Đi - về giữa nghệ thuật và kinh doanh

QUẾ DƯƠNG (Thực hiện) - Ảnh: CÔNG TOẠI - QUÝ HÒA| 25/02/2010 09:17

Tôi mới đi được nửa đoạn đường thôi nên vẫn còn háo hức và “biết sợ” nhiều thứ lắm. Cũng vì còn “biết sợ” mà tôi luôn phải cẩn trọng và suy xét thấu đáo trong mọi bước đi tiếp theo”...

Đi - về giữa nghệ thuật và kinh doanh

Với tôi, Sĩ Hoàng là người vừa quen, vừa lạ. Quen vì tôi biết anh từ những ngày mới chập chững vào nghề báo; vì đã cùng anh rong ruổi hết biên giới Tây Ninh, An Giang, Bình Phước đến những vùng quê nghèo của Quảng Nam, Quảng Ngãi trong các chương trình từ thiện của CLB Doanh nhân Sài Gòn; vì tôi có thể ngồi hàng giờ nghe anh chia sẻ về nghề, về niềm đam mê bất tận với áo dài và gốm...

Còn lạ vì anh là một “cây ý tưởng”, vì trong mỗi câu chuyện anh luôn dắt tôi đi từ ngạc nhiên này đến thú vị khác. Và lần gặp gỡ này cũng vậy, anh háo hức nói về một dự án mới - mở trường chuyên dạy về tư duy sáng tạo. Anh chia sẻ:

- Năm 2010 là cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của tôi. Sau một thời gian dài gắn bó với lĩnh vực thiết kế thời trang, tôi quyết định trở về với xuất phát điểm của mình: nhà giáo. Đa phần công chúng chỉ biết tôi ở cương vị họa sĩ thiết kế thời trang, chứ ít ai biết tôi đã từng đứng trên bục giảng của Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM gần 15 năm.

Để phục vụ cho “hành trình trở về” này, tôi đã có sự chuẩn bị cách đây tám năm. Tôi mua đất, từng bước xây dựng cơ sở vật chất cho dự án mở trường song song với việc hoàn thiện các hạng mục của nhà vườn Long Thuận ở quận 9. Riêng năm 2009 vừa qua là năm tôi tập trung xây dựng nền tảng cơ bản cho kế hoạch 20 năm tới. Nghĩa là, bắt đầu từ năm nay, tôi sẽ dành nhiều thời gian và tâm huyết nhất cho lĩnh vực giáo dục. Thời đại càng phát triển thì vấn đề tư duy sáng tạo càng “lên ngôi”. Tôi xác định chỉ dạy về tư duy sáng tạo vì cùng với tâm lý học con người, đây được xem là môn học mang tính nền tảng của tất cả các ngành nghề.

* Anh sẽ trực tiếp đứng lớp chứ? Cụ thể là học viên sẽ được trang bị những kiến thức và kỹ năng gì?

- Đây là một dự án liên kết giữa tôi và Khoa Du lịch - Marketing của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Phía nhà trường chịu trách nhiệm về tổ chức, chiêu sinh. Tôi lo mặt bằng và trực tiếp giảng dạy cùng với một số chuyên gia trong và ngoài nước. Đối tượng mà chúng tôi nhắm tới là trẻ em và các em sẽ được học về phương pháp tư duy hệ thống, tư duy sáng tạo của Tony Buzan; học về kỹ năng sống (làm việc theo nhóm, chủ động, biết thích nghi...) và sáng tạo nghệ thuật (nhiếp ảnh, hội họa, biểu diễn...). Sở dĩ tôi chọn địa điểm hơi xa trung tâm để mở trường là vì muốn tạo điều kiện cho các em được giao tiếp với thiên nhiên, khám phá những điều thú vị từ thiên nhiên như tiếng chim hót, tiếng gà gáy sáng hay không khí trong lành và dịu ngọt trong sắc màu của hoa lá, cỏ cây. Khóa học đầu tiên với chủ đề Hội trại Tết “Về quê - Học tư duy” diễn ra trong ba ngày (từ 7 - 9/2), quy tụ 60 em.

* Tôi có cảm giác như sự “trở về” với nghề giáo của anh lần này còn có một nguyên nhân “thầm kín” nào đó...

- Tôi bắt đầu làm công việc của một nhà giáo từ khi còn là cậu thiếu niên 16 tuổi. Ngày ấy, tôi tham gia chương trình xóa mù chữ do phường Tân Định, quận 1 phát động. Tôi xung phong dạy lớp 3 (buổi tối) và học viên của tôi đa phần là những người buôn thúng bán mẹt ở chợ Tân Định. Vì mưu sinh, bề ngoài họ có vẻ dữ dằn, bỗ bã vậy đó, nhưng khi tới lớp thì rất dễ thương, tình cảm, chất phác trong cách cư xử. Những năm 1979 - 1980, cả nước đều khó khăn mà tối nào tan học, trong giỏ xe đạp của tôi cũng có khi thì mớ rau, khi thì vài cái bánh ú hay con cá - quà tặng của “học trò”. Tôi đòi trả lại, họ bảo: “Thầy gầy quá, đi dạy có lương bổng gì đâu, tụi tui đi bán, nhín chút cho thầy bồi dưỡng”. Có lần tôi bệnh, họ kéo tới tận nhà, người mua lá xông, người mang cháo...

Trong một chương trình từ thiện

Tình người quả là mênh mông, không phân biệt sang hèn và thật cảm động. Và chính từ những ngày tháng được cho và nhận ấy mà tôi đã tự hứa rằng sau này sẽ chọn nghề giáo. Khi đã là sinh viên, dù bận học nhưng tôi vẫn dành thời gian đi dạy vẽ ở Nhà Văn hóa Thanh niên. Rồi sau này, tuy không còn là giảng viên chính thức của Trường Đại học Kiến trúc nữa nhưng tôi vẫn thỉnh giảng ở một số trường như Đại học Bách khoa TP.HCM, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Đại học Hoa Sen. Quả thật, cho đến giờ, bục giảng vẫn luôn có sức hút đặc biệt đối với tôi.

* Năm 2009, không chỉ là một nhà thiết kế thời trang có nhiều bộ sưu tập được chú ý mà anh còn giữ được doanh số ổn định cho công ty. Xem ra, Sĩ Hoàng rất có kinh nghiệm trong việc dung hòa giữa cái “bay bổng” của nghệ thuật với sự “lạnh lùng” của kinh doanh?

- Một nhà doanh nghiệp muốn thành công thì phải biết phân bổ hợp lý giữa kỹ năng quản lý và tư duy sáng tạo. Theo quan điểm của tôi, tỷ lệ ấy là 30/70. Trong đó, kỹ năng quản lý chiếm 30% và tư duy sáng tạo chiếm 70%.

Với tôi, không hề có sự mâu thuẫn giữa cái “bay bổng” của nghệ thuật và sự “lạnh lùng” của kinh doanh. Cái chính là phải “phân thân” theo nguyên tắc linh hoạt và ứng biến. Phải tùy từng vụ việc cụ thể, thời điểm cụ thể mà xác định mức độ ưu tiên, chứ không thể lúc nào cũng làm theo công thức 50/50 được. Qua kinh nghiệm của chính mình, tôi thấy rằng, giữa nghệ thuật và kinh doanh luôn có sự bổ trợ cho nhau. Chẳng thế mà người ta lại gọi là nghệ thuật kinh doanh, nghệ thuật quản lý, nghệ thuật marketing?

Trong năm nay, cùng với việc tập trung cho lĩnh vực giáo dục, tôi sẽ tiếp tục đầu tư cho dự án nhà vườn Long Thuận và cao ốc văn phòng ở đường Lê Văn Sĩ. Mơ ước của tôi trong năm năm tới là xây dựng một khu trưng bày triển lãm, một nhà hát dân tộc và một không gian riêng, hiện đại, tiện nghi cho các nhà thiết kế. Cái tôi muốn bán trong tương lai là chất xám, mà cụ thể là thiết kế mẫu vải, đồng phục văn phòng và trang phục điện ảnh, sân khấu. Đây có thể xem là bước chuẩn bị để đón đầu cơ hội trong kinh doanh của tôi.

* Triển khai đồng thời nhiều kế hoạch như vậy, liệu anh có đủ thời gian cho sự sáng tạo nghệ thuật?

- Rất may là vẫn còn! Trong sáng tạo nghệ thuật, trước đây tôi thường làm theo cảm hứng, nhưng giờ thì đã biết làm theo kế hoạch và nhu cầu thúc ép của thị trường. Thay vì chờ cảm xúc đến thì giờ đây tôi chủ động đi tìm nó. Thời gian tới, tôi sẽ đi và gặp gỡ nhiều người để nạp thêm “năng lượng” theo phương châm học mười để biết một. Và từ cái biết một đó hy vọng sẽ làm được mười cái khác.

Trong đêm hội mừng xuân 2010 cùa CLB DNSG với tà áo dài do Sĩ Hoàng thiết kế

Tôi vẫn tiếp tục làm thời trang, nhưng sẽ làm theo hướng của một tác phẩm nghệ thuật, để đến khi khu trưng bày hoàn thiện thì sẽ đưa vào đó. Mặt khác, tôi muốn tập trung cho ý tưởng đưa áo dài Việt Nam ra thế giới. Có nghĩa là, các bộ sưu tập áo dài của tôi sẽ có sự dung hòa với văn hóa và phong cách ăn mặc của các nước.

* Nhưng như vậy liệu có làm mất đi bản sắc riêng của tà áo dài Việt Nam?

- Không hề. Vì về hình thức thì có thể thay đổi, nhưng “tinh thần” của tà áo dài (sự duyên dáng, lịch sự, nhã nhặn cùng vẻ đẹp giản dị, tinh tế) thì vẫn được bảo tồn. Tôi đã thực hiện được ba bộ sưu tập áo dài theo phong cách Nhật, Mỹ, Pháp và rất được người bản xứ ủng hộ. Tâm huyết của tôi là phải làm sao để người tiêu dùng các nước có thể mặc áo dài Việt Nam một cách thoải mái, tự nhiên trong đời thường chứ không phải chỉ để chụp hình lưu niệm. Quan sát từ thực tế cho thấy, chiếc áo ki-mô-nô của Nhật rất cầu kỳ, nhưng đã được “biến tấu” thành chiếc áo khoác ngủ mà ai cũng có thể mặc được. Sự hội nhập kiểu này cũng đáng khích lệ lắm chứ!

* Trong một bài viết gần đây nhất trên báo Xuân Doanh Nhân Sài Gòn, anh có viết rằng, “Đời người là một cuộc hành trình dài”. Hiện tại anh đã đi đến đoạn nào của cuộc hành trình ấy?

- Tôi mới đi được nửa đoạn đường thôi nên vẫn còn háo hức và “biết sợ” nhiều thứ lắm. Cũng vì còn “biết sợ” mà tôi luôn phải cẩn trọng và suy xét thấu đáo trong mọi bước đi tiếp theo.

“Với tôi, không hề có sự mâu thuẫn giữa cái “bay bổng” của nghệ thuật và sự “lạnh lùng” của kinh doanh. Cái chính là phải “phân thân” theo nguyên tắc linh hoạt và ứng biến. Phải tùy từng vụ việc cụ thể, thời điểm cụ thể mà xác định mức độ ưu tiên, chứ không thể lúc nào cũng làm theo công thức 50/50 được. Qua kinh nghiệm của chính mình, tôi thấy rằng, giữa nghệ thuật và kinh doanh luôn có sự bổ trợ cho nhau”.

Con người ta thật may mắn khi có nhiều người để học hỏi. Với tôi, đó là mẹ - một phụ nữ quyết đoán và giàu nghị lực; là thầy Lê Minh Ngữ - người dạy tôi học vẽ từ năm lên 9 tuổi; là GS. Trần Văn Khê - người cho tôi bài học quý về cách ứng xử chừng mực mà tinh tế, thâm sâu; là bà Tôn Nữ Thị Ninh - một nhà ngoại giao lịch lãm và uyên bác. Tôi còn chịu ảnh hưởng từ sách, đặc biệt là cuốn Đắc nhân tâm qua bản dịch của học giả Nguyễn Hiến Lê. Riêng trong kinh doanh, tôi rất ngưỡng mộ doanh nhân Lý Ngọc Minh về niềm đam mê với nghề và sự chân thành trong đối nhân xử thế.

Và còn rất nhiều điều thú vị nữa từ những người bình thường xung quanh mà tôi luôn chú tâm học hỏi. Chính những câu chuyện hay nhận xét rất thật, rất vô tư, không rào trước đón sau của mấy anh xe ôm, chị lao công, bác bảo vệ... đã giúp cho những ý tưởng sáng tạo nghệ thuật của tôi luôn tuơi mới. Có thể, họ chưa phải là khách hàng của tôi, nhưng họ là người cho tôi cảm xúc để sáng tạo ra những sản phẩm phục vụ đời sống.

* Sau hơn 20 năm “đắm đuối” với hội họa, thời trang và kinh doanh, đến giờ anh có thừa nhận mình là người giàu có theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng?

- Nếu xét về khía cạnh vật chất thì tôi vẫn là người thiếu trước hụt sau vì một số dự án còn dang dở, vẫn chưa có xe xịn để đi, nhà xịn để ở, quần áo thì tự may và ngay cả nhà vườn mới khai trương thì cũng dùng phục vụ cho công việc là chính. Nhưng, nếu xét về khía cạnh tinh thần thì tôi là người giàu có, thậm chí rất giàu vì tôi có nhiều bạn bè và được nhiều người giỏi quý mến. Chính những mối quan hệ vô giá này đã giúp tôi trở nên tự chủ trong giao tiếp và không bị lệ thuộc vào sự tác động của người khác.

* Vậy, với anh, sống có nghĩa là...?

- Được làm thật tốt điều mình muốn. Dĩ nhiên, cái muốn ở đây phải có lợi ích cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Và “được làm” cũng không có nghĩa là sẽ làm bằng mọi giá.

* Đi nhiều, tiếp xúc nhiều, điều gì của xã hội hiện nay khiến anh có cảm giác bất an?

- Tôi không an tâm vì đụng đến vấn đề gì cũng thấy bất ổn: giao thông ùn tắc, môi trường ô nhiễm, thực phẩm thiếu an toàn... Chính những nguyên nhân này đã khiến con người ta thiếu kềm chế, dễ cộc cằn, thô lỗ, thậm chí là “muốn nổ tung”.

* Thử tưởng tượng nhé: Nếu có đủ thẩm quyền giải quyết thì nhà thiết kế Sĩ Hoàng sẽ “quy hoạch lại” TP.HCM theo hướng nào?

- Biến vùng ven thành “đất lành” để mọi người háo hức tụ về. Khi đó, khu nội thành sẽ chỉ đóng vai trò trung tâm đầu não. Vấn đề là phải có tầm nhìn xa và cam kết kế thừa cho tầm nhìn xa đó.

* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đi - về giữa nghệ thuật và kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO