VN-Index: Triển vọng 2010

LƯƠNG MINH| 31/12/2009 08:20

Thị trường chứng khoán đã qua một năm nhiều biến động, nhưng dù sao hy vọng vẫn nhiều hơn thất vọng, nhất là năm 2010 với nhiều yếu tố hỗ trợ thì việc trông đợi vào sự đi lên ổn định là có cơ sở..

VN-Index: Triển vọng 2010

Thị trường chứng khoán đã qua một năm nhiều biến động, nhưng dù sao hy vọng vẫn nhiều hơn thất vọng, nhất là năm 2010 với nhiều yếu tố hỗ trợ thì việc trông đợi vào sự đi lên ổn định là có cơ sở..

Qua thời giảm sâu

Mặc dù nền kinh tế có những dấu hiệu hồi phục khá ổn định, nhưng TTCK đã có đợt giảm sâu vào cuối năm 2009. Theo nhiều phân tích, TTCK hiện đang được dẫn dắt bởi những nhà đầu tư cá nhân với số lượng chiếm đến 80% thị phần. Nhà đầu tư cá nhân thường giao dịch ngắn hạn và có tâm lý không vững, làm thị trường bị ảnh hưởng. Thị trường giảm sâu chủ yếu do yếu tố tâm lý, chứ không phải do những tác động của chính sách vĩ mô và thực lực của nền kinh tế.

Thị trường đã chứng kiến sự tăng trưởng của VN-Index từ 235 điểm vào cuối tháng 2/2009 lên đến mức đỉnh 624 điểm vào ngày 23/10/2009 với khối lượng giao dịch đột biến là 137 triệu cổ phiếu trong một phiên. TTCK đã phản ánh quá mức sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam cùng với một số dấu hiệu tích cực của nền kinh tế thế giới.

Nhận định về TTCK năm 2010, ông Lâm Anh Quốc, Công ty cổ phần Chứng khoán Gia Quyền tin rằng: “Nếu phân tích cơ bản thì kinh tế từng bước phục hồi sẽ tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Trường hợp có tin xấu cũng không làm thị trường giảm sâu. Phân tích kỹ thuật cho thấy, hiện nay đang vào sóng hai, mức giảm còn 430 điểm, tương ứng với giảm 50%, năm 2010 sẽ có sóng ba vượt qua đỉnh cũ (633 điểm) và nếu qua đỉnh này thì có thể lên đến 900 điểm”.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), thời gian tới sẽ có nhiều chính sách mới để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào TTCK Việt Nam. Mục đích là để tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên cao hơn tại các doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, Chính phủ sẽ nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 30% lên 49% tại tất cả công ty đại chúng, kể cả công ty chưa niêm yết (trừ tổ chức tín dụng). Đồng thời, cơ quan quản lý cũng đang xem xét việc cho nhà đầu tư nước ngoài được nắm tới 49% vốn điều lệ tại tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nước.

Ngoài ra, UBCKNN cũng hướng đến các giải pháp thúc đẩy giao dịch, như cho phép nhà đầu tư mở nhiều tài khoản hay kéo dài thời gian giao dịch... Trong đó, dự thảo thông tư cho phép nhà đầu tư được giao dịch ký quỹ được kỳ vọng sẽ giúp tăng thanh khoản trên thị trường.

Nhiều yếu tố hỗ trợ

Nhiều khả năng từ quý II/2010, TTCK sẽ được phép giao dịch ký quỹ, giao dịch chứng khoán T+2, kéo dài thời gian giao dịch, giao dịch trực tuyến ở sàn Hà Nội. Các yếu tố này sẽ tăng tính thanh khoản của thị trường, luồng tiền vào thị trường cũng sẽ tốt hơn vì các ngân hàng sẽ tự cân đối được các nguồn vốn và sẽ tiếp tục cho vay đầu tư chứng khoán.

Ông Lê Minh Tâm, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kim Eng Việt Nam cho rằng, sẽ rất khó xảy ra các đợt tăng trưởng nóng vì nhà đầu tư rất thận trọng sau giai đoạn khủng hoảng của TTCK. Lý do kế tiếp là quy mô của thị trường đã tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2009 nên khó có thể tiếp tục tăng mạnh như hồi tháng 10”.

Tới đây, nếu một số quy định về cơ chế giao dịch mới như cho phép giao dịch ký quỹ, bán chứng khoán ngày T, mua bán cùng loại chứng khoán trong ngày được các cơ quan quản lý ban hành thì sẽ giúp cho TTCK tăng tính hấp dẫn, hoạt động sôi nổi hơn và tạo ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư tham gia thị trường. Điều này cũng giúp đồng vốn của nhà đầu tư quay vòng nhanh hơn, từ đó tạo ra tính thanh khoản của thị trường tốt hơn.

Theo ông Tâm, năm 2010, TTCK cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách tài chính tiền tệ, tỷ giá hối đoái và các chỉ số vĩ mô của kinh tế Việt Nam. Trên thực tế, năm 2010 còn nhiều điểm thuận lợi đối với TTCK, như Quốc hội đã thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế thể hiện tăng trưởng ổn định, chứ không phải hy sinh để tăng trưởng. Mục tiêu là tăng trưởng nhưng kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Hiện nay, trên TTCK, giá trị nhiều công ty tương đối hấp dẫn. Nếu P/E 2009 là 11,5 lần, thì P/E 2010 chỉ khoảng 10,5, tương đối hấp dẫn đề đầu tư trung và dài hạn. Bà Lê Lệ Hằng, Giám đốc Khối phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) khuyến nghị nhà đầu tư lựa chọn những công ty có cơ bản tốt và có mức tăng trưởng trong năm 2010. “Một số ngành chúng tôi ưa thích là nông nghiệp, vật liệu cơ bản, thủy sản, công nghiệp, bất động sản, ngân hàng... Trong đó, thủy sản là ngành sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu thị trường thế giới dần hồi phục trở lại trong năm 2010 và còn nhận được, hỗ trợ của Chính phủ”, bà Hằng cho biết.

Nhìn lại 2009

Về quy mô, TTCK phát triển khá nhanh, số công ty niêm yết trên cả hai sàn tính đến thời điểm này đã lên tới 450 công ty, tức tăng hơn 120 doanh nghiệp so với cuối năm 2008. Đáng chú ý là việc lên sàn của những doanh nghiệp lớn như Vietcombank (VCB), Vietinbank (CTG), Tập đoàn Bảo Việt (BHV), Eximbank (EIB).

Đặc biệt, năm 2009, thị trường có thêm sàn giao dịch các công ty đại chúng chưa niêm yết - UPCoM (từ tháng 6/2009). Tuy chỉ mới có 30 đơn vị tham gia trên sàn UPCoM, nhưng theo các chuyên gia, sàn này hứa hẹn phát triển mạnh, giúp giao dịch các cổ phiếu OTC ngày càng minh bạch, an toàn.

Tính đến hết tháng 11, lượng tài khoản đăng ký đã đạt 730.000 tài khoản; trong đó, hơn 99% là tài khoản của cá nhân. Điều này cho thấy, chứng khoán đã trở thành kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Báo cáo tài chính quý III cho thấy, 40% doanh nghiệp niêm yết như HAG, HSG, CSM, DRC, VIS đạt lợi nhuận vượt chỉ tiêu. Tính chung, tổng lợi nhuận lũy kế 9 tháng năm 2009 của toàn thị trường đã tăng 30,7% so với cùng kỳ, một con số thành công ngoài mong đợi.

Tuy nhiên, càng về cuối năm TTCK càng gặp nhiều khó khăn. Từ cuối tháng 10, VN-Index liên tục giảm điểm và đầu tháng 12 đã xuống dưới mức 500 điểm. Giao dịch toàn thị trường chỉ quanh mức từ 1.000 - 2.000 tỷ đồng/phiên.

Vẫn còn một số nghi ngại nhưng đa số các chuyên gia đều nhận định, TTCK Việt Nam sẽ phát triển trong năm tới với nhiều yếu tố bền vững hơn

TS. LÊ XUÂN NGHĨA, PHÓ CHỦ TỊCH ỦY BAN GIÁM SÁT TÀI CHÍNH QUỐC GIA: SẼ TĂNG TRÊN 500 ĐIỂM VÀO QUÝ II

Sau khi suy giảm 66% trong năm 2008, đến nay chỉ số VN-Index đã phục hồi mạnh mẽ, tăng 55% so với năm trước và tăng 108% so với mức thấp nhất vào tháng 2/2009. Sản xuất công nghiệp, xây dựng đều tăng khá cao vào quý IV. Về cơ bản, kinh tế vĩ mô nước ta hiện nay không có yếu tố gì đáng ngại. Rủi ro lớn nhất với TTCK Việt Nam vẫn là yếu tố ngắn hạn đang chiếm tỷ lệ cao trong các suất đầu tư. Cần nói thêm rằng, mức độ tăng trưởng của thị trường này phụ thuộc rất nhiều vào điều hành chính sách kinh tế của Nhà nước. Có thể nguồn tiền trong dân dồi dào nhưng họ sẽ không đầu tư vào chứng khoán nếu không có hàng hoá tốt. Tuy nhiên, theo quan điểm riêng của tôi, TTCK Việt Nam sẽ tăng đến mức 550-560 điểm vào quý II/2010 và sau đó tăng vững chắc.

ÔNG ANDY HO, GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH QUẢN LÝ ĐẦU TƯ CỦA TẬP ĐOÀN VINACAPITAL: ĐẦU TƯ CHO BẤT ĐỘNG SẢN, GIÁO DỤC, Y TẾ

Khác với nhà đầu tư cá nhân, VinaCapital không chờ đến điểm đáy lẫn điểm đỉnh mới giao dịch vì danh mục lẫn số lượng chúng tôi quản lý rất nhiều. Năm qua, VinaCapital tiến hành tái cấu trúc danh mục đầu tư một số ngành nghề và lĩnh vực, nhưng điều đó không có nghĩa thị trường Việt Nam hết hấp dẫn. Bởi vì, chúng tôi không mua rồi bán lại dưới dạng đầu cơ. Mục tiêu năm 2010 của VinaCapital là vẫn tập trung đầu tư những ngành giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển, như bất động sản, giáo dục, y tế... Bên cạnh đó, tính thanh khoản của các cổ phiếu ngân hàng vẫn tốt nên vẫn nhiều người đầu tư, chỉ còn quan tâm về giá. Đối với các doanh nghiệp, Vinacapital vẫn tìm kiếm những doanh nghiệp có nền móng tốt, tiêu chí chọn lựa quan trọng nhất vẫn là năng lực ban điều hành.

ÔNG LÊ MINH TÂM, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN KIM ENG VIỆT NAM: RẤT KHÓ XẢY RA TĂNG TRƯỞNG NÓNG

TTCK trải qua một năm đầy sóng gió. Tuy nhiên, Kim Eng Việt Nam vẫn có doanh thu tăng gấp 20 lần so với kế họach đề ra và đang sẵn sàng cho kế họach tăng lên 500 tỷ đồng vào cuối năm 2010. Điều này chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam đang trên đà khôi phục cùng với những thông tin khả quan về phục hồi kinh tế thế giới sẽ giúp cho TTCK Việt Nam tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, dự đoán của Kim Eng trong thời gian tới sẽ rất khó xảy ra các đợt tăng trưởng nóng vì các nhà đầu tư thận trọng sau giai đoạn khủng hoảng. Vì vậy, một số quy định về cơ chế giao dịch mới như cho phép giao dịch ký quỹ, bán chứng khoán ngày T, mua/bán cùng loại chứng khoán trong ngày... nếu được các cơ quan quản lý cho phép sẽ giúp cho TTCK tăng tính hấp dẫn và họat động sôi nổi hơn.

ÔNG NGUYỄN DUY HƯNG, CHỦ TỊCH HĐQT CÔNG TY CHỨNG KHOÁN SÀI GÒN (SSI): PHỤ THUỘC VÀO TIỀM LỰC TÀI CHÍNH TRONG DÂN

Sau khi sụt giảm mạnh trong năm 2008 và đầu năm 2009, TTCK Việt Nam lại trở thành thị trường có sức phục hồi mạnh nhất. Điều này đã đóng góp đáng kể vào sự phục hồi nền kinh tế của Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng trong năm 2010. Nguyên nhân sự phục hồi này là tiềm lực tài chính trong dân đóng vai trò quan trọng. Đây là điều mà ở các thị trường khác không có được và nó sẽ tiếp tục là yếu tố giúp TTCK tăng trưởng trong thời gian tới. Nói như thế vì ở các thị trường khác, người dân thường vay tiền ngân hàng để phục vụ cho nhu cầu mua nhà, mua xe hay tiêu dùng khác. Vì vậy, khi xảy ra bất trắc với ngân hàng hay nền kinh tế, thì số lượng người thất nghiệp sẽ gia tăng rất nhanh và hệ thống tín dụng có thể bị đổ bể hàng loạt. Còn ở Việt Nam, rất ít người vay tiền ngân hàng để mua nhà ở, trừ trường hợp họ vay để đầu cơ. Hơn nữa, tín dụng của người dân Việt Nam rất lành mạnh và người dân có thói quen tích lũy tài sản.

ÔNG NGUYỄN TRUNG DŨNG, GIÁM ĐỐC CÔNG TY GOLDEN STOCKS: NHÀ ĐẦU TƯ PHẢI CHUYÊN NGHIỆP

Thị trường chứng khoán là thị trường tài chính cao cấp nhất trong các thị trường cho các sản phẩm tài chính. Ở các nước phát triển, đối tượng tham gia thị trường chứng khoán là các quỹ đầu tư có tổ chức, cũng như các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Mức độ tham gia của các nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp thường ở mức thấp, do đầu tư không hiệu quả, cũng như không có thời gian dành cho công việc khá phức tạp này. Giá của cổ phiếu phản ánh được giá trị thực của doanh nghiệp nếu hoạt động quan hệ cổ đông của doanh nghiệp có hiệu quả. Trong nhiều trường hợp, công ty niêm yết không chú trọng vào việc quan hệ cổ đông, dẫn đến giá không phản ánh đúng giá trị, cũng như tính thanh khoản kém của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, tác hại đến khả năng huy động vốn trong tương lai.

TRẦN NGỌC THƠM, GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH ĐỒNG BIÊN: NĂM TỚI SẼ NHỘN NHỊP HƠN

Đến nay, hơn 1.000 nhà đầu tư mở tài khoản của Đồng Biên, chiếm một thị phần lớn tại thành phố Biên Hòa. Đồng Nai là tỉnh gần TP.HCM, giao lưu kinh tế dễ dàng nên có nhiều tiềm năng phát triển thêm khách hàng. Hơn nữa, nơi đây có nhiều khu công nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp đã niêm yết trên hai sàn cùng với nhiều công ty đại chúng khác. Mấy năm qua, mặc dù Đồng Nai chưa hình thành chợ chứng khoán OTC nhưng việc chuyển nhượng cổ phiếu OTC giữa người lao động và nhà đầu tư ngoài công ty đã diễn ra khá nhộn nhịp. Năm 2010, Công ty sẽ nâng cấp đại lý nhận lệnh lên thành chi nhánh của công ty chứng khoán. Đồng Biên cũng sẽ phát triển thêm các điểm nhận lệnh từ xa ở tại thị trấn Long Thành, Long Khánh (Đồng Nai) nhằm đạt được mục tiêu chiếm tối đa thị phần tại Đồng Nai.

LÊ TÁ ĐIỀN - Q.C (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
VN-Index: Triển vọng 2010
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO