đó qua xưởng theo dõi sản xuất và ra các cửa hàng xem việc bán hàng của nhân viên.

Nghe ngóng thông tin cũng là việc cần phải làm. Xem có tiệm bánh nào mới mở mà có mô hình hay để học hỏi thêm, kể cả đi nước ngoài. Nắm thông tin xong xuôi rồi, nếu thấy hợp lý thì phải thay đổi. Nếu anh làm quản lý mà chờ một ai đó hướng dẫn để mình thay đổi, thì không thể thành công.

* Chính vì thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của công việc, ông đã mạnh dạn thay đổi?

- Chỉ có cạnh tranh mới tiến bộ. Ví dụ, ở bakery ABC ở đường Phạm Ngũ Lão, chúng tôi đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình bằng cách bán bánh kết hợp với cà phê, và đã thành công. Hơn nữa, tôi biết mình có một điểm mạnh là bánh của nhiều bakery khác không nhiều được như nhà sản xuất lớn chúng tôi. Với sự kết hợp giữa mấy trăm loại bánh với cà phê, tôi đã tạo cho mình thế mạnh riêng. Ngay cả khách hàng là người nước ngoài ở khu vực này cũng cho rằng hiếm thấy một bakery nào đa dạng như vậy.

* Được biết ông đang ấp ủ rất nhiều kế hoạch phát triển khác?

Cùng các con

- Tháng sau, tại TP.HCM sẽ xuất hiện một loạt xe bán bánh mì mang thương hiệu ABC, mỗi xe có diện tích 1m2, có lò nướng bánh. Nhưng các xe đẩy này sẽ được trang bị 5 loại bình nước sốt (mỗi bình 5 lít) để khách hàng tự phục vụ theo khẩu vị. Theo kế hoạch, các cửa hàng của ABC áp dụng trước. Tiếp tới, tôi sẽ ưu tiên cho nhân viên của mình, vì sau khi làm việc ở công ty, 5 - 6 giờ chiều họ về nhà, thì từ 6 - 9 giờ tối họ vẫn có thể đẩy xe bánh ra bán trước nhà, hay ở những khu vực được phép buôn bán. Trị giá của mỗi xe như thế này khoảng 10 triệu đồng, họ chỉ phải trả trước 50%, và trả dần trong 6 tháng tiếp theo.

Bước thứ ba khá quan trọng, tôi sẽ tổ chức 5 đợt hội thảo giới thiệu mô hình này cho 500 sinh viên đại học. Nhiều sinh viên rất cần kiếm tiền thêm để học. Mong muốn của tôi cũng là dạy cho họ học cách tự làm chủ. Nhiều sinh viên giỏi kiếm thị trường, họ nhanh nhạy, biết chỗ nào có khách hàng. Tôi chỉ cần 10% trong số sinh viên này, tương đương 50 xe. Nếu họ khai thác được thị trường, bạn bè họ sẽ lan rộng ra giúp phát triển thương hiệu.

* Hiện giờ ông không còn bó gọn kinh doanh trong nội bộ như trước đây nữa?

- Trước tôi làm bánh chỉ có người trong họ hàng tham gia, nhưng nay phải mở cửa. Ví dụ, một đối tác có mặt bằng nhưng họ sợ khi đứng ra kinh doanh bánh, sẽ không có kinh nghiệm. Mà thuê thợ thì cũng không yên tâm, vì nếu thợ bỏ đi sẽ không biết phải làm sao. Nên nhiều người muốn hợp tác với tôi. Tôi chịu trách nhiệm việc trang bị máy móc, truyền đạt kinh nghiệm sản xuất, quản lý. Tổ chức xong xuôi, khi có lãi sẽ chia 60 - 40. Những người thợ chung thủy theo tôi 10 - 20 năm, cũng có lúc phải hướng lên cao hơn. Thế là tôi tạo điều kiện, tập họp họ lại, bảo lãnh cho họ vay ngân hàng để thành lập cửa hàng kinh doanh.

* Nhiều người nói Kao Siêu Lực sẵn sàng giúp đỡ người trong ngành và không giấu nghề?

- Nhiều người muốn tôi giúp về kỹ thuật, tôi sẵn sàng mời họ lên xưởng. Giúp được một người, tối đó về tôi ngủ rất ngon. Ngay cả việc mở hai bakery lớn tại Campuchia, tôi chủ định sang đó không phải là để cạnh tranh, mà là để nâng tầm ngành bánh chính nơi đó. Hiện tại, đã có đối tác ở Campuchia đề nghị được nhượng quyền.

Nỗi niềm ABC

* Với ông, thương hiệu ABC mang nhiều nỗi niềm?

Cùng nhân viên nhận giải thưởng tại hội chợ bánh quốc tế tại Paris

- ABC là những ký tự mà trẻ nhỏ nào cũng biết. Hình ảnh ba chữ cái viết xéo, màu sắc sặc sỡ dễ cuốn hút khách hàng nhỏ tuổi. Đây cũng là mẫu tự mang tính quốc tế hóa, được dịch thành Asia Bakery Confectionery. Nhưng đây cũng là một sự ngẫu nhiên trời định, bởi ba chữ ABC cũng là tên tiếng Anh viết tắt trước đó của ba con tôi: Anglela (con gái thứ Kao Huy Minh); Bruch (con trai út Kao Hớn Phong) và Christine (con gái đầu Kao Huy Phương).

* Ba con là chỗ dựa tinh thần duy nhất dành cho ông?

- Kao Huy Phương của tôi năm nay 25 tuổi, đã học ngành thực phẩm từ năm 16 tuổi tại Singapore. Phương đã trở về Việt Nam giúp tôi từ năm 2007. Chính Phương đã khuyến khích tôi hợp tác với hãng hoạt hình Walt Disney mua bản quyền sử dụng hình ảnh cho một số sản phẩm bánh tươi của ABC Bakery tại thị trường Việt Nam. Còn con gái thứ Kao Huy Minh hiện đang theo học bên Singapore về ngành quản trị doanh nghiệp. Minh cũng sẽ tốt nghiệp trong năm nay. Riêng cậu con trai, nó gần như là bản sao của tôi về niềm đam mê nghề bánh.

ABC là những ký tự mà trẻ nhỏ nào cũng biết. Hình ảnh ba chữ cái viết xéo, màu sắc sặc sỡ dễ cuốn hút khách hàng nhỏ tuổi. Đây cũng là mẫu tự mang tính quốc tế hóa, được dịch thành Asia Bakery Confectionery.

Cảm hứng để tôi chọn logo cho ABC cũng được lấy từ chính hình ảnh của Kao Hớn Phong: Một cậu bé trong trang phục thợ làm bánh, trên tay là công cụ lăn bột. Hiện cậu út cũng đang học trung học ở Singapore. Ngay từ khi mới 10 tuổi, Kao Hớn Phong đã theo tôi học làm bánh. Tuần thứ nhất, rồi thứ hai tôi phải chỉ bảo từng chút, nhưng sang tuần thứ ba nó nói không cần chỉ nữa. Tôi không tin, bảo nó viết ra công thức, thì kết quả đúng y chang. Lúc ấy, tôi đã nghĩ con trai mình sẽ có tương lai từ nghề bánh.

* Ông muốn các con cùng về với mình để phát triển kinh doanh?

- Theo dự kiến, các con sẽ về cùng làm với tôi. Phương hiện đã có em bé, sống với chồng bên Singapore, sau Tết Canh dần, dự tính cả hai vợ chồng sẽ quay về cùng làm cho tôi, vì con rể người Singapore cũng làm trong ngành thực phẩm. Còn Minh thì hai tháng nữa sẽ tốt nghiệp. Nhưng tôi không gây áp lực cho các con chuyện về hay ở lại nước ngoài. Tôi nói, sự nghiệp ba có rồi, nối nghiệp là sở thích, nếu các con cảm thấy ba lớn tuổi có thể tiếp được thì tiếp. Bởi tôi thấy ngành này cực quá, đòi hỏi sức lực và thời gian nhiều.

* Ông đang từng bước xây dựng thương hiệu ABC theo hướng đi xa hơn, mà trong đó có thương hiệu cá nhân?

- Trước đây, tôi sáng lập ra Đức Phát, thì nay sáng lập ra ABC phải có niềm tin vào bản thân. Trước khi lập ra ABC, tôi đã là nhà cung cấp bánh mì cho hãng thức ăn nhanh Loteria, KFC. Nhưng ngày trước ký hợp đồng dưới tên khác, nay đóng mộc ABC, tôi rất đắn đo. Tôi đem chuyện này nói với phía khách hàng lớn này, họ trả lời không sao cả, tên doanh nghiệp ông có đổi, nhưng chữ ký vẫn là Kao Siêu Lực. Chúng tôi chỉ biết tên tuổi ông, chứ đâu dùng thương hiệu doanh nghiệp ông! Chính điều này giúp tôi nghĩ đến hướng phát triển rộng và xa hơn cho thương hiệu, ngay cả thương hiệu cá nhân. Tại triển lãm mới đây, tôi đã tung ra sản phẩm K hot dog. K là họ của mình, mình phải tự mình lập ra sản phẩm mang tên mình chứ. Nếu Toyota có thương hiệu Camry thì ABC sao lại không có K hot dog?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông Kao trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO