CSR: Từ thiện và hơn thế nữa

P.TR.Ngọc Huy| 24/02/2009 03:48

Các doanh nghiệp Việt Nam đã thảo luận và trăn trở rất nhiều về sứ mệnh của mình đối với đất nước và cộng đồng. Nhưng có lẽ, đã đến lúc họ cần quan tâm nhiều hơn nữa, thể hiện rõ hơn nữa ở một góc độ hẹp hơn nhưng cụ thể hơn: Trách nhiệm xã hội (Corporate Social Responsibility - CSR) ...

CSR: Từ thiện và hơn thế nữa

Các doanh nghiệp Việt Nam đã thảo luận và trăn trở rất nhiều về sứ mệnh của mình đối với đất nước và cộng đồng. Nhưng có lẽ, đã đến lúc họ cần quan tâm nhiều hơn nữa, thể hiện rõ hơn nữa ở một góc độ hẹp hơn nhưng cụ thể hơn: Trách nhiệm xã hội (Corporate Social Responsibility - CSR) - khái niệm chưa hẳn đã quen thuộc với tất cả doanh nghiệp trong nước.

Lĩnh vực này vừa được khuấy động bằng một hội thảo do Masso Group, Văn phòng Vì sự phát triển bền vững (thuộc VCCI), Viện quản trị châu Á (AIM) và Viện Quản trị và Marketing Việt Nam (VMI) tổ chức trong tuần qua (ảnh).

Rẻ, tốt, Và có ích

Cả thế giới và từng quốc gia cụ thể đang phải trả giá từng ngày cho những hệ quả từ mặt trái của phát triển kinh tế. Hệ quả đó đang đe dọa từ môi trường tự nhiên đến môi trường nhân bản. Khoảng cách giàu nghèo, cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu... đã là những mối lo bao trùm toàn nhân loại.

Chính vì vậy, sứ mệnh của các doanh nghiệp không còn chỉ đơn thuần là làm ra dịch vụ, sản phẩm để phục vụ nhu cầu xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế, mang lại công ăn việc làm cho người lao động...

Các nền kinh tế phương Tây và các quốc gia thịnh vượng, với lợi thế về lịch sử phát triển và sự trải nghiệm, đã phần nào nhận ra sự không đơn thuần đó nên CSR đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược hành động và phát triển của nhiều doanh nghiệp.

Trong khi đó, đối với các nước nghèo, tăng trưởng, làm giàu nhiều khi là mục tiêu tối thượng, bất chấp cái giá phải trả cho cạn kiệt nguồn tài nguyên và ô nhiễm môi trường sống.

Cách thức đó ngày càng minh chứng rất rõ chỉ có thể mang lại sự tăng trưởng, chứ không tạo nên sự phát triển, bởi sự tăng trưởng kinh tế không tỷ lệ thuận với sự gia tăng chất lượng cuộc sống, thậm chí, còn khiến đời sống con người trở nên mệt mỏi, bệnh tật nhiều hơn.

Đồng thời, sự giàu có không đến được với tất cả những thành phần đã đóng góp để làm nên sự giàu có đó. Cụ thể là nhiều ông, bà chủ ngày càng phát đạt, trong khi chất lượng cuộc sống của nhiều người lao động lại tỷ lệ nghịch với khuynh hướng phát triển xã hội.

Việt Nam là một trong những quốc gia đang có những biểu hiện rất rõ về sự bất cập này.

Vậy thì, CSR là gì và doanh nghiệp cần làm, có thể làm những gì?

Tại hội thảo trên, giáo sư Felipe B. Alfonso, Giám đốc Điều hành Trung tâm CSR thuộc AIM, dẫn một khái niệm rất dễ hiểu của Hội đồng doanh nghiệp thế giới Vì sự phát triển bền vững (World Business Council for Sustainable Development): “CSR là sự cam kết tiếp nối của doanh nghiệp trong xử thế một cách nhân văn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế đồng thời với quá trình cải thiện chất lượng cuộc sống của người lao động và gia đình họ cũng như của cộng đồng lớn xung quanh”.

Chuyên gia này cũng phân tích rất nhiều lợi ích mà một doanh nghiệp sẽ được nhận lại khi làm tốt trách nhiệm cộng đồng. Ông dẫn một kết quả khảo sát tại Philippines cho thấy, 95% và 91% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, sau các chiến lược CSR, lượng khách hàng của họ tăng lên, sự hài lòng, kính trọng của người lao động đối với họ cũng tăng.

Cụ thể hơn, bà Hồ Thị Thu Uyên, đại diện của Intel, chia sẻ quan điểm và cách thực hiện CSR của tập đoàn này. Bà Uyên cho biết, doanh nghiệp mình xem CSR là phần rất quan trọng trong chiến lược phát triển.

Vì vậy, tiêu chí cao nhất của Intel là dùng công nghệ để thay đổi tích cực chất lượng cuộc sống, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Dựa trên tiêu chí ấy, Tập đoàn luôn hướng tới phát minh những công nghệ xanh, sản phẩm tiết kiệm điện, nước.

Bên cạnh trách nhiệm với môi trường, chiến lược CSR của Intel còn tập trung tạo nên những giá trị nhân bản trong văn hóa doanh nghiệp. Trong đó, một giá trị rất quan trọng là tinh thần thiện nguyện của lực lượng lao động.

Tại Việt Nam, Intel đã triển khai rất nhiều hoạt động, từ tuyên truyền ý thức tuân thủ luật an toàn giao thông đến các hoạt động cộng đồng mà cả tổng giám đốc lẫn nhân viên đều hào hứng tham dự. Bà Uyên dẫn chứng bằng chương trình trồng rừng tại Đồng Nai của Intel.

Theo đó, sau khi khảo sát, đơn vị này quyết định đầu tư trồng rừng cho một địa phương tại Đồng Nai và cho phép toàn thể nhân viên lấy ngày công lao động để tham gia hoạt động tình nguyện này.

“Chúng tôi không trồng rừng để được báo chí tuyên dương hoặc chỉ làm lấy lệ một, hai lần rồi thôi. Mà đó là một chương trình dài hơi, có theo dõi chặt chẽ, chăm sóc, trồng lại cây chết... để hoạt động thiện nguyện của mình mang đến kết quả cụ thể”, bà Uyên nói.

Một lĩnh vực đầu tư cho CSR quan trọng khác của Intel là chăm sóc, đào tạo nguồn nhân lực ở cả những địa phương mà Tập đoàn chưa có thị trường.

Bà Uyên cho biết, cụ thể là từ năm 1997, trước khi Intel có kế hoạch xây dựng nhà máy tại Việt Nam thì Tập đoàn này đã bắt đầu xúc tiến nhiều chương trình hợp tác với Bộ Giáo dục - Đào tạo nhằm góp phần cải thiện chất lượng giáo viên và đem đến cơ hội học tập tốt hơn cho học sinh, sinh viên.

Giáo dục, đào tạo là lĩnh vực mà Intel đã và đang đầu tư nhiều nhất trong ngân sách dành cho việc thực hiện CSR của mình... “Khách hàng ngày nay chọn mua sản phẩm rẻ, tốt, nhưng còn phải có ích cho cộng đồng nữa. Công ty nào làm tốt CSR, người lao động cũng tự hào hơn, cổ đông cũng an tâm hơn. Làm tốt CSR, chúng ta sẽ win được nhiều thứ lắm, chứ không chỉ win-win như chúng ta thường mong đợi”, bà Uyên cho biết.

Làm từ thiện: Chưa đủ

Một minh chứng khác từ trường hợp của Vinamit, một doanh nghiệp nội địa. Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc, phát biểu: “Cho đến hôm nay, khi nhiều hệ lụy xã hội ập đến, người ta mới nhận ra rằng cần phải làm nhiều hơn cho môi trường và cộng đồng”.

Ông Viên thừa nhận rằng lâu nay, những gì ông làm đều xuất phát từ nhận thức và tấm lòng, chứ không gọi tên các hoạt động của mình là CSR. Điều cốt lõi trong quan điểm thực hiện CSR của ông Viên là trân trọng, chăm sóc, hỗ trợ đội ngũ nhân viên của mình để họ có được điều kiện làm việc thoải mái.

“Nếu các bạn có tinh thần chia sẻ, tạo tiện nghi tốt nhất cho nhân viên của mình thì họ sẽ dành hết tâm huyết cho công việc”, ông Viên tâm tình. Chính vì vậy, bên cạnh đầu tư cho nhà xưởng, văn phòng, Vinamit còn đầu tư rất bài bản cho nơi ăn ở, sinh hoạt, thư giãn của nhân viên.

Đồng thời, là một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, gắn liền với nguồn nguyên liệu nông sản, ông Viên nhận thấy đương nhiên mình phải có bổn phận chăm lo cho người nông dân. Ông đã cho tiến hành nhiều hoạt động, từ hỗ trợ giống, công nghệ đến bao tiêu đầu ra nhằm giúp bà con đối tác của mình thu được hiệu quả tốt nhất từ canh tác, có đời sống ổn định hơn.

Mặt khác, Vinamit còn xây dựng Regina Foundation, một quỹ nhân đạo nhằm giúp đỡ người bất hạnh, học sinh nghèo và hỗ trợ về y tế - cứu sống bệnh nhân nghèo mắc bệnh nan y... “Tất cả những nỗ lực này, chúng tôi hy vọng những thế hệ tương lai sẽ kế tục và phát huy”, ông Viên nói.

Cả ông Viên và bà Uyên đều khẳng định, khi doanh nghiệp có trách nhiệm cụ thể với người lao động và cộng đồng, môi trường doanh nghiệp sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều và đó chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Trên cương vị một công ty dịch vụ truyền thông, đại diện của Masso PR cho biết: “Doanh nghiệp tiêu tiền vào các hoạt động thể hiện CSR dễ được cộng đồng đón nhận hơn là chi tiền cho quảng cáo đơn thuần. Vì vậy, trong thời khủng hoảng, có thể có nhiều khoản ngân sách bị cắt, song ngân sách cho CSR thì không nên”. Ông Viên và bà Uyên cho biết, doanh nghiệp của mình vẫn duy trì ngân sách đầu tư cho CSR dù môi trường kinh tế đang xấu.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam lâu nay hỗ trợ rất hào phóng cho các quỹ từ thiện, các chương trình quyên góp, đấu giá trên truyền hình và tin rằng mình đã làm tốt trách nhiệm với cộng đồng. Song làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo thôi chưa đủ, nhất là khi những đồng tiền tài trợ không được giám sát một cách nghiêm túc.

Trách nhiệm xã hội không dừng lại ở việc giúp đỡ tiền bạc, dù ít hay nhiều, mà còn là nhận thức của doanh nghiệp trong việc làm sao để từng khoản tiền tài trợ đó đem lại kết quả cụ thể cho những đối tượng cần hỗ trợ.

Trách nhiệm xã hội cũng không phải là những hoạt động hỗ trợ ngắn hạn, đứt đoạn, không chỉ ở phần ngọn là giúp đỡ người nghèo ở đâu đó, mà còn là trách nhiệm với chính lực lượng lao động của mình, với chất lượng nguồn nhân lực - cơ sở để phát triển một đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
CSR: Từ thiện và hơn thế nữa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO