Khi chồng là... sếp

PHẠM VIỆT YẾN| 21/08/2009 06:03

Nếu chúng ta có thể chịu đựng hoặc bỏ qua được những khiếm khuyết (nếu có) của “sếp bình thường” thì tại sao lại không thể làm thế với “sếp chồng”?

Khi chồng là... sếp

Thỉnh thoảng có dịp tụ họp với nhóm bạn cũ, tôi thường bị hỏi: “Sao, đã xin phép sếp chồng chưa?”. Đáp lại câu hỏi “đầy ẩn ý” của tụi bạn, tôi đùa: “Rồi, sếp chồng cấp cô - ta vô thời hạn luôn”. Chả là chúng tôi cùng làm chung một công ty và anh là “sếp tổng”, cấp trên của tôi.

Cách đây gần 5 năm, khi tôi rời công ty nhà nước về làm chung với chồng, mẹ tôi đã gàn: “Nghĩ cho kỹ đi con ạ, vợ chồng làm chung nhiều khi lại có chuyện đấy”. H.V, cô bạn thân nhất của tôi cũng “phụ họa” theo: “Chung nhà, chung giường chưa đủ sao mà còn phải chung công ty nữa? Suốt ngày ra vào, đụng chạm sẽ chán nhìn mặt nhau cho coi”. Lúc ấy, thú thật, tôi cũng thấy lời “cảnh tỉnh” của mẹ, của bạn là có lý, nhưng tôi không thể làm ngơ trước sự khẩn khoản của chồng: “Công ty đang gặp khó khăn, nhân sự buộc phải sắp xếp lại, em về giúp anh một thời gian đi”. Và trước khi nhận lời chồng, chúng tôi đã cùng thống nhất quan điểm công - tư phân minh, đã về nhà là tạm gác lại việc công ty...

Lúc mới chuyển về công ty của chồng, bằng linh cảm, tôi đã nhận ra một vài ánh mắt dò xét mình. Một lần, tình cờ tôi nghe được câu chuyện giữa một số nhân viên văn phòng. Thì ra, họ nghĩ anh “điều” tôi về đây là để canh chừng mọi người. Rồi họ còn bảo nhau: “Lệnh ông không bằng cồng bà, lo mà o bế sếp bà đi”. Trên đường đi làm về, tôi mang chuyện này ra kể với chồng với mong muốn anh tìm cách giải tỏa tâm lý cho nhân viên. Anh cười, bảo: “Đúng là phụ nữ hay lo xa thật. Nhưng chuyện đâu còn có đó, em yên tâm đi”.

Trong cuộc họp với các trưởng bộ phận sau khi tôi về được khoảng hơn một tuần, anh đã khéo léo nhấn mạnh rằng mọi việc đã được phân công cụ thể, ai việc nấy, cứ thế mà làm, có khó khăn gì thì trực tiếp trao đổi với tổng giám đốc. Quay sang tôi, anh nói với mọi người: “V.Y sẽ phụ trách bộ phận marketing, sau khi anh N.Q được điều ra làm trưởng đại diện ở phía Bắc. Trong quá trình làm quen với công việc, nếu cần sự giúp đỡ thì liên hệ với giám đốc nhân sự”. Nói rồi, “sếp chồng” đề nghị mọi người, trong đó có tôi, tiếp tục bàn bạc công việc còn lại, còn anh xin lỗi phải đi trước vì có một cuộc hẹn với đối tác.

Vì làm chung một công ty nên chúng tôi thường cùng đưa con đi học, cùng ăn sáng, trước khi tới văn phòng. Cảm giác sáng sáng cùng nhau nhâm nhi li cà phê thật thú vị. Có những chuyện khó nói ở công ty, ở nhà, chúng tôi đều có thể nói với nhau ở đây. Hôm nào thư thả một chút, chúng tôi lại gọi bạn bè tới ngồi chung. H.V lại “đáo để” hỏi: “Suốt ngày cặp kè mà chưa chán nhau à?”. Nào ngờ, “sếp chồng” của tôi cũng “đáo để” không kém: “Ngược lại là đằng khác. Không tin, cứ thử đi rồi sẽ tâm phục khẩu phục”.

Gần 5 năm đã trôi qua, ý định chỉ về giúp anh một thời gian ngày nào nay đã trở thành vô thời hạn. Trong mắt tôi, “sếp chồng” vẫn đáng yêu, dù đôi lúc cũng nóng nảy, cũng bảo thủ trong một vài quyết định ở công ty. Dù chẳng dễ dàng gì, nhưng chúng tôi đã giữ được cam kết ban đầu: chuyện công ty phải giải quyết ở công ty, không mang không khí thương trường về nhà. Và anh vẫn nói vui với bạn bè tôi: “Ở công ty anh là sếp, nhưng ở nhà thì ngược lại”. Có thể câu nói này có vẻ “mật ong” một chút, nhưng luôn làm vui lòng cả hai.

Trong một lần giao lưu với sinh viên, có một bạn trẻ đã hỏi tôi: “Người ta bảo vợ chồng làm chung lợi thì có lợi, nhưng cũng mệt mỏi lắm, chị thấy sao?”. Tôi đã trả lời rất thật lòng thế này: “Cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Nhưng đã là vợ chồng thì phải hiểu điểm mạnh, điểm yếu của nhau để có sự ứng xử phù hợp trên tinh thần tôn trọng và bao dung. Với cá nhân tôi thì thuận lợi vẫn nhiều hơn”.

Thực tế cho thấy, cái tôi của ai cũng... to đùng, đặc biệt là doanh nhân. Nếu chỉ vì muốn thỏa mãn cái tôi cá nhân mà đâm ra chấp nhặt chi li thì sống chung cũng khó, nói gì đến làm chung. Vì vợ chồng tuy hai mà một, tuy một mà hai. Nếu chúng ta có thể chịu đựng hoặc bỏ qua được những khiếm khuyết (nếu có) của “sếp bình thường” thì tại sao lại không thể làm thế với “sếp chồng”?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi chồng là... sếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO