"Đường nhỏ mở lối đi lớn"

PHƯƠNG QUYÊN thực hiện| 15/04/2010 04:10

Giản dị đến mức xuề xòa, lắm hôm, râu cũng chả buồn cạo, anh bảo, người ta nhận ra một doanh nhân vì sự khác biệt trong kinh doanh chứ không vì hình thức.

Giản dị đến mức xuề xòa, lắm hôm, râu cũng chả buồn cạo, anh bảo, người ta nhận ra một doanh nhân vì sự khác biệt trong kinh doanh chứ không vì hình thức.

Năm 2009, trong khi toàn ngành dậm chân tại chỗ vì thu chỉ vừa đủ bù chi, đơn hàng từ nước ngoài mãi đến cuối năm mới có, thì Gia Long lại thắng lớn, doanh số tăng 50% bởi dám đi con đường nhỏ: mạnh dạn bỏ tìm kiếm đơn hàng từ nước ngoài, bám lấy thị trường trong nước dù phải đầu tư lại thiết kế, cải tiến lại quy trình sản xuất...

Ít nói về mình nhưng khi được hỏi về nghề, anh như chiếc radio bắt đúng tần số, mê mải nói từ chuyện đầu tư thiết kế, đến liên kết các đơn vị rồi đến tìm đường cho sản phẩm...

Bài học từ sự khác biệt

* Chọn học marketting, sống khỏe với công ty truyền thông của riêng mình, có phiêu lưu lắm không khi anh bỏ tất cả, tay ngang đầu tư vào thủ công mỹ nghệ?

Ảnh Quý Hòa và TL TVT

- Tôi làm truyền thông nhưng lại rất ngại giao tiếp, ngại bù khú... Đó là sai lầm đầu tiên và lớn nhất của tôi khi bước vào kinh doanh. Công ty truyền thông của tôi không thất bại nhưng nó cũng không lớn lên được vì chủ của nó không mở rộng quan hệ để tìm thêm đối tác. Tôi may mắn có rất nhiều cộng sự thân tín có chuyên môn cao trong ngành mỹ nghệ. Khi tiếp xúc, thấy được tiềm năng khá cao nên tôi tìm hiểu thị trường và đầu tư.

* Vậy còn lựa chọn trở thành hội viên của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa)...?

- Ông bà ta dạy chẳng sai: Buôn có bạn, bán có phường. Doanh nghiệp càng gần gũi nhau, càng thuận lợi cho công việc bởi có người để mình học tập, có đối tác để mình bàn luận và cùng nhau làm. Tôi chỉ mới nghiệm ra được điều này vài năm trở lại đây. Kết quả kinh doanh của Gia Long từ khi tôi chịu giao tiếp phần nào khả quan hơn là nhờ anh em trong ngành giới thiệu đấy.

* Nhưng hỗ trợ từ bên ngoài chỉ là một yếu tố phụ?

- Chính xác! Tôi vào nghề khi thủ công mỹ nghệ đang ở mức suy thoái. Các đại gia như Lam Sơn, Phương Nam... đều ngừng hoạt động hoặc chuyển công năng sản xuất, chủ yếu lấy hàng từ các đơn vị sản xuất nhỏ rồi bán lại dưới thương hiệu của mình. May mắn, tôi phát hiện ra composite, chất liệu khá rẻ, có khả năng tạo dáng tốt và bền, rất thích hợp cho sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

Từ composite có thể làm những mặt hàng giả gỗ, giả đá, giả đồng... tùy thuộc vào sự sáng tạo của người thiết kế.Nếu không biết đến composite, quanh quẩn với sơn mài, có lẽ tôi chẳng dám liều như vậy! Dù chỉ là thử sức, nhưng yếu tố khác biệt này chính là chìa khóa trong kinh doanh.

* Đến nay, khi tư nhân đã bắt đầu nhập cuộc xông xáo hơn thì sao?

- Nói thật, ngành thủ công mỹ nghệ của Việt Nam hiện nay vẫn loay hoay với những hướng đi tự phát của mỗi đơn vị. Như sơn mài chẳng hạn, mười năm qua kể từ khi tôi gia nhập, mẫu mã các sản phẩm vẫn không có gì thay đổi. Du khách đến Việt Nam cũng như người Việt muốn mua quà tặng là sản phẩm thủ công đặc trưng cũng không biết mua gì vì đâu có sản phẩm mới. Các đơn vị cạnh tranh bằng chính sách giá khiến hàng mỹ nghệ Việt rẻ và chất lượng thì thấp.

Sơn mài chẳng hạn, gia công theo số nhiều, không đủ quy trình nên khi đem sang các nước châu Âu bị nứt và bể nên khách hàng dần quay lưng. Chỉ một năm trở lại đây, các đơn vị sản xuất mới tập trung vào đầu tư cho thiết kế, thị trường mới bắt đầu có những gam màu mới.

* Nghĩa là thủ công mỹ nghệ chỉ có thể tồn tại khi đầu tư vào thiết kế?

- Trong giai đoạn hiện nay, thiết kế là yếu tố quyết định. Người dùng thay sản phẩm trang trí theo mùa, theo mẫu mới... Sản xuất, gia công thường tạo ra giá trị gia tăng rất ít. Tôi không đơn thuần khai thác công năng sản phẩm mà còn khai thác giá trị thẩm mỹ của nó. Đó cũng là sự khác biệt!

“Thị trường nội địa cực kỳ hấp dẫn!”

* Liệu có hiệu quả không khi thiết kế, sáng tạo của Thái Lan mạnh hơn Việt Nam rất nhiều?

Làm việc với khách hàng tại Hội chợ Gift & Fashion Accessories 2009 tổ chức ở Nhật

- Các mặt hàng thủ công của Thái Lan mạnh về thiết kế nhưng giá thành lại cao. Sản xuất tại Trung Quốc rẻ nhưng nhận sản xuất hàng loạt. Trong khu vực, Việt Nam chấp nhận sản xuất thủ công với giá khá mềm, ít biến động về giá. Khách hàng châu Âu đặc biệt thích hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam vì tay nghề thợ thủ công và chất lượng hàng hóa, ổn định trong sản xuất. Khi khủng hoảng kinh tế tạm thời được chế ngự, lập tức đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ đã có đơn đặt hàng trở lại.

* Xuất khẩu vẫn tiềm năng như thế nhưng hình như anh đang đi “ngược gió”?

- Tôi không rời bỏ xuất khẩu nhưng chú trọng hơn vào thị trường nội địa. Trong năm 2009, nhờ thị trường này mà Gia Long tăng trưởng đến 50%. Người Việt rất thích dùng hàng Việt, chỉ cần hàng có chất lượng là họ ưu tiên lựa chọn. Vào dịp cuối năm, những hộp mứt, lịch treo tường có thiết kế tranh đính kèm của Gia Long sản xuất không kịp để cung cấp. Thậm chí, khách hàng mua hết hàng ở cửa hàng trưng bày! Nếu không có biến động ở thị trường xuất khẩu, có lẽ tôi còn chưa biết khai thác thị trường đầy tiềm năng này.

* Có gì trái ngược không khi anh khai thác giá trị thẩm mỹ trong khi tâm lý người Việt thích “ăn chắc, mặc bền”?

- Thời ấy qua rồi. Người Việt bây giờ chịu dùng hàng phân khúc cao cấp. Thành viên của Hawa cùng nhau đầu tư thị trường trong nước là vì vậy.

* Nhưng từ khi tuyên bố đến nay, công việc liên kết, lấy lại thị trường trong nước vẫn còn bỏ ngỏ. Đại gia nào cũng bận rộn với những đơn hàng từ nước ngoài?

Bên vợ con

- Cả mô hình sản xuất đã quen với hoạt động xuất khẩu, thay đổi cho phù hợp với sản xuất nhỏ lẻ, phục vụ thị trường trong nước rất khó. Thiếu mặt bằng trưng bày sản phẩm, thiếu hệ thống phân phối... khắc phục tất cả những điều này phải cần có thời gian.

* Gia Long thích nghi với điều này thế nào để chuyển từ sản xuất hàng loạt với ít mẫu mã chuyển sang sản xuất ít nhưng mẫu mã đa dạng?

- Ban đầu, quả là khó khăn khi tôi phải bắt đội ngũ thiết kế làm việc nhiều hơn và chẻ nhỏ quy trình sản xuất. Từ thiết kế, điêu khắc, lên khung... trải qua nhiều công đoạn, sản phẩm mới được hoàn chỉnh, nhưng khi sản xuất số lượng nhỏ, công nhân vừa quen mẫu mã này đã phải bắt tay vào làm mẫu khác tất yếu sẽ khó chịu. Thế nhưng, nhờ cách này mà sản phẩm của Gia Long mới được đón nhận. Nghiên cứu thị trường trong năm vừa qua, tôi tình cờ phát hiện, khách hàng không thích các sản phẩm đại trà mà thích những sản phẩm sản xuất hạn chế, nhất là những mặt hàng làm bằng thủ công.

* Được biết, đã có thời gian Gia Long chỉ tập trung gia công cho một công ty nước ngoài?

- Thoạt đầu đó là một sai lầm của tôi. Khi thành lập công ty, tôi đã định hướng hai năm sau phải tham gia xuất khẩu, nên khi nhận được sự ngỏ ý từ IKEA, tập đoàn kinh doanh sản phẩm nội thất lớn trên thế giới, tôi đã dồn sức hết cho sự hợp tác này. Đáng tiếc, công suất công ty không thể đáp ứng được những đòi hỏi quá lớn từ tập đoàn này.

* Kết quả là...?

- Hai năm đầu tư cho dự án, đi khắp nơi để học hỏi quy chuẩn của IKEA, kể cả việc đóng gói, tôi đầu tư cho dự án này hơn 20.000USD. Mới thấy, tham gia xuất khẩu khi không đủ tiềm lực rất dễ “chết”. Nhưng bù lại, tôi biết cách làm nên các sản phẩm nhỏ, nhẹ hơn... thuận lợi cho việc di chuyển. Bây giờ tôi lại cám ơn IKEA vì họ đã giúp tôi chọn được ngã rẽ quan trọng.

Tìm hướng đi mới

* Đã tập trung vào thị trường trong nước nhưng nếu chỉ phân phối hệ thống các cửa hàng nội thất như hiện nay, anh có ngại rằng mình sẽ bước lùi?

Công nhân tại xưởng vẽ

- Tất nhiên là có. Ngoài hệ thống các cửa hàng trưng bày, hiện khách sạn, resort là nơi sử dụng nhiều sản phẩm trang trí nhất. Tiềm năng của phân khúc này rất lớn. Tôi đang chú trọng phát triển theo hướng này. Tuy nhiên, khi một công trình được khởi công, đã có đội ngũ chuyên gia “thầu” phần làm đẹp cho công trình... để len lỏi vào lĩnh vực này không dễ. Gia Long không sản xuất những bộ sưu tập riêng, nhỏ lẻ mà sản xuất hàng loạt. Do đó, sản phẩm của chúng tôi phải thích hợp với nhiều không gian khác nhau mới có thể thuyết phục được khách hàng. Đó là đòi hỏi khó.

* Hiện các siêu thị điện máy đang mở rộng lĩnh vực kinh doanh đồ nội thất. Anh đánh giá tiềm năng của kênh phân phối này thế nào?

- Đó là hướng đi mới của các trung tâm kinh doanh hàng điện máy. Xu hướng tạo nên một không gian có khả năng cung cấp tất cả vật dụng cho một ngôi nhà mới của thế giới đang manh nha tại Việt Nam theo hình thức này. Tuy nhiên, hiện tại thì kênh phân phối này vẫn chưa hiệu quả bởi rất ít người vào trung tâm điện máy để mua đồ nội thất. Trong tương lai, khi các trung tâm điện máy phát triển, khả năng ấy sẽ rất khác.

* Tháng 6 này, Gia Long là một trong ba đại diện Việt Nam tham dự Triển lãm hàng trang trí nội thất Interior Lifestyle 2010, diễn ra tại Tokyo?

- Đây là lần thứ hai Gia Long được Trung tâm ASEAN - Japan chọn tài trợ, có lẽ nhờ ý tưởng thiết kế mới theo bộ sưu tập với các sản phẩm trang trí home décor trong không gian nội thất đồng nhất mô-típ. Đây là dịp để tôi nâng cao tay nghề.

* Để yên tâm "nâng cao tay nghề" hình như sau lưng anh có một hậu phương rất vững chắc?

- Tôi may mắn có được người vợ là người nghiên cứu trong ngành, nắm rất vững chuyên môn. Cô ấy thực sự là hậu phương tốt của tôi. Thế nhưng, cả hai đều có vai trò riêng trong gây dựng sự nghiệp. Chúng tôi cần nhau cả trong sự nghiệp lẫn đời thường.

* Và cả hai cùng đầu tư cho hai thiên thần bé bỏng?

- Nhà tôi mới đón thêm một thành viên nữa. Nhịp sống lại thêm một lần xáo trộn vì thành viên này nhưng đó cũng là một niềm vui mới được thắp lên. Hằng ngày, câu chuyện của chúng tôi xoay quanh những đứa con, về dự định chăm lo cho chúng. Đó thực sự là những giây phút tuyệt vời khi tôi tạm quên thương trường.

* Xin cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Đường nhỏ mở lối đi lớn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO