Dù được đánh giá là thị trường tiềm năng, thế nhưng Liên minh châu Âu (EU) vẫn còn quá nhiều rào cản liên quan đến chất lượng sản phẩm khiến ngành điều Việt Nam luôn trăn trở khi xuất khẩu vào thị trường này.
Tuần qua, tại Hội thảo Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu điều nhân vào thị trường EU do Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) và Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên Việt Nam - EU phối hợp thực hiện, ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch VINACAS cho biết, tính đến thời điểm này, ngành điều Việt Nam đã có 11 năm giữ vị trí hàng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân.
Hiện Mỹ và châu Âu là hai thị trường chủ lực của ngành điều Việt Nam và sản lượng điều xuất khẩu luôn tăng đều qua các năm. Số liệu thống kê từ Công ty CP Tập đoàn Vinacontrol cho thấy, tỷ lệ xuất khẩu điều nhân vào thị trường EU năm 2014 chiếm 22,52% thị phần xuất khẩu điều nhân của Việt Nam, đến năm 2016 đã tăng lên 26,9%.
Quý I - 2017, Việt Nam đã xuất khẩu 29.252 tấn nhân điều trong tổng số 55.739 tấn nhân điều vào EU, chiếm 52,48% thị trường. Chưa dừng lại ở đó, các DN Việt Nam đang kỳ vọng sẽ nâng tỷ lệ xuất khẩu điều nhân vào thị trường EU năm 2017 lên 75%, chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu điều nhân Việt Nam năm 2017.
Một khảo sát chung từ phía VINACAS cũng cho thấy, nhu cầu tiêu thụ các loại hạt tại EU những năm gần đây đang có xu hướng tăng. Thời điểm này được đánh giá là cơ hội thuận lợi cho DN ngành điều Việt Nam tiếp tục mở rộng thị trường tại EU.
Tuy nhiên, dù kim ngạch xuất khẩu điều nhân Việt Nam đang ổn định, nhưng tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo các DN ngành điều đang tham gia xuất khẩu không nên chủ quan.
Bởi vì, thời gian qua, một số lô hàng xuất khẩu vào thị trường EU vẫn bị cơ quan quản lý cảnh báo khi phát hiện sản phẩm có lẫn sâu, mọt, nhân điều hư hỏng do côn trùng cắn phá, hoặc dư lượng thuốc khử trùng, tạp chất trong sản phẩm còn cao... Do đó, về lâu dài, ngành điều Việt Nam muốn giữ vững vị trí đòi hỏi các DN phải đổi mới sản xuất, hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn trong an toàn vệ sinh thực phẩm.
>>Vinacas đề xuất tiêu chuẩn cho DN xuất khẩu điều
Nói thêm về thị trường EU, ông Phạm Minh Trí - đại diện Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp - Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho hay, sau khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, người dân EU đã tiết kiệm hơn, đồng thời chuyển sang dùng những sản phẩm sinh thái, những sản phẩm có lợi cho sức khỏe.
Chính vì vậy, thị trường này vốn đã coi trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nay lại càng chú trọng hơn. Do đó, khi xuất khẩu hàng hóa vào EU, DN Việt Nam phải rất chú trọng yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm trong các công đoạn từ chế biến, đóng gói và cả hệ thống phân phối phải vừa đáp ứng tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa thân thiện với môi trường thông qua các chứng nhận được thị trường EU công nhận.
Đây được xem là yêu cầu rất cao đối với các DN Việt Nam muốn xuất khẩu hạt điều vào EU, bởi theo đại diện Công ty TNHH Cao Phát, thị trường EU đòi hỏi nhiều thủ tục về chứng nhận sự an toàn của hàng hóa. Nếu như thị trường Mỹ yêu cầu DN cung cấp khoảng 5 chứng nhận cho sản phẩm, thì thị trường châu Âu yêu cầu số lượng chứng nhận gần gấp đôi. Đòi hỏi cao nhưng khâu thanh toán lại chậm, nên khá áp lực cho các DN Việt.
Trước những đòi hỏi khắt khe đó, có ý kiến cho rằng, các địa phương đang có thế mạnh về cây điều và các DN sản xuất hạt điều trú đóng tại các địa phương này có nên xem xét việc đầu tư nhà máy khử trùng để DN khử sản phẩm trước khi xuất khẩu. Bởi theo phân tích, từng DN riêng lẻ không thể tự đầu tư nhà máy khử trùng mà cần có sự hợp lực của nhiều DN, hoặc có sự tham gia của chính quyền địa phương.
Phía VINACAS cho biết, do lâu nay điều nguyên liệu nhập về thường bị ẩm trong quá trình dự trữ nên mới sinh ra mối mọt. Chi phí đầu tư xây dựng một trạm xông khử trùng khoảng 12 tỷ đồng, trạm quy mô nhỏ cũng khoảng 7 - 8 tỷ đồng. Đây là số tiền không nhỏ, dù trích từ ngân sách địa phương hay do DN bỏ ra thì cũng vượt ngoài khả năng tài chính của các đơn vị.
Thế nên, để giải quyết vấn đề, VINACAS đã đưa ra giải pháp sân phơi có mái che, đồng thời hướng đến công nghệ sản xuất khép kín từ khâu đầu đến khâu cuối trong suốt quy trình. Với cách làm này, sản phẩm sẽ hạn chế được vấn đề mối mọt, không cần qua khâu xông khử trùng, nên sẽ giải quyết được cả vấn đề tồn dư thuốc khử trùng trong thành phẩm.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, các DN cũng đang rất lo ngại Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực. Khi đó, các sản phẩm nông sản xuất khẩu vào EU sẽ phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn cao về kỹ thuật, an toàn chất lượng.
Trước vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, DN sản xuất cần chuẩn bị tốt năng lực để đáp ứng được các tiêu chuẩn theo yêu cầu của EU về hàng rào vệ sinh dịch tễ SPS (Sanitary and Phytosanitary Measure - viết tắt là SPS: biện pháp kiểm dịch động thực vật) và xuất xứ nguồn gốc. Vì hiện nay Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu điều thô từ các nước, không chủ động chứng minh được xuất xứ nguồn gốc nên sẽ là vấn đề nan giải khiến các DN có nguy cơ đối mặt với việc khó được hưởng thuế quan theo EVFTA.
Cùng với kỳ vọng năm 2017 ngành điều sẽ cán mốc xuất khẩu vào EU đạt 1 tỷ USD, chiếm khoảng 31% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành là 3,3 tỷ USD, ngành điều cũng đang xúc tiến xây dựng chỉ dẫn địa lý cho hạt điều Việt Nam để giải quyết vấn đề chất lượng và xuất xứ hàng hóa.