1. "Sao việc nhiều thế? Tại sao tôi phải làm XYZ...?"
Nhân viên làm việc kém hiệu quả là những nhân vật thường xuyên ca cẩm và phàn nàn. Thay vì dành thời gian nghiên cứu cách làm việc tốt hơn, họ than vãn với đồng nghiệp khác về cường độ công việc hiện tại của mình. Dường như mọi công việc được giao cho họ đều có thể phát sinh vấn đề từ nhỏ nhặt nhất đến nghiêm trọng nhất, ảnh hưởng hiệu suất làm việc của cả nhóm hay cả bộ phận.
2. "Tôi nghĩ vấn đề này là do ABC/XYZ…"
Có một kiểu nhân viên sẽ không bao giờ nhận trách nhiệm về việc mình làm. Thay vào đó, họ thường đưa ra lời bào chữa hay ngụy biện cho sai lầm của mình. Thậm chí, họ sẵn sàng đổ lỗi cho người khác để gánh trách nhiệm thay mình. Với những nhân viên như vậy, khả năng "tồn tại" trong một công ty lâu dài là "viển vông".
3. "Tại sao tôi phải giúp anh/chị ấy làm điều này?"
Khi một dự án hoặc một công việc mới bắt đầu, điều nhà quản lý muốn là sự nhiệt tình và chủ động của nhân viên. Tuy nhiên, không phải nhân viên nào cũng có thể làm điều này. Một số người thường tỏ ra trì trệ và kém hào hứng khi bắt tay vào công việc. Thậm chí, họ từ chối giúp đỡ đồng nghiệp khác để đẩy nhanh tiến độ công việc. Điều này sẽ khiến không khí làm việc của cả nhóm/bộ phận chùng xuống.
4. "Bạn đã nghe chuyện về chị A, anh B chưa?"
Việc "buôn dưa" quá nhiều trong giờ làm việc sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của cả công ty. Nghiêm trọng hơn là sẽ ảnh hưởng đáng kể đến văn hóa công ty. Chưa kể, đối tượng được nhắc đến trong các câu chuyện "ngồi lê đôi mách" có thể là đồng nghiệp. Dĩ nhiên, họ sẽ không hài lòng khi có người thường xuyên nhắc về mình trong các cuộc tán gẫu.
5. "Sự thật là tôi đã làm điều này…"
Liệu bạn có muốn công ty có nhân viên hay nói dối? Việc truyền bá những câu chuyện, tin đồn hành lang kém chính xác và sai sự thật sẽ vô cùng nguy hiểm cho một tập thể. Những chuyện chưa được kiểm chứng rất dễ gây hoang mang và ảnh hưởng tinh thần của những nhân viên còn lại. Do đó, hãy cân nhắc thật kĩ nếu bạn nhìn thấy "tiềm năng" này của ứng viên tuyển dụng vào công ty.
6. "Tôi chỉ làm những công việc được giao"
Những nhân viên giỏi luôn chủ động đưa ra sáng kiến và ý tưởng mới đóng góp cho công ty. Ngược lại, có những nhân viên hoàn toàn bị động với những công việc mình được giao. Với họ, hoàn tất công việc của mình là đủ và không cần phải bận tâm đến những vấn đề khác. Những nhân viên ngại tìm kiếm và học hỏi sẽ gây trì trệ và sự thiếu năng động cho cả tập thể trong mọi tình huống.