Vì sao số lượng bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM liên tục tăng?

Minh Quân| 04/07/2021 00:36

Số ca mắc mới trong những ngày qua tại TP.HCM liên tục nằm ở mức 3 con số, đặc biệt có những ngày ghi nhận trên 500 trường hợp bệnh nhân. Ngoài nguyên nhân là do tác nhân gây bệnh là chủng virus Delta có đặc tính lây nhiễm mạnh, còn có nhiều nguyên nhân khác

Vì sao số lượng bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM liên tục tăng?

Theo công bố của Bộ Y tế, chỉ tính riêng ngày 3/7, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 714 ca mắc Covid-19. Hiện tại, TP.HCM vượt mốc 5.000 ca mắc.

Nhận định tình hình dịch bệnh tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định, sẽ còn rất phức tạp, khó lường, số lượng ca mắc tăng nhanh. Dịch không chỉ khu trú tại TP.HCM mà lan sang một số địa phương giáp ranh như Long An, Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh xa có mối quan hệ rất mật thiết với TP.HCM như Tiền Giang, Đồng Tháp… , mối giao thương hai chiều cũng tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh từ cả hai địa phương; Các ca nhiễm cộng đồng bắt đầu có xu hướng xảy ra cao gây nhiều khó khăn cho công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM.

Đối với việc triển khai test nhanh, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, “Thành phố cần tăng cường năng lực cũng như số lượng test nhanh cung cấp cho các quận huyện, đảm bảo công tác phát hiện sớm, truy vết càng nhanh càng tốt”. Về truy vết, Thứ trưởng Bộ Y tế đề xuất với ngành y tế là tất cả đơn vị truy vết bây giờ nên chỉ tập trung làm công tác truy vết, không sử dụng vào công việc khác trong các vùng dịch để đảm bảo hoàn thành công tác truy vết thật chi tiết và hiệu quả.

Nhận định, nguyên nhân số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 tăng nhanh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết,  do tác nhân gây bệnh là chủng virus Delta có đặc tính lây nhiễm mạnh. Đợt dịch này lây nhiễm, bùng phát trong hàng xóm, gia đình, nơi làm việc, đặc biệt các tòa nhà văn phòng, cơ sở chế biến thực phẩm đông lạnh...Các ca khám bệnh lúc đầu chỉ vài ca, từ các ca chỉ điểm rồi phát hiện thêm các ổ dịch trong cụm dân cư, khu nhà trọ tại vùng ven, cụm dân cư huyện ngoại thành. Từ đây xâm lấn vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. 

SG-jpeg-3078-1625333643.jpg

Trả lời VTV tối 3/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến dịch có điều kiện lây nhanh và khó kiểm soát tại TP.HCM.

Thứ nhất, virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh tại thành phố thuộc biến chủng Delta (được tìm thấy lần đầu tiên ở Ấn Độ). Biến chủng này có sự lây lan nhanh, đặc biệt là trường hợp tiếp xúc gần.

Thứ 2, TP.HCM có mức độ tập trung dân cư đông đúc, nhiều chợ tự phát và chợ truyền thống tập trung với mật độ cao. Điều này khiến virus có sự lây lan nhanh hơn.

Thứ 3, thành phố có nhiều khu công nghiệp và nhà máy sản xuất, số lượng công nhân đông. Trường hợp một công nhân nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không xuất hiện triệu chứng làm việc, có thể dẫn đến sự lây nhiễm cho cả quần thể người lao động.

Ngoài ra, công tác tổ chức xét nghiệm diện rộng, ca mắc mới không chỉ trong khu cách ly, vùng phong tỏa mà còn được phát hiện nhanh trong cộng đồng dân cư. Điều này khiến thành phố có số ca mắc tăng nhanh chóng trong thời gian qua. Trước  tình hình này, TP.HCM quyết định thành lập Trung tâm điều hành, điều phối xét nghiệm trên địa bàn thành phố.

"Việc thành lập trung tâm này sẽ giúp TP.HCM đẩy nhanh được tiến độ xét nghiệm. Chiều nay, TP.HCM có khả năng lấy 1,4 triệu mẫu/ngày, năng lực xét nghiệm đạt 450.000 mẫu gộp. Trong thời gian tới, thành phố xây dựng kế hoạch cách ly F1 tại nhà, có thể sử dụng công thức 14 + 14. Công thức này có nghĩa là đối với trường hợp F1 sau 14 ngày cách ly tập trung sẽ được khảo sát tại nơi lưu trú nếu đảm bảo các điều kiện như hướng dẫn của Bộ Y tế. Điều này góp phần giảm tải cho khu cách ly tập trung tại TP.HCM", Thứ trưởng Sơn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao số lượng bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM liên tục tăng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO