Trải nghiệm "xách ba lô"

HỒNG BÍCH| 21/12/2014 04:21

Thỉnh thoảng ở một ngôi làng bé nhỏ thuộc tỉnh Kontum, tôi bắt gặp những thanh niên, da đen có, da trắng có, người Indonesia hoặc Singapore.

Trải nghiệm

Thỉnh thoảng ở một ngôi làng bé nhỏ thuộc tỉnh Kontum, tôi bắt gặp những thanh niên, da đen có, da trắng có, người Indonesia hoặc Singapore.

Đọc E-paper

Họ đến để giúp đỡ Hội Thánh Tin Lành dạy tiếng Anh cho những đứa trẻ thuộc các trung tâm xã hội, hoặc vào dạy trong các buôn làng. Họ ở trong những ngôi nhà thiếu tiện nghi, ăn thức ăn của người địa phương, dạy học và khám phá cuộc sống lao động, văn hóa người bản địa.

Có người ở khoảng 4 tháng, có người làm ở đây 2 năm. Kina, cô gái 21 tuổi đến từ Indonesia, đã ở đây được 3 tháng, và bắt đầu có những người bạn mới trong một làng gần thành phố Kontum. Cô cho biết mình là sinh viên năm thứ 3 và cần một kỳ thực tập.

Vốn là sinh viên ngành môi trường nên Kina đã lên kế hoạch để đến Kontum, một nơi rừng còn tốt nhất ở Tây Nguyên Việt Nam. Để có điều kiện sống và đi thực tế, Kina đã tham gia làm tình nguyện viên dạy tiếng Anh cho trẻ em.

Từ mục đích ban đầu là nghiên cứu, Kina dần dần bị cuộc sống và những đứa trẻ ở đây chiếm hết sự quan tâm, bởi cô cho rằng chúng yêu quý và rất cần sự giúp đỡ của cô. Kina cho biết, chỉ vài tháng ngắn ngủi nhưng cô cảm thấy mình trưởng thành hơn và sự trải nghiệm đã giúp cô xác định hướng đi, rèn luyện sự kiên trì và hướng về điều tốt đẹp.

Phong trào những người trẻ "xách ba lô lên và đi" không lạ đối với người trẻ ở các nước tiên tiến, nay đã lan sang Việt Nam. Trường hợp cô gái có tên Huyền Chíp, tác giả cuốn "Xách ba lô lên và đi" là một ví dụ. Nay cô gái này đã nhận được học bổng (toàn phần) vào một đại học thuộc hàng danh giá của Mỹ, cũng một phần là kết quả của những chuyến trải nghiệm và việc ra sách.

Cũng có cả những thanh niên dù địa vị vững vàng, có việc làm rất triển vọng, nhưng vẫn quyết định lên đường. Cô gái từng gặp bão tuyết trên đỉnh Himalaya hồi tháng 11 là ví dụ. Cô đã đi làm vài năm trong ngành ngân hàng nhưng quyết định nghỉ việc để sang Nepal làm tình nguyện viên và đi khám phá những danh thắng ở đất nước này.

Mỹ Linh kể lại sinh hoạt hằng ngày trên trang cá nhân, từ cuộc sống cực khổ ở đất nước nghèo như Nepal, đến thức ăn không hợp khẩu vị. Nhưng cô như gắn chặt với người dân ở đây khi nhớ ánh mắt thấp thỏm của người đầu bếp ngắm cô ăn món họ nấu, nhớ vòng tay ôm chặt của đứa trẻ khi cô thoát chết về lại ngôi làng nhỏ.

Nhớ người phụ nữ Việt ở Nepal đã đi tìm khách sạn cô ở để tặng cho cô vài món ăn Việt nhằm phục hồi sức khỏe. Mỹ Linh chia sẻ, chuyến đi tình nguyện chưa dài, nhưng giá trị như một kỳ đại học chất lượng cao!

Tại các nước tiên tiến, các trường đại học khi tuyển sinh và các tập đoàn lớn khi tuyển chọn nhân sự đều đánh giá cao các ứng viên có nhiều hoạt động xã hội tích cực.

Sự cổ vũ đó đã thúc đẩy nhiều thanh niên tạm dừng chương trình học đại học để trải nghiệm cuộc sống khắp thế giới, ghi chép, chụp ảnh nơi dừng chân để trả lời những câu hỏi của bản thân về cuộc sống khác lạ, các chế độ chính trị hay văn hóa bản địa.

Nhiều người đã ra sách cung cấp cái nhìn riêng về thế giới thu hút độc giả. Nhiều người thay đổi hẳn quan niệm sống và chí hướng phấn đấu. Trường hợp một bạn trẻ người Mỹ gốc Việt đã đi xuyên Việt với hai bàn tay trắng.

Chuyến đi đã để lại một cuốn sách viết về lòng nhân ái, tính hay giúp đỡ, cởi mở của người Việt Nam, làm chính người Việt đọc cũng bất ngờ và tự hào vì những nét đẹp trong văn hóa sống của mình đã được phát hiện và ghi nhận!

Thỉnh thoảng tôi nghĩ đến một sự so sánh chuyến đi của các bạn trẻ cũng giống như chuyến thỉnh kinh của Đường Tam Tạng, với hành trình miêu tả trong truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân. Có lẽ bài học mà những trải nghiệm là đáp số thật về bản chất giữa cho và nhận, thứ tạo nên nền tảng đạo đức xã hội cần thiết cho mỗi con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trải nghiệm "xách ba lô"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO