Nợ và công khai

THƯ ANH| 28/05/2010 06:05

Kinh tế thế giới đang lo âu với “bóng đen” vỡ nợ quốc gia, bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp lan ra châu Âu. Có lẽ cũng từ mối lo chung này mà vấn đề nợ công tại Việt Nam trở nên “nóng” hơn.

Nợ và công khai

Kinh tế thế giới đang lo âu với “bóng đen” vỡ nợ quốc gia, bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp lan ra châu Âu. Có lẽ cũng từ mối lo chung này mà vấn đề nợ công tại Việt Nam trở nên “nóng” hơn.

Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, nợ Chính phủ đang tăng cao: bằng 33,8% GDP năm 2007, 36,2% GDP năm 2008, 41,9% GDP năm 2009, và dự báo lên đến 44,6% vào cuối năm 2010. Dựa vào các con số này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cảnh báo, nợ Chính phủ đã tăng sát mức trần cho phép.

Theo một báo cáo cuối năm rồi của Bộ Tài chính, nợ công của Việt Nam tính đến hết năm 2009 đã là 44,7% GDP (trong đó nợ Chính phủ bằng 35,4% GDP, nợ được Chính phủ bảo lãnh bằng 7,9% GDP, và nợ chính quyền địa phương là 1,4% GDP).

Hai báo cáo đưa ra những con số chênh lệch rất lớn khiến không ít người thắc mắc: Mức nợ công là an toàn hay đáng lo? Đó là điều khó chấp nhận cho một con số quan trọng của nền kinh tế quốc gia. Sai số này có thể do cách tính nợ công: có bao gồm các khoản nợ Chính phủ hay không, hoặc tính theo tổng các trái phiếu chưa đến hạn trả cộng các khoản vay hay tạm ứng khác; các khoản Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tạm ứng cho ngân sách…

Nhưng, hãy khoan nói về cách tính nợ công, ở đây chỉ bàn tới việc thống nhất công bố khoản nợ này. Bởi vì, nợ công là khoản nợ mà người dân phải trả bằng thuế, nên việc tính toán và theo dõi nợ công là nghĩa vụ và trách nhiệm của người dân. Do đó, thông báo cho những người phải trả nợ là trách nhiệm buộc phải thực hiện đối với những người đi vay nợ.

Việc công bố nợ công là hiển nhiên ở nhiều nước, thậm chí ở Mỹ còn có chiếc đồng hồ chỉ tổng nợ quốc gia được đặt tại New York, cập nhật từng giây số tiền mà quốc gia này đang nợ. Ở Việt Nam, một thời ngân sách là bí mật quốc gia và nợ của Chính phủ cũng vậy. Nay, Bộ Tài chính đã công khai một số dữ liệu của ngân sách, nợ nước ngoài...

Tuy nhiên, như trên đã nói, rõ ràng những thông tin về nợ công làm người dân chưa hài lòng, không muốn nói là lo lắng. Cũng giống như chi ngân sách quốc gia, nợ công nếu không được minh bạch và chính xác thì khó lòng giám sát hiệu quả đầu tư, khó lòng phát hiện và triệt tiêu tham nhũng...

Trong những năm tới sẽ có nhiều dự án, chương trình đầu tư lớn phải vay vốn nước ngoài, như dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, nhà máy điện nguyên tử... Mà thực tế cho thấy, hầu như công trình lớn nào cũng bị “đội” vốn đầu tư so với dự kiến ban đầu.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia thực hiện dự án “Tăng cường năng lực quản lý nợ nước ngoài hiệu quả và bền vững”, Việt Nam nên vay thương mại nước ngoài trong trường hợp đặc biệt, khi không thể huy động được nguồn vốn trong nước có hiệu quả hơn.

Cũng theo khuyến cáo này, Chính phủ phải quản lý chặt chẽ việc vay và trả nợ nước ngoài trong khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là vay nợ của doanh nghiệp; hạn chế sự bảo lãnh của Chính phủ đối với khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp, trong trường hợp bắt buộc phải bảo lãnh thì phải thẩm định cẩn trọng khả năng trả nợ của doanh nghiệp...

Cũng không khác tình cảnh của những người “bóc ngắn cắn dài”, đã vay nợ còn tiêu pha “không biết trời đất” thì chỉ có nước vỡ nợ. Vì thế, điều cần làm đầu tiên là phải biết chính xác mình đang vay nợ bao nhiêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nợ và công khai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO