Người vẽ bệnh viện

XUÂN LỘC thực hiện| 02/10/2014 07:58

Bệnh nhân cần bác sĩ. Bác sĩ cần những kiến trúc sư chuyên biệt tạo dựng những không gian đặc thù tốt nhất cho họ làm việc.

Người vẽ bệnh viện

Chọn tên "Cát Mộc" để gửi gắm triết lý sống và kinh doanh "mộc mạc, hiền hòa" nhưng lại dấn thân vào một lĩnh vực đầy phức tạp, kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền thành danh trong lĩnh vực thiết kế bệnh viện và đầy tự tin ở sân chơi lâu nay vốn chỉ dành cho các nhà thiết kế nước ngoài.

Đọc E-paper

Ảnh: Quý Hòa

* Thương hiệu PHẠM, một trong 4 thương hiệu của Cát Mộc Group, vừa đạt kỷ lục quốc gia về công ty thiết kế bệnh viện nhiều nhất Việt Nam do Tổ chức Guinness Việt Nam xác nhận. Cơ duyên nào khiến ông chọn tiên phong và chuyên nghiệp hóa kiến trúc bệnh viện, một lĩnh vực đặc thù với nhiều thử thách?

- Khi tôi còn ngồi trên ghế giảng đường, ba má tôi luôn mong ước tôi làm ngành y, nhưng tôi lại rẽ ngang chọn ngành kiến trúc. Tôi nghĩ bệnh nhân thì cần bác sĩ, nhưng bác sĩ lại cần những kiến trúc sư chuyên biệt tạo dựng những không gian đặc thù tốt nhất cho họ làm việc.

Từ khi còn là sinh viên năm thứ hai đại học, tôi đã có những giải thưởng nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên về đề tài bệnh viện. Tốt nghiệp thủ khoa đại học cũng với đề tài về bệnh viện, điều đó đã khích lệ tôi đam mê hơn lĩnh vực kiến trúc y tế, dù đây là lĩnh vực tương đối phức tạp về dây chuyền công năng, cần sự am hiểu nhất định.

Tôi cũng nghĩ tất cả các lĩnh vực đều cần sự chuyên nghiệp, chuyên sâu. Một kiến trúc sư không thể làm tốt tất cả các thể loại kiến trúc được. Vì thế, tôi dấn thân sâu hơn vào lĩnh vực này theo thuyết "chính danh định phận".

Kỷ niệm khó quên nhất và cũng là lý do thôi thúc tôi tạo dựng thương hiệu PHẠM chuyên sâu về kiến trúc y tế là khi đoạt cùng lúc hai giải nhất thiết kế bệnh viện vào năm 2009. Trong đó phải kể đến là khi tham gia cuộc thi quốc tế mở rộng thiết kế kiến trúc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Cần Thơ.

Tôi đã vượt qua công ty chuyên về thiết kế bệnh viện của Hàn Quốc đã có hơn 40 năm hình thành và phát triển. Lúc đó tôi mới thực sự tự tin rằng kiến trúc sư Việt Nam có thể vượt qua thử thách ở những sân chơi lớn như vậy.

* Bên cạnh các công trình quy mô lớn, ông được biết đến là một trong những kiến trúc sư nổi tiếng với các giải pháp xây nhà giá rẻ. Tại sao ông lại chọn thị trường này để thể hiện các ý tưởng thiết kế?

- Không phải ngẫu nhiên tôi muốn chọn cái khó, cái ít lợi nhuận mà là muốn luôn đánh thức mình. Trước kia khi còn bé, mỗi lần má tôi đưa tiền cho chị tôi đi chợ, tôi thấy chị tôi hay thốt lên: "Ít tiền quá sao mua đủ được", má tôi cười và bảo: "Không nhiều tiền nhưng con lo được một bữa ăn đàng hoàng mới hay, nếu có tiền nhiều, mua sắm thoải mái thì không phải bàn"...

Tôi lớn lên trong nắng gió miền Trung, trong khó khăn nên giờ luôn đồng cảm và mong muốn giúp được gì đó cho những người có hoàn cảnh khó khăn bằng nghề nghiệp của mình. Với một khoản kinh phí nhất định, tôi cố gắng tìm tòi và đưa ra các giải pháp tiết kiệm để tạo dựng những không gian kiến trúc tiện dụng và đẹp, đó là trách nhiệm của kiến trúc sư, tôi nghĩ vậy...

Khi tham gia các chương trình tư vấn trên truyền hình, tôi cũng chọn những ngôi nhà nhỏ, thiên về giải pháp thông minh hơn là các biệt thự hoành tráng. Bởi lẽ, một ngôi nhà nhiều tiền bao giờ cũng dễ làm hơn và điều quan trọng là người có ít tiền nhưng muốn có một ngôi nhà tươm tất bây giờ còn nhiều lắm.

Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm cho họ. Trong thâm tâm, tôi luôn suy nghĩ, tìm tòi những giải pháp kiến trúc cũng như ứng dụng vật liệu địa phương để đem đến cho những người nghèo không gian ở tiện nghi và kinh tế.

* Ông nhận định thế nào về những dự án lớn đang làm thay đổi không gian kiến trúc của Sài Gòn?

- Khi chúng ta xây dựng nhiều công trình lớn đồng nghĩa với việc phát triển đô thị, nhưng xuất hiện thêm một cái mới mà làm mất đi một cái cũ (thậm chí nhiều hơn) thì không nên. Gần đây nhất khi có quyết định tháo dỡ thương xá Tax, thay vào đó là một ngôi nhà chọc trời 40 tầng, giới kiến trúc sư hầu như ai cũng xót xa và tiếc nuối một công trình kiến trúc đã tồn tại hơn 130 năm.

Trên thế giới, rất nhiều quốc gia phát triển dự án mới song song với việc bảo tồn các công trình cũ rất tốt. Như Anh, Nhật Bản hay gần chúng ta hơn là Singapore, họ phát triển kiến trúc theo phương châm "Duy trì tối đa, phục hồi khéo léo, sửa chữa cẩn thận".

Khu nào dành cho phát triển công trình mới, khu nào chỉ bảo tồn, trùng tu... rất rõ ràng, không thể xây chen một công trình mới phá vỡ cảnh quan trong khu phố cũ.

Chúng ta đã có quy hoạch khu Thủ Thiêm, đồ án đã được phê duyệt, sao không hướng ra đó để làm mới, phát triển mà cứ mãi chen lấn ở khu lõi trung tâm thành phố để có quá nhiều tòa cao ốc đến ngộp thở, không gian dường như bị bó chặt.

Chưa kể khi những tòa nhà này xuất hiện, kéo thêm hàng ngàn con người đến làm việc, mua sắm tại đây, hạ tầng đô thị vốn dĩ đã quá tải nay lại phải gồng gánh thêm một lượng người không nhỏ nên càng bức bối và lộn xộn.

Không những tôi thấy tiếc, không muốn mất đi mà còn muốn khôi phục lại tất cả những kiến trúc cổ theo đúng phiên bản ban đầu. Chúng ta nên bảo tồn và trùng tu sớm hơn, đó là gia sản vô giá cho con cháu chúng ta sau này...

* Quan niệm của ông về một không gian sống hiện đại cho những người trẻ?

- Chúng ta đang sống trong thế giới phẳng, chỉ cần một cái nhấp chuột là đã có hàng vạn thông tin trên khắp thế giới. Tuổi trẻ bây giờ đã tiếp cận được văn minh của thời đại, họ có quyền so sánh, có quyền hy vọng được đi đến nơi này nơi kia, có quyền mơ ước không gian đô thị nơi họ sống được đẹp đẽ như những nơi họ từng đi qua...

Kiến trúc là một trong những món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của họ. Những khu phố đi bộ để mua sắm, những bến du thuyền, những góc phố cà phê, những cảnh quan đẹp để thư giãn, không gian thoáng đãng, nhất là một quảng trường đủ rộng để dành cho lễ hội..., tất cả dường như đang rất thiếu tại TP.HCM.

Những trung tâm mua sắm, trung tâm văn hóa, giải trí... trong thành phố này chưa có nhiều và chưa được đầu tư đúng mực. Giới trẻ bây giờ năng động và kết nối rất nhanh, do vậy, để đáp ứng một phần trong đời sống tinh thần của họ thì song song với những vấn đề khác, cải thiện và nâng tầng không gian đô thị là việc cần thiết và cấp bách.

Trong những căn nhà họ sở hữu cũng vậy, những không gian kiến trúc hiện đại đi cùng với những công nghệ tiên tiến là phổ biến. Tuy nhiên, vẫn có nhiều bạn trẻ thích phong cách retro và vintage, luôn hoài cổ và muốn lưu giữ những lối kiến trúc và tinh thần văn hóa xưa.

Do vậy, nói đến văn hóa là nói đến truyền thống, xâu chuỗi giữa quá khứ, hiện tại và tương lai mà không thể co cụm ở một thời điểm riêng lẻ.

* Từng là giảng viên Đại học Kiến trúc TP.HCM, sáng lập Trung tâm Đào tạo Kiến trúc DORIC chuyên đào tạo và cung ứng nhân sự họa viên kiến trúc kết hợp luyện vẽ để thi vào Đại học Kiến trúc, ông đang rất nỗ lực trong việc đào tạo thế hệ kiến trúc sư trẻ?

- Trước đây, tôi và bạn bè phải mất một thời gian nhất định sau khi ra trường để định hình mọi thứ về nghề, về chuyên môn, gắn kết lý thuyết và thực tiễn..., điều này lãng phí vô cùng. Do vậy, sau khi ra trường tôi luôn mong mỏi có cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho thế hệ đàn em.

Gần 5 năm làm giảng viên tại Đại học Kiến trúc TP.HCM, tôi chưa làm được những gì mình ấp ủ, thế nên tôi luôn khao khát thành lập công ty đào tạo riêng. Trung tâm Đào tạo Kiến trúc DORIC được hình thành song song với các công ty thiết kế kiến trúc của tôi.

Việc này có thể làm tôi vất vả hơn nhưng bù lại đi đúng hướng mình vạch ra: tạo cho các bạn trẻ có một môi trường gắn liền lý thuyết với thực tiễn, tránh việc học lý thuyết suông. Điều này sẽ giúp các bạn trẻ tự tin hơn, làm việc hiệu quả hơn khi hành nghề.

Đất nước mình đang phát triển từng ngày, đó là cơ hội và cũng là thách thức cho giới trí thức trẻ Việt Nam. Tôi muốn hòa nhập và cố gắng chia sẻ tất cả kinh nghiệm có được cho thế hệ đàn em.

* Quán cà phê Tượng cũng là nơi để ông lấp đầy mọi khoảng cách với giới trẻ?

- Thời là sinh viên tôi tham gia hầu hết các hoạt động phong trào của trường, từ văn nghệ, báo chí đến các hoạt động xã hội khác. Do vậy, theo quan niệm của tôi, nếu ai được sống mãi với không khí thời sinh viên đó là hạnh phúc. Nếu không phải vì mưu sinh, cơm áo gạo tiền thì tôi nghĩ cuộc sống của mọi người sẽ nhẹ nhàng hơn.

Khi có điều kiện, tôi đã tạo dựng ngay một không gian dành cho các bạn sinh viên kiến trúc nói riêng, cho tất cả những ai yêu nghệ thuật nói chung, xem đây như là một mái nhà chung cho những người có cùng đam mê. Tôi thích câu nói "Chiến tranh làm loài người xa nhau, còn âm nhạc và nghệ thuật làm mọi người xích lại gần nhau hơn".

Cà phê Tượng ra đời trước hết để thỏa mãn đam mê của chính bản thân tôi. Và nghệ thuật thì không có khoảng cách khi đã cùng chung niềm đam mê. Ở cà phê Tượng tôi có thể ôm ghi ta đàn hát cùng mọi người, chia sẻ kinh nghiệm về nghề cho các bạn sinh viên, trao đổi về nhiếp ảnh, hội họa, thơ ca...

Có lẽ từ sự đồng cảm mà chỉ trong thời gian ngắn, cà phê Tượng đã được đông đảo bạn trẻ yêu nghệ thuật chọn làm nơi hẹn hò, gặp gỡ.

* Là người thành lập và điều hành cùng lúc bốn thương hiệu, mỗi thương hiệu đều tạo được dấu ấn đặc sắc. Bên cạnh việc nuôi dưỡng đam mê với nghề kiến trúc sư, theo ông, việc khẳng định vai trò một doanh nhân có đòi hỏi nhiều nỗ lực?

- "Không đam mê thì không làm được gì cả”. Triết lý kinh doanh của tôi đơn giản chỉ có thế.

* Có niềm đam mê mạnh mẽ như vậy, dường như ông chưa muốn dừng lại?

- Người Á Đông vẫn quan niệm con số 5 là con số sinh, con số bền vững, vững chãi như bàn tay có 5 ngón, hoa mai hay ngôi sao vàng có 5 cánh..., nên tôi đang cố gắng xây dựng thêm thương hiệu thứ 5. Tất cả mọi thứ đã được chuẩn bị từ gần một năm nay.

Đó là một nhà hàng chuyên về ẩm thực chay theo một triết lý rất riêng, nhà hàng chay BOON (mô phỏng theo tiếng chuông chùa). Ai cũng muốn "mãi mãi tuổi 20" nhưng quy luật cuộc sống chỉ cho phép bạn kéo dài tuổi thanh xuân nếu bạn biết cách dung hòa giữa cuộc sống, sinh hoạt, thư giãn. Trong đó ẩm thực là một vấn đề không nhỏ.

Tôi may mắn gặp được một chuyên gia người Nhật Bản và được hỗ trợ về mặt chuyên môn để tôi kết hợp những rau quả, thực phẩm Việt Nam hình thành nên một thương hiệu ẩm thực chay Việt Nam theo phong cách Nhật Bản, kết hợp với thiền.

Do đó, tôi cũng đang ấp ủ một không gian kiến trúc đặc thù để đáp ứng được những người đến đây hít thở không khí sạch và ăn thực phẩm xanh.

Tại đây, định kỳ tôi sẽ mời các bác sĩ và các chuyên gia về dinh dưỡng đến nói chuyện với mọi người về khoa học ẩm thực, về cách hít thở như thế nào là tốt nhất cho sức khỏe của từng lứa tuổi. Cũng có thể là buổi nói chuyện về nghệ thuật sống cho tất cả mọi người.

Nếu cà phê Tượng là không gian đặc biệt dành cho các hoạt động về nghệ thuật văn thể, thì nhà hàng chay BOON sẽ là nơi sinh hoạt cho những ai quan tâm đến nghệ thuật ẩm thực, nghệ thuật sống và các hoạt động xã hội khác.

Hiện nay, cứ mỗi 3 tháng, tôi cùng tập thể nhân viên công ty đi làm từ thiện một lần, do đó, việc tạo dựng không gian ẩm thực chay có lẽ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho công tác xã hội nhiều ý nghĩa này.

* Xin cảm ơn và chúc cho những dự án của ông luôn thành công với sự giản dị và hiền hòa!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người vẽ bệnh viện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO