Tình trạng dân trí - "gót chân Asin" của Trung Quốc

LÊ CẨN| 22/01/2019 07:00

Thoạt nhìn, khó tin rằng đất nước Trung Quốc đang trong tình trạng dân trí thấp. Học thuyết Khổng Mạnh vẫn còn chiếm một địa vị nhất định trong đời sống văn hóa, sinh viên Trung Quốc có mặt ở nhiều trường đại học trên thế giới.

Tình trạng dân trí -

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, tình trạng dân trí thấp vẫn còn là một vấn đề nghiêm trọng của Trung Quốc, buộc các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh phải nỗ lực đưa đất nước họ thoát ra khỏi “cái bẫy thu nhập trung bình” (middle-income trap), dẫn đến tình trạng lao động rẻ và kỹ năng kém, kìm hãm đà phát triển của một xã hội đang ngày càng có những đòi hỏi bức bách hơn.

Hiện nay Trung Quốc đang thiếu một tầng lớp công nhân có đủ trình độ nắm vững những công nghệ tiên tiến để mang lại cho đất nước họ những tiến bộ cần thiết cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội.

Link bài viết

Theo Scott Rozelle - tác giả một quyển sách viết về “cuộc khủng hoảng vô hình ở Trung Quốc” (China’s invisible crisis), sở dĩ gọi là “vô hình” vì nó diễn ra ở nông thôn, ngoài tầm khảo sát của các học giả, nhà báo nước ngoài, là những người thường sống giữa các đô thị đông dân. 

Rozelle nhấn mạnh: “Trung Quốc đã không thành công trong lĩnh vực đầu tư quan trọng nhất của họ, đó là con người”. Ngày nay, kinh tế Trung Quốc lớn hàng thứ nhì thế giới, song họ lại là một trong những nước có trình độ dân trí thấp nhất thế giới.

Trong cuộc điều tra do chính quyền Bắc Kinh tổ chức vào năm 2015, chỉ có 30% lực lượng lao động cả nước có trình độ học vấn từ trung học trở lên, đứng sau tất cả những nước có thu nhập trung bình khác như Mexico, Nam Phi, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ…

Cho đến nay, điều này chưa phải là một vấn nạn lớn, vì hiện nhiều xí nghiệp và công ty xây dựng dễ dàng thu nhận những công nhân chưa đến trình độ trung học. Song trong một tương lai không xa, khi nhu cầu sử dụng công nghệ cao ngày càng bức bách thì dân trí thấp sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn rất nhiều vì số người dân sống tại nông thôn chiếm đến 64% tổng dân số cả nước.

Chất lượng giáo dục vùng nông thôn ở Trung Quốc hiện thấp hơn rất nhiều so với các vùng đô thị, mặt khác do giáo dục trung học không được miễn phí đã tạo ra nhiều khó khăn cho các gia đình nghèo. Sinh viên tại nông thôn còn gặp các thách thức lớn về sức khỏe như chứng thiếu máu do ăn uống không đầy đủ, thị lực kém, bệnh giun sán tràn lan, dẫn đến kết quả học tập và chỉ số IQ thấp hơn hẳn so với sinh viên ở các đô thị.

Các rào cản về văn hóa khiến cho việc chinh phục những thách thức trên gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn thuốc trị giun sán cho lợn được sử dụng luôn cho người; hoặc thay vì đo và cung cấp kính cho học sinh cận thị thì các trường học “luyện mắt” cho trẻ em!

Nhiều nước có thu nhập thấp hơn Trung Quốc như Ấn Độ, Ecuador, Ethiopia, Peru, Việt Nam cũng đang tìm cách thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nhưng riêng với Trung Quốc, Rozelle cho là “đã quá trễ”. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung giáng thêm một đòn nữa vào nền kinh tế Trung Quốc, đẩy giới lãnh đạo tại Bắc Kinh vào một tình thế cấp bách phải tìm cách nâng cao dân trí.

(Theo DoanhnhanPlus - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tình trạng dân trí - "gót chân Asin" của Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO