Chủ tịch HĐQT Trí Tri Group Lý Trường Chiến: "Đội ngũ doanh nhân trẻ là động lực tạo sức mạnh kinh tế quốc gia"

Vân Ly| 31/03/2020 09:00

Lý Trường Chiến thường được giới khởi nghiệp gọi là "Ông già Noel". Với triết lý "tam nghiệm" và khai phát "tứ năng", ông đã cố vấn và đỡ đầu cho nhiều doanh nghiệp và nhà sáng lập (founder) đi đến thành công.

Với vai trò Chủ tịch của Trí Tri Group, ông Lý Trường Chiến đã hỗ trợ thiết kế và triển khai chiến lược, kế hoạch kinh doanh cho nhiều đối tác trong và ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp được ông đồng hành tư vấn đã có mức tăng trưởng từ 80-300% hằng năm. Trong đó có một vài gương mặt trẻ thành công như:Tạ Minh Tuấn - một trong 30 người được Tạp chí Forbes chọn vào danh sách những người trẻ tuổi thành công và có sức ảnh hưởng nổi bật nhất khu vực châu Á, Đặng Thương Tín - CEO Always, Đỗ Nguyễn Thanh Đồng - CEO ACIS, Lê Việt Hồng - CEO Cloudjet Solutions...

Theo ông Lý Trường Chiến, khả năng cạnh tranh và vị trí của quốc gia hôm nay dựa vào năng lực kinh tế. Kinh tế phát triển cần đội ngũ doanh nhân mạnh và có ảnh hưởng lâu dài. Muốn vậy phải chú ý đào tạo, huấn luyện và phát triển người trẻ có khát vọng đẹp, biết sáng tạo giá trị cho cộng đồng. Đội ngũ doanh nhân trẻ là nền tảng và động lực tạo nên sức mạnh của nền kinh tế quốc gia.

Ông Lý Trường Chiến - Chủ tịch HĐQT Trí tri Group

Ông Lý Trường Chiến - Chủ tịch HĐQT Trí tri Group

* Khi tư vấn và đỡ đầu cho các startup, ông nhận thấy điều gì ở họ?

- Tôi nhận thấy một số bạn trẻ khởi nghiệp ngày nay có khát vọng nhưng thiếu tư duy. Dám dấn thân nhưng thiếu sáng tạo. Làm nhiệt tình mà thiếu tầm nhìn. Muốn phát triển mà thiếu năng lực. Yếu năng lực mà lười hoàn thiện. Nguồn lực kém mà làm dàn trải. Năng lực hạn chế mà phân tâm, phân tán.

Tuy nhiên, sức trẻ, việc ứng dụng công nghệ, hội nhập thị trường quốc tế đa văn hóa và quan tâm phát triển hài hòa với môi trường đang là đặc điểm và xu thế của giới khởi nghiệp quốc tế và Việt Nam hôm nay.

Kỷ nguyên công nghệ kết nối thì sức trẻ là rất quan trọng. Nhìn về tương lai, chúng ta cần bồi dưỡng, hỗ trợ đội ngũ doanh nhân trẻ có đạo đức, năng lực hội nhập kinh tế thế giới, phát triển kinh doanh sáng tạo và hợp tác ở thị trường quốc tế, có như vậy thì mới giúp kinh tế nước nhà phát triển bền vững.

* Từng là kỹ sư chế tạo máy, làm việc tại các công ty đa quốc gia, tại sao ông lại chọn lối rẽ là hỗ trợ khởi nghiệp mà không phải là tự khởi nghiệp?

- Tôi đã tự khởi nghiệp hơn 30 năm trước với thiết kế, chế tạo, lắp đặt máy móc, thiết bị và chuyển giao công nghệ cho một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo thời gian, nhận thức thời cuộc cùng cơ hội phát triển và điều kiện ở Việt Nam đầu tư và phát triển có giới hạn, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi công việc để thích ứng với hoàn cảnh thực tế. Với vốn sống, kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng và tư duy có được, tôi đang chia sẻ với nhiều doanh nhân, doanh chủ với mong muốn hiệu ứng lan tỏa nhiều lần so với một mình làm riêng cho mình.

Trong thời gian "khởi nghiệp" nghiên cứu, chế tạo đó, tôi cũng đã được giới chuyên môn và khách hàng ghi nhận với gần 20 giải thưởng sáng tạo khoa học - công nghệ của TP.HCM và toàn quốc.

Liên tục học hành và hoàn thiện trong lĩnh vực mới, tôi cùng đồng nghiệp đạt nhiều thành tựu, trở thành mô hình chuẩn trong lĩnh vực tiếp thị, phát triển khách hàng, quản lý dự án  và chuỗi cung ứng, quản trị tổng quát, chuyển đổi mô hình kinh doanh cho nhiều tổ chức, công ty sau này.

tro-chuyen-2-2151-1585562301.jpg

* Vậy thực chất lý do ông chuyển đổi chính là để thích nghi với thời cuộc?

- Đúng vậy! Nhận thấy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của loài người đi từ du canh du cư qua định canh định cư rồi tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ và tri thức nên mình ráng nâng tầm nội lực, đi nhanh, vượt trước để theo kịp tốc độ phát triển của người đi trước!

* Ông nghĩ sao khi có người cho rằng, tư vấn kinh doanh dễ hơn là tự khởi nghiệp?

- Góc nhìn của cá nhân có khi đúng, có lúc sai, có khi phiến diện. Đúng là tư vấn thì không nên và không được tham gia điều hành doanh nghiệp nên khó đánh giá. Nhưng như vậy đòi hỏi nhà tư vấn chuyên nghiệp làm rất nhiều khảo cứu, phân tích, chọn lọc để tìm giải pháp đúng, việc đó nhìn thì thấy dễ nhưng không dễ với rất nhiều người vì đòi hỏi năng lực tư duy. Ông bà ta dạy "một người lo bằng kho người làm" tư vấn tốt là người biết làm, đã làm, hiểu cách làm phù hợp với nguồn lực và hoàn cảnh doanh nghiệp, rồi chỉ dẫn cho người khác làm, để người tiếp nhận thực hành và chính họ lại nâng tầm cao hơn, kết quả tốt hơn.

* Ông thường chủ động tìm startup để tư vấn hay startup tự tìm đến ông?

- Nhà tư vấn tốt không dừng lại ở việc chỉ cách làm mà còn phải biết cách khai phát tư duy, nâng tầm quản trị để người tiếp nhận rèn luyện đến mức có kỹ năng vận hành doanh nghiệp tốt nhất. Cho đến nay thì các startup tìm đến tôi nhiều hơn, có lẽ do may mắn, trong quỹ thời gian hạn hẹp mà ai cũng có như nhau, tôi sẽ ưu tiên chọn lựa đội ngũ và dự án phù hợp.

* Ông còn là đối tác chiến lược của Quỹ FasterCapital để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp và những doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực ASEAN có định hướng về đổi mới, sáng tạo. Vậy công việc này có giúp ông hỗ trợ tốt hơn các startup mà ông đang tư vấn?

- FasterCapital và các nhà đầu tư trong mạng lưới của tôi rất mong muốn được tham gia đầu tư và đồng hành với đội ngũ và dự án mà tôi giới thiệu, hỗ trợ hay đỡ đầu. Đó cũng là cách tôi cung cấp thêm nguồn lực tài chính... không trực tiếp từ mình cho startup và dự án phù hợp có thể phát triển nhanh, mạnh, vững bền trong môi trường quốc tế và kỷ nguyên công nghệ hôm nay.

tro-chuyen-3-3119-1585562301.jpg

* Tư vấn cho các sáng lập viên của startup khác biệt và khó khăn thế nào so với việc tư vấn cho doanh nhân tại các doanh nghiệp lớn?

- Các startup founder thì số đông là trẻ, nhiệt huyết nhưng dễ nản. Với các doanh nghiệp lớn hơn thì tùy tâm trí, tầm tài doanh nhân, doanh chủ mà có sự khác biệt, bởi khi càng lớn họ càng giàu kinh nghiệm, kiên định (hay bảo thủ) hơn và có nguồn lực tốt hơn để chi trả hay hỗ trợ cho việc hiện thực hóa mục tiêu so với các startup founder.

Thực tế vẫn có những startup founder "trẻ" nhưng không "non", thể hiện được năng lực, bản lĩnh và ngày càng thành công, song song đó một số doanh nhân dù đã có tài sản hay vị trí nhưng lại bị hạn chế về tầm nhìn, khả năng thích ứng thay đổi, năng lực tư duy và tính kiên định.

* Tỷ lệ thành công của startup được thống kê là rất thấp, gần như 90% startup bị thất bại. Vậy tư vấn cho họ thì quyền lợi ông nhận được là gì?

- Theo thống kê, ở Việt Nam có đến hơn 95% startup thất bại trong 5 năm đầu, các nước thì khoảng 80-85%. May mắn là các doanh nhân và startup founder mà tôi đồng hành thì tỷ lệ thành công khá cao và phát triển bền vững. Về quyền lợi thì... tùy duyên. Cái này xin được... giữ riêng.

* Ông có thể tiết lộ vài startup mà ông nhận tư vấn giờ đã thành công?

- Nhiều mentee (người được cố vấn) đến nay tôi vẫn đồng hành với vai trò mentor (người cố vấn) một vài điển hình như Nguyễn Ảnh Nhượng Tống - Chủ tịch Yeah1, Tạ Minh Tuấn - Chủ tịch TMT Group, người lọt vào danh sách 30 Under 30 Asia 2016 của Forbes, Phạm Kiều Oanh - sáng lập và điều hành Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), Nguyễn Anh Hiền - CEO Công ty CP Thiết bị y sinh (BIOMEQ)...

* Niềm vui lớn nhất của một doanh nhân làm công việc tư vấn, đào tạo là gì, thưa ông?

- Niềm vui lớn nhất của người làm mentor là thấy được sự trưởng thành của doanh nhân, doanh chủ mà mình tư vấn, họ phát triển tốt đẹp, bền vững mà không còn phụ thuộc vào mình.

tro-chuyen-4-4338-1585562302.jpg

* Được biết, một số founder được ông đỡ đầu thường gọi ông bằng "sư phụ". Ông thích danh xưng này hơn hay muốn được gọi là doanh nhân?

- Trước tiên, ý nghĩa rộng nhất thì doanh nhân là người kinh doanh, còn "sư phụ" thì có phần trang trọng do tình cảm của cá nhân họ dành cho mình. Tôi là người chân thành, nghĩ mọi người cũng vậy, tôi tôn trọng mọi cách gọi và xưng hô của người khác dành cho mình, vì đó là cách người đó thấy thoải mái nhất trong giao tiếp, tôi luôn muốn tự nhiên để cảm nhận giao tiếp tích cực, chân thành dù thời gian đồng hành ngắn hay dài.

* Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng, ông có lời khuyên nào cho các startup Việt Nam?

- Chắc chắn Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực sâu rộng toàn cầu. Ở một góc nhìn khác, Covid-19 cũng có hiệu ứng tích cực, thức tỉnh người ta sống chậm hơn, quan tâm chăm sóc bản thân, gia đình, cộng đồng nhiều hơn, làm việc hiệu quả hơn, thay đổi mạnh mẽ hơn, sáng kiến, sáng tạo nhiều hơn. Trong nguy có cơ, vượt nguy thấy cơ, qua nguy đến cơ là vậy.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chủ tịch HĐQT Trí Tri Group Lý Trường Chiến: "Đội ngũ doanh nhân trẻ là động lực tạo sức mạnh kinh tế quốc gia"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO