Chủ động trồng cây tạo bóng mát

TỐ QUYÊN thực hiện| 29/11/2012 06:00

Được "cháy hết mình" trong môi trường marketing là điều làm cho Ngô Thanh Tùng luôn thấy phấn chấn và tự tin hơn khi làm việc.

Chủ động trồng cây tạo bóng mát

Được "cháy hết mình" trong môi trường marketing là điều làm cho Ngô Thanh Tùng luôn thấy phấn chấn và tự tin hơn khi làm việc. Chính lòng đam mê sáng tạo đã giúp anh bám nghề và vượt lên trên những áp lực từ nhiều phía. "Cảm xúc khi êkip thực hiện thành công một ý tưởng và nó đi vào trái tim người tiêu dùng là một sự thăng hoa khó diễn tả”, anh chia sẻ.

Cuộc trò chuyện giữa DNSG với anh Ngô Thanh Tùng được bắt đầu từ một đề tài... ngoài công việc: gia đình và con cái. Anh kể, nhiều khi phải tranh thủ họp hành hay chốt lại công việc trong các buổi ăn tối nên về nhà trễ, anh đã bị cậu con trai 5 tuổi "nghiêm khắc xử lý”: yêu cầu viết bản cam kết "không được uống bia".

"Cứ tưởng con nói qua quýt cho xong, ai dè sáng hôm sau, cu cậu kiểm tra xem ba đi làm có đem theo bản cam kết hay không. Bởi vì theo cậu, ba phải mang theo thì mới nhớ được những gì đã hứa với con", anh Tùng cười vui kể.

Chính những điều đơn giản dệt nên hạnh phúc gia đình ấy là động lực để anh vượt lên tất cả, để trở thành một Ngô Thanh Tùng với những thành công trong sự nghiệp hôm nay.

Ngã rẽ sự nghiệp

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM, Khoa Tài chính doanh nghiệp vào thời điểm chưa có nhiều doanh nghiệp, nên anh đành gác lại ước mơ trở thành một chuyên gia phân tích tài chính và tìm đến một ngã rẽ mới - marketing.

Rồi từ lúc nào không biết, anh đã bén duyên và "nghiện" marketing. Nền tảng kiến thức tài chính đã giúp luôn biết cách đặt vấn đề và quan tâm đến việc phân tích bài toán "tối ưu hoá hiệu quả trong chiến dịch marketing".

* Cơ duyên nào đã đưa anh đến với nghề marketing?

- Là sinh viên ngành tài chính nhưng khi ra trường tôi không tìm được doanh nghiệp nào có nhu cầu về phân tích tài chính, bởi nó là công việc quá mới mẻ vào thời điểm đó. Năm 1996, tôi được nhận làm cộng tác viên thu thập thông tin tại Công ty Nghiên cứu thị trường AC Nielsen.

Và đó như là một "định mệnh" đối với tôi. Là nhân viên điều tra thị trường, rong ruổi khắp các tỉnh thành để thu thập thông tin cho các khách hàng đa quốc gia, sau một thời gian ngắn, tôi được đề bạt lên nắm giữ các vị trí quản lý.

Chính khoảng thời gian "sống lâu với quần chúng" đã giúp tôi có những ý tưởng marketing đánh trúng tâm tư, nguyện vọng của nhóm khách hàng mục tiêu, mà thời gian gần đây mọi người thường gọi là "thấu hiểu tâm lý người tiêu dùng".

Năm 2005, khi các hoạt động tổ chức sự kiện, kích hoạt thương hiệu bắt đầu phát triển, cùng với một số anh em cộng sự, tôi mạnh dạn thành lập Activate và phát triển cho đến hôm nay.

* Nhưng hình như sáu năm sau khi thành lập, anh lại đưa Activate rẽ sang một hướng mới?

- Bạn đang nhắc đến sự kiện ngày 10/6/2011 của Activate? Đó là cột mốc khá quan trọng trong sự nghiệp của tôi. Tình hình kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng mạnh đến công việc kinh doanh bất động sản, chứng khoán, tài chính - ngân hàng và cả ngành hàng tiêu dùng.

Áp lực phải "thắt lưng buộc bụng" của các công ty ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp ngành tiếp thị. Activate cũng không thoát khỏi "cơn bạo bệnh" này.

Tôi quyết định tái cơ cấu toàn bộ công ty để tìm hướng phát triển mới cho phù hợp với yêu cầu khắc nghiệt của bối cảnh kinh tế thị trường. Tôi và các anh em chủ chốt của Activate đã có những ngày tháng vất vả, tranh luận gay gắt.

Cuối cùng chúng tôi quyết định lùi lại, quan sát rào cản sự chuyển động của thị trường và xây dựng lại "gói dịch vụ” giải cứu thị trường.

Mục tiêu ban đầu khi thành lập Activate vào năm 2005 là hướng đến việc cung cấp các dịch vụ marketing bao gồm kích hoạt thương hiệu (activation) và tổ chức các sự kiện (event).

Thế nhưng, bài toán của khách hàng ngày nay không đơn giản là thực hiện các chương trình kích hoạt/event cho "đông, vui và xôm tụ”. Thách thức đặt ra là phải có những hoạt động kích hoạt thương hiệu "forget me not" vừa phải giữ vững sức mạnh thương hiệu, vừa phải tạo được doanh số bán hàng với chi phí thấp nhất.

Bên cạnh các công ty đa quốc gia, tôi thấy rằng đây cũng là lúc các doanh nghiệp trong nước vươn lên và xây dựng lại bài toán thị trường nội địa cho người tiêu dùng Việt. Tâm sự nhiều với các doanh nghiệp Việt, tôi nhận ra rằng lãnh đạo các doanh nghiệp "nội" luôn canh cánh hoài bão "chắp cánh thương hiệu Việt".

Có sẵn trong tay nguồn lực, bí quyết kinh doanh và tâm huyết, lãnh đạo doanh nghiệp chỉ cần thêm một đội ngũ tư vấn "đồng chí hướng" và "đi đến hết con đường" để đưa ra những sản phẩm mới. Các hoài bão này "đóng băng" vì chi phí cho các giám đốc marketing nước ngoài rất cao.

Họ phải mất một thời gian dài mới "phiêu" được thị trường. Hơn nữa cách làm việc nặng về qui trình đôi khi trói chân các dự án lớn. Thế thì, tại sao Activate không nhảy vào "cuộc chơi" này?

* Và kết quả là...?

- Không có con đường nào tự dưng có bóng mát cho ta đi. Muốn có bóng mát, phải chủ động trồng cây.

Lúc này, chính khả năng phân tích và "bắt con số phải có tiếng nói" của một người học ngành tài chính, cộng với kinh nghiệm "sống lâu trong quần chúng" đã giúp tôi "phá băng" bằng những kế hoạch marketing đậm nét văn hóa tiêu dùng Việt.

Khách hàng tìm được giải pháp cho bài toán marketing, còn Activate thì học được bí quyết phá băng và sẽ tiếp tục phá băng. Tôi nghĩ đó là kết quả ban đầu mà Activate nhận được.

Chủ động "phá băng"

Bối cảnh thị trường đảo chiều năm 2010 và lạm phát trong chi phí truyền thông đại chúng dẫn đến hệ lụy: muốn tồn tại thì các doanh nghiệp phải sử dụng biện pháp phát triển bền vững. Thách thức lại đặt ra cho Ngô Thanh Tùng: Đâu là "bài thuốc tốt" cho các thương hiệu trong giai đoạn này?

* Hơn một năm sau "biến cố 2011", có vẻ anh đã lấy lại phong độ cho bản thân và cho Activate?

- Chính cách chủ động phá băng đã giúp tôi lấy lại phong độ cho mình, cho cả Activate.

* Bằng cách như thế nào, thưa anh?

- Hiện nay, khách hàng đòi hỏi một mô hình kinh doanh, truyền thông và tiếp thị mới nhằm đảm bảo được mục tiêu sức mạnh thương hiệu và giúp bán hàng. Theo tôi, chiến lược marketing phải được xây dựng theo thế "kiềng ba chân" bao gồm Activation (các hoạt động kích hoạt thương hiệu), PR và truyền thông kỹ thuật số.

* Anh đã tư vấn áp dụng chiến lược này cho những doanh nghiệp, nhãn hàng cụ thể nào?

- Activate đồng hành cùng một số chiến dịch marketing của những nhãn hiệu như Vinamilk, Nestle, Mead Johnson, Tetra pak, Diageo, Qualcomm, Yahoo!, Nokia… Chúng tôi rất mong muốn được triển khai mạnh mẽ hơn nữa mô hình này cho nhiều khách hàng nữa.

* Công ty đa quốc gia và công ty trong nước ít nhiều sẽ có khác nhau trong văn hóa doanh nghiệp. Liệu Activate có gặp khó khăn khi chuyển hướng sang cung cấp dịch vụ marketing cho doanh nghiệp Việt Nam không?

- Trong lĩnh vực marketing, yếu tố niềm tin sẽ quyết định rất lớn đến tính thành công của dự án. Activate ý thức rằng, chiến lược marketing sẽ ảnh hưởng đến sự sống còn của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong thời điểm hiện nay, cần phải có một êkip marketing chuyên nghiệp và một chiến dịch marketing hiệu quả với mức chi phí vừa phải. Activate cũng là doanh nghiệp Việt Nam, vậy thì không có lý do gì chúng tôi không hiểu văn hoá doanh nghiệp trong nước khi thực hiện các chiến dịch marketing.

* Một lời khuyên ngắn gọn dành cho các doanh nghiệp Việt Nam khi triển khai các kế hoạch marketing hiện nay, theo anh?

- Làm marketing phải theo sát tình hình và bối cảnh chung để có những điều chỉnh kịp thời và phù hợp. Theo tôi, hiện nay chưa phải là thời điểm đẹp để đưa ra những chiến lược marketing bành trướng.

Nếu được, nên nghĩ đến những chiến lược mang tính bảo toàn. Mình "tồn tại", trong khi người ta đang "mất đi", cũng có nghĩa là mình đang "phát triển".

* Câu hỏi cuối, bí quyết để anh có thể kết hợp tốt với doanh nghiệp Việt Nam khi làm marketing?

- Nhiệt tâm và chủ động phá băng.

Buổi trò chuyện tạm dừng nhưng nguyên tắc chân tình và nghệ thuật thấu hiểu tâm lý trong cách làm việc cũng như trong cuộc sống mà Ngô Thanh Tùng đang áp dụng như mở ra trong chúng ta dòng suy nghĩ tích cực hơn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chủ động trồng cây tạo bóng mát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO